Multimedia Đọc Báo in

Đánh giá đúng thực trạng người nghèo và có giải pháp giảm nghèo bền vững

23:40, 10/11/2012

Công tác xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, thông qua những cơ chế, chính sách an sinh xã hội, từ đó đã giúp cho hàng vạn gia đình trong cả nước thoát được nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả, góp một phần công sức xây dựng đất nước. Song mỗi giai đoạn 5 năm kế hoạch, khi Nhà nước điều chỉnh mức chuẩn xác định hộ nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo lại trở về điểm xuất phát.

Là một người làm công tác lao động - thương binh và xã hội ở cơ sở đến nay đã được 23 năm, tôi xin mạo muội đưa ra một số nhận xét sau:

Căn cứ tiêu chí hộ nghèo năm 1997 là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 55.000 đồng/tháng và đến giai đoạn 2010-2015 là 400.000 đồng/người/tháng, thì ở đầu giai đoạn thường biến động từ 30-35% và cuối giai đoạn từ 12-17%. Số liệu trên phản ánh thông số “động” còn phần “tĩnh” thì số hộ nghèo thường tập trung vào 4 nhóm chính: 

Nhóm “nghèo theo dòng họ”: Ông bà ta có câu: “Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó 3 đời” thế nhưng trong thực tế, một gia đình nghèo đông con, đất đai, tài sản, vốn liếng không có, nên khi con cái trưởng thành lập gia đình không có điều kiện để làm ăn. Qua khảo sát tại một buôn nọ ở xã Hòa Phong có tổng số hộ nghèo là 36 hộ nhưng một dòng họ chiếm đến 8 hộ. Tương tự ở các thôn, buôn khác tỷ lệ này chiếm cũng khá cao.

Nhóm “nghèo do thiếu trình độ văn hóa”: chiếm tỷ lệ khá cao. Đối với nhóm này thường rơi vào gia đình đông con, do không có trình độ văn hóa nên không biết cách làm ăn, con cái ít được học hành đến nơi đến chốn, đa số kết hôn sớm, đối tượng kết hôn thường cũng là người cùng cảnh ngộ, vì thế không có điều kiện phát triển kinh tế.

Nhóm “nghèo do chây lười lao động”: Đối với nhóm này phần lớn chủ hộ mắc các tệ nạn rượu chè, cờ bạc; họ chỉ biết hưởng thụ riêng bản thân, lười lao động, mặc cho vợ con tự bươn chải.

Nhóm “nguyên nhân khác”: chiếm tỷ lệ thấp, đa số chủ hộ bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro… họ cố gắng lao động nhưng vì chi phí chữa bệnh quá lớn hoặc gặp rủi ro bị nợ nần chồng chất nên họ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra còn có những hộ nghèo do thiếu đất đai, thiếu vốn….

Song dù thuộc nhóm hộ nghèo nào đều có những điểm chung nhất là: đông con, ít học, nhận thức hiểu biết về xã hội rất hạn chế, chi tiêu không có kế hoạch, an phận thủ thường…

Với đặc trưng nêu trên, để công tác giảm nghèo bền vững, ngoài những giải pháp đã triển khai từ trước đến nay như hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ đất đai, nhà ở, y tế, giáo dục, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm…, trước hết Nhà nước cần sớm điều chỉnh các chính sách hỗ trợ gắn với biện pháp chế tài, tránh để nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Thứ hai, sự nỗ lực của bản thân người nghèo là yếu tố quyết định, vì trong thực tế những năm qua khi triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, thì sau khi nhận giống cây trồng vật nuôi có hộ đã đem bán hết lấy tiền sử dụng vào việc ăn uống; về hỗ trợ đời sống sau một lần nhận tiền là một dịp để họ “tiêu xài xả láng”… Do vậy cần thực hiện tốt quan điểm “cho cần câu chứ không cho con cá”.

Thứ ba, Mặt trận và các đoàn thể cần phân công những thành viên, hội viên có điều kiện nhận đỡ đầu cho một hộ nghèo không chỉ trên danh nghĩa mà bằng việc làm thiết thực như hướng dẫn cách làm ăn, cho mượn đất, mượn vốn hoặc cho chăn nuôi rẽ, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận dần cách quản lý gia đình tiến bộ.

Thứ tư, chính quyền địa phương sở tại nên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp định kỳ mỗi năm 2 lần để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp người nghèo xóa bỏ mặc cảm tự ti, đồng thời kiên quyết, có biện pháp chế tài đối với những trường hợp vi phạm chính sách dân số, hoặc lười biếng, chây lười lao động, mắc tệ nạn xã hội.

Thứ năm, thành lập câu lạc bộ người nghèo để người nghèo có nơi sinh hoạt trao đổi tâm tư nguyện vọng, đề xuất những kiến nghị chính đáng để các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Bên cạnh đó khen thưởng xứng đáng những nhân tố tích cực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Công tác giảm nghèo không chỉ của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn xã hội, vì vậy triển khai đồng bộ các giải pháp một cách có hiệu quả sẽ góp phần đưa công tác giảm nghèo bền vững.

Mai Viết Tăng

 


Ý kiến bạn đọc