Multimedia Đọc Báo in

Dạy học tích hợp trong trường nghề - những vấn đề đặt ra

08:04, 12/12/2012

Việc dạy học tích hợp đã và đang tạo ra “làn sóng” về đổi mới phương pháp dạy học ở các cơ sở dạy nghề và được xác định là một giải pháp đáp ứng mục tiêu đào tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp dạy học này vẫn còn những bất cập.

Dạy học tích hợp - phương pháp đột phá trong trường nghề

Hằng năm, các trường nghề đã cung cấp hàng nghìn công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ ở các trình độ đào tạo khác nhau cho thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường lao động khó tính. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2006, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức xây dựng chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các nghề đào tạo khác nhau. Đây là cơ sở pháp lý để các trường dạy nghề thực hiện chuyển đổi quá trình đào tạo từ “tiếp cận theo nội dung” sang “tiếp cận theo năng lực thực hiện”. Việc chuyển đổi này có thể ví như một “cuộc cách mạng” nhằm đưa quá trình đào tạo nghề gắn liền với thực tế sản xuất, không ngừng đáp ứng nhu cầu của xã hội về chất lượng nguồn nhân lực.

Một buổi học theo phương pháp tích hợp của khoa Điện, Trường CĐ Nghề Dak Lak.
Một buổi học theo phương pháp tích hợp của khoa Điện, Trường CĐ Nghề Dak Lak.

Đặc điểm cơ bản của các chương trình đào tạo nghề hiện nay thể hiện ở sự tích hợp các miền mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ; tích hợp nội dung các môn học; tích hợp giữa lý thuyết với thực hành. Các môđun đào tạo nghề có trong chương trình khung được xây dựng theo một tiêu chuẩn thống nhất về các thành phần, nội dung và hình thức… Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy theo phương pháp tích hợp, thầy giáo Nguyễn Nam Giang, giảng viên khoa Điện, Trường Cao Đẳng nghề Dak Lak chia sẻ: “Thực hiện dạy học tích hợp đòi hỏi giáo viên phát huy tối đa dạy học “lấy người học làm trung tâm” qua đó giúp người học tự tìm hiểu, chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng đặc thù của từng mô đun, từng bài học cụ thể. Bên cạnh đó, giáo viên phải biết khai thác những yếu tố chung, những yếu tố có mối liên hệ giữa các mô đun, các bài học khác cùng loại. Từ đó giúp hình thành hệ thống kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho người học”.

Sinh viên Trần Văn Quyết đang học năm thứ 3 khoa Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak hào hứng: “Chúng em rất thích học những mô đun theo phương pháp tích hợp vì đồng thời vừa được học lý thuyết vừa được thực hành luôn. Phương pháp dạy này giúp sinh viên nhớ lý thuyết tốt hơn, kết hợp vận dụng luôn vào thực hành và hình thành được những kỹ năng cần thiết. Tại đây, mỗi sinh viên đều được trực tiếp tham gia, suy nghĩ và sáng tạo để tiếp cận bài tốt nhất. Khác với phương pháp cũ tách rời lý thuyết với thực hành khiến nhiều kiến thức chúng em học lâu nên quên rồi, đến lúc thực hành rất lúng túng…”.

Những khó khăn, vướng mắc

Đây là phương pháp dạy học mới, mặc dù triển khai thực hiện từ năm 2009, nhưng ở cả 2 trường cao đẳng nghề của tỉnh và các cơ sở dạy nghề khác đến năm 2011 mới chính thức áp dụng rộng rãi. Chính vì thế, trong quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện còn nhiều bất cập: nhiều chương trình chưa đáp ứng được tiêu chí tiếp cận theo năng lực thực hiện; việc tổ chức giảng dạy các môđun đào tạo nghề theo năng lực thực hiện (dạy học tích hợp) còn nhiều lúng túng.

Dạy học tích hợp là dạy lý thuyết kết hợp với thực hành trong cùng một không gian, thời gian. Do vậy, điều quan trọng là phòng học phải đáp ứng điều kiện dạy lý thuyết đồng thời cũng phải có chỗ để bố trí máy móc thiết bị thực hành. Tuy nhiên, ở Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak, một số nghề như Điện, Điện tử được dạy tích hợp hoàn toàn, nhưng một số nghề như Cắt gọt kim loại, Sửa chữa ô tô… thì tùy từng mô đun mà dạy tích hợp vì phương tiện thực hành hạn chế. Cả khoa Cắt gọt kim loại chỉ có thể trang bị được 1 máy mài (trị giá hơn 200 triệu đồng) hay máy C&C (tự động lập trình, trị giá xấp xỉ 1 tỷ đồng), cho nên những mô đun học này không thể đồng thời cả lớp đều học lý thuyết và thực hành được. Thầy Trần Đình Tân, Hiệu phó trường Cao đẳng Nghề Dak Lak cho biết: hiện trường trang bị được khoảng 60% trang thiết bị để dạy theo phương pháp tích hợp nên còn hạn chế trong dạy một số nghề bằng phương pháp mới… Ở Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên, cơ sở vật chất để dạy theo phương pháp tích hợp được đầu tư theo các dự án đào tạo nghề nên có phần hoàn chỉnh hơn, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu thực tế, một số nghề như Xây dựng, Hàn, Điện vẫn còn khó khăn về trang thiết bị khi dạy theo phương pháp tích hợp. Các cơ sở dạy nghề khác trong tỉnh, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng phương pháp dạy tích hợp chỉ đạt khoảng 50%...

Trước đây khi dạy học theo phương pháp truyền thống, thì giáo viên dạy nghề và dạy thực hành chuyên biệt, nhưng nay thực hiện phương pháp dạy nghề mới buộc giáo viên phải đồng thời có cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng nghề. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, số giáo viên, giảng viên tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh có đủ điều kiện để dạy được cả lý thuyết và thực hành chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại hoặc chỉ dạy được lý thuyết hoặc chỉ dạy được thực hành. Vì vậy, việc đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên thích ứng với loại hình dạy học này đang là vấn đề cần được quan tâm. Hầu hết các cơ sở dạy nghề đang sử dụng giáo viên có tay nghề cao kèm cặp giáo viên có tay nghề thấp hoặc đưa giáo viên đi thực tập tại các doanh nghiệp...

Một bất cập nữa là hầu hết các trường nghề chưa xây dựng được hệ thống văn bản pháp quy phục vụ cho quá trình quản lý dạy học tích hợp. Công tác xây dựng, điều chỉnh chương trình, giáo trình phù hợp đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ chưa thực sự được quan tâm. Công tác bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, quản lý vật tư còn lỏng lẻo và chưa xây dựng được định mức vật tư cho từng mô đun nghề…

Việc triển khai dạy học tích hợp là yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cơ sở dạy nghề, khi toàn bộ chương trình khung chuyển mạnh sang tổ chức đào tạo nghề theo năng lực thực hiện. Điều này không chỉ giúp các cơ sở dạy nghề ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn góp phần từng bước khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của hệ thống dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề cần căn cứ vào điều kiện thực tế để lựa chọn bước đi, cách thức triển khai phù hợp, trong đó rất cần sự quan tâm của  chính quyền địa phương để đầu tư trang thiết bị đầy đủ và kinh phí bảo dưỡng trang thiết bị, duy trì hoạt động thực hành…

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc