Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Hiệu quả từ Dự án ActionAid Việt Nam về chung tay vì sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ

08:05, 30/10/2012

Thực hiện Chương trình hành động vì giáo dục năm 2012 với chủ đề “Gia đình, nhà trường và xã hội chung tay vì sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”, năm học 2012-2013, Dự án ActionAid Việt Nam tại huyện Krông Bông (còn được gọi là Dự án hỗ trợ phát triển DA18) phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện và UBND xã Dang Kang triển khai chương trình “Hãy cùng chung tay vì sự phát triển toàn diện của trẻ thơ” tại Trường Mầm non Hoa Phượng.

Ông Đinh Quang Ý, Điều phối viên Dự án DA18 cho biết: Việc thực hiện bán trú cho học sinh mầm non trên địa bàn xã phù hợp với mong muốn của chính quyền địa phương cũng như nguyện vọng của giáo viên và nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên để làm được điều này ở một địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như xã Dang Kang là điều không dễ. Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Dang Kang dù đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bằng nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp của Nhà nước, nhưng trước đây không có tường rào bao quanh, không có sân chơi cho trẻ, lại nằm ngay hồ chứa nước lớn rất nguy hiểm đến tính mạng của các cháu học sinh mẫu giáo. Để bắt tay vào triển khai chương trình, đầu năm học 2011-2012, Dự án DA18 đã hỗ trợ xây dựng cổng và tường rào bao quanh vững chắc, thiết kế lại khuôn viên của trường, tạo môi trường lành mạnh, an toàn và thân thiện cho trẻ nhỏ với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Tiếp đến DA18 đầu tư kinh phí 100 triệu đồng giúp Trường xây dựng nhà ăn với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như: tủ lạnh bảo quản thức ăn, nồi, niêu xoong, chảo, chén bát, bếp ga… Từ cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng, DA18 phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường kêu gọi các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, gia đình và cộng đồng cùng chung tay vì sự phát triển toàn diện của trẻ bằng việc vận động phụ huynh cho con em trong độ tuổi mẫu giáo học các lớp bán trú. Chương trình này ngay lập tức đã đáp ứng được nguyện vọng của các bậc phụ huynh trên địa bàn xã.

Giờ ăn  trưa tại các lớp bán trú trường mẫu giáo Hoa Phượng  xã Dang Kang.
Giờ ăn trưa tại các lớp bán trú Trường Mẫu giáo Hoa Phượng xã Dang Kang.

Có thể nói việc thực hiện bán trú cho các cháu mẫu giáo là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học mầm non. Trẻ em ở đây được giáo dục toàn diện trong các giờ học ở lớp, giờ ra chơi, giờ ăn, giờ ngủ đều được thực hiện nghiêm túc. Nhờ các lớp học bán trú, giờ đây các cháu học sinh người dân tộc thiểu số đã hình thành được ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng từ 46% trước đây đã giảm xuống còn dưới 26%.

Cô Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng phấn khởi cho biết:  Lúc đầu khi chương trình bán trú mới đưa vào thực hiện, toàn trường chỉ có 22 cháu tham gia, đến nay đã tăng lên 195 cháu, trong đó có 64 cháu ở điểm trường lẻ. Nhà trường đang tiếp tục kêu gọi sự tài trợ của DA18 và các nhà hảo tâm, các bậc phụ huynh để có ít nhất 95% học sinh mẫu giáo của nhà trường được học bán trú.

Được biết, trước những kết quả đáng mừng từ Chương trình mang lại, Dự án DA18 đang tiếp tục đề nghị tổ chức ActionAid Việt Nam hỗ trợ kinh phí để nhân mô hình ra diện rộng không chỉ ở Trường Mầm non Hoa Phượng mà cho tất cả các trường mẫu giáo nằm trong vùng dự án; đồng thời kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội để cùng chung tay, góp sức cải thiện chất lượng bữa ăn cho các cháu mẫu giáo bán trú.

Phúc Trình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.