Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người cán bộ khoa học góp phần hình thành, phát triển thương hiệu “bò thịt Ea Kar”

14:08, 29/12/2012

Ngoài công việc chính là giảng dạy tại Trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN), Tiến sĩ Trương Tấn Khanh (Phó trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y) đều dành thời gian để nghiên cứu và thực hiện các đề án khoa học về trồng cỏ - nuôi bò theo mô hình nhốt tập trung tại huyện Ea Kar, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu “bò thịt Ea Kar” gắn liền với lợi ích kinh tế của người dân.

Nghề ràng buộc người

Năm 2000, Khoa Chăn nuôi thú y của Trường ĐHTN phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và được hỗ trợ đầu tư vốn để thực hiện Dự án phát triển ngành chăn nuôi tại một số địa phương trong tỉnh. Theo đó, Tiến sĩ Trương Tấn Khanh được giao chủ trì Dự án trồng cỏ - chăn nuôi bò tại huyện Ea Kar. Nhớ lại khoảng thời gian đầu triển khai, Tiến sĩ Trương Tấn Khanh tâm sự: “Khi đó, nói đến việc trồng cỏ để chăn nuôi bò gần như là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với nhiều hộ dân. Tôi và anh Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar chỉ với chiếc xe máy cà tàng, đeo trên lưng một ba lô nặng trĩu hạt cỏ giống, rong ruổi mấy tháng ròng đến khắp các thôn, buôn trong huyện để vận động từng hộ dân trồng cỏ - nuôi bò, nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu”. Nhưng rồi với những quyết tâm, niềm đam mê đến cùng của các anh, cuối cùng cũng có một vài người trong huyện đang nuôi bò theo hình thức thả rông đã đồng ý trồng thử một vài sào. Được sự hỗ trợ về cỏ giống, lại có cán bộ khoa học đồng hành bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chăn nuôi theo hình thức nhốt tập trung, chẳng mấy chốc người dân nhận ra hiệu quả bất ngờ. Khi xuất bán lứa bò đầu tiên, thu lãi 5 triệu đồng/con, cao hơn nuôi bò theo kiểu truyền thống 80%. Từ thành công bước đầu, T.S Khanh đã liên kết với trạm thú y, khuyến nông huyện Ea Kar mở các lớp hội thảo đầu chuồng, đầu bờ về mô hình trồng cỏ - nuôi bò hiệu quả cho bà con trong huyện thăm quan, áp dụng. Đến năm 2003, đã có thêm gần 100 hộ trong huyện đăng ký trồng cỏ và chăn nuôi bò mô hình nhốt tập trung, đem lại lợi nhuận cao, đặc biệt là hạn chế được dịch bệnh do ít bị lây nhiễm như khi thả rông. Từ năm 2004 đến nay, Trường ĐHTN tiếp tục triển khai Dự án phát triển đàn bò nuôi nhốt tại huyện Ea Kar với nguồn vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư phát triển Liên hợp quốc. Rồi T.S Khanh lại tiếp tục được giao nhiệm vụ cùng một số cán bộ chuyên môn của trường thực hiện việc giúp người dân Ea Kar mở rộng đầu tư phát triển diện tích đồng cỏ và phát triển số hộ chăn nuôi bò. Phát triển đề án lần này, T.S Khanh đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm trên 200 giống cỏ vùng nhiệt đới trên thế giới để chọn ra được 6 giống cỏ có năng suất cao, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên của vùng để bà con thực hiện, trong đó có 3 giống là: cỏ sả, voi, VA06 có tiềm năng nhất được bà con trồng nhiều. Những nỗ lực trên đã được ngành nông nghiệp và bà con huyện Ea Kar ủng hộ, thành lập các mô hình Câu lạc bộ, tổ thôn, xóm trồng cỏ - nuôi bò với khoảng trên 1.000 hộ thành viên, mỗi hộ  nuôi từ vài ba đến hàng chục con, chủ yếu là bò thịt.

Tiến sĩ  Trương Tấn Khanh (đứng giữa)  hướng dẫn  đoàn khách  nước ngoài  đến thăm quan  mô hình  nuôi bò nhốt  tập trung  hiệu quả cao  tại huyện Ea Kar.
Tiến sĩ Trương Tấn Khanh (đứng giữa) hướng dẫn đoàn khách nước ngoài đến thăm quan mô hình nuôi bò nhốt tập trung hiệu quả cao tại huyện Ea Kar.

Đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân

Có thể khẳng định: T.S Trương Tấn Khanh là một trong những người đi đầu về việc hình thành, phát triển thương hiệu “bò thịt Ea Kar”, được bà con trong, ngoài tỉnh biết đến vì đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân. Cách làm của đa số các dự án, mô hình đầu tư phát triển nông nghiệp khác là chỉ tập trung vào một vài hộ được chọn làm mô hình thí điểm để rồi đầu tư vốn 50%, có dự án thì 100%/hộ từ cây, con giống đến thức ăn, phân bón và cán bộ hướng dẫn kỹ thuật. Vì vậy, về tính phủ rộng mô hình là rất hạn chế, tạo nên tâm lý thụ động cho người thực hiện thí điểm, bởi không phải bỏ vốn của mình, khi dự án kết thúc thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn, các hộ khác muốn tham gia cũng không yên tâm vì chưa nắm hết về kỹ thuật nuôi trồng… Khác với cách làm trên, Dự án trồng cỏ, nuôi bò nhốt mà T.S Trương Tấn Khanh đưa về cho người dân huyện Ea Kar chủ yếu là đầu tư về giống cỏ trồng làm nguồn thức ăn nuôi bò, kết hợp với cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật nuôi bò để bà con tham khảo, học hỏi; đồng thời tổ chức cho bà con tham quan các lò mổ bò ở tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương để bà con liên hệ trực tiếp với thương lái về tận nơi mua bò với giá bán tận gốc ổn định. T.S Khanh còn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân thành lập và tham gia các tổ, đơn vị và hợp tác xã nuôi bò có sự hướng dẫn thường xuyên về phòng ngừa dịch bệnh, tăng thêm nguồn thức ăn tinh bột cho bò, từ việc ủ men các loại bã mía, lá cây, sắn, sơ mít… sẵn có; xử lý nguồn phân, chất thải chăn nuôi bằng hầm

(Xem tiếp trang 8)

biogas khép kín, vừa có chất đốt trong sinh hoạt, bảo vệ môi trường thôn xóm lại có nguồn nước, phân hoai mục để bón cho vườn cỏ, không phải sử dụng đến phân bón ngoài. Bên cạnh đó, hằng năm, T.S Khanh còn giới thiệu nhiều sinh viên khoa chăn nuôi thú y của trường về thực tập, các học viên Thạc sĩ, Tiến sĩ của một số Trường Đại học, Cao đẳng trong, ngoài tỉnh đến tìm hiểu, nghiên cứu làm đề tài Khóa luận, Luận án khoa học… và giúp đỡ bà con cách thức chăn nuôi bò hiệu quả. Giờ đây, người dân Ea Kar đang tích cực chăn nuôi bò theo hình thức nhốt tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Anh Nguyễn Văn Cường, chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi bò thôn Cư Cúc, xã Ea Kmut vui mừng chia sẻ: Việc trồng cỏ - nuôi bò nhốt tập trung thực sự rất đơn giản mà đem lại hiệu quả kinh tế cao; từ lúc mua con giống về chỉ cần nuôi trong 5-6 tháng là xuất bán được. So sánh với nuôi bò thả rông như trước thì việc nuôi nhốt tập trung kết hợp với đồng cỏ hiện nay cho năng suất cao hơn từ 6-8 lần, thu lãi khoảng 1,8 triệu/tháng/con bò thịt. Trong khi đó, việc nuôi bò nhốt tập trung khá nhẹ nhàng, nguồn thức ăn sẵn có, ít dịch bệnh, không tốn công chăm sóc, cứ bỏ thức ăn vào máng là bò ăn cả ngày. Nhận thấy lợi nhuận cao nên bà con trong xã rủ nhau mở rộng chăn nuôi, những hộ có kinh tế khá giúp đỡ vốn làm ăn cho những hộ khó khăn; ngay cả những hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng đang dần thay đổi tập quán chăn nuôi theo kiểu thả rông để mở rộng sản xuất. Hiện nay câu lạc bộ nuôi bò của anh có 24 hộ, nuôi thường xuyên khoảng 200 con bò thịt. Đáng chú ý là từ khi tham gia câu lạc bộ, nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu từ nuôi bò, như các anh Hoàng Văn Tính, Y Nhiếp Niê, Y Nhiên Niê… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi bò.

Chia sẻ thêm về việc trồng cỏ - nuôi bò, Tiến sĩ Trương Tấn Khanh khẳng định: bà con trong, ngoài tỉnh nên áp dụng việc làm này của người dân huyện Ea Kar, bởi hiện nay việc nuôi bò thả rông không còn phù hợp nữa, diện tích đồng cỏ tự nhiên, nơi chăn thả đang ngày càng bị thu hẹp, thậm chí không còn; trong khi đó việc thả rông dễ phát sinh và lây lan nguồn dịch bệnh cho vật nuôi cũng như con người, mà hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó cần trồng 1 sào cỏ sả, voi, hoặc VA06, kết hợp thêm nguồn thức ăn phụ phẩm khác ủ men, thì có thể chăn nuôi từ 3-5 con bò. Vì vậy, bất cứ địa phương nào cũng đều có thể áp dụng tốt.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.