Đề cao vai trò tiếp công dân trong công cuộc cải cách hành chính
Cải cách hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định như: loại bỏ những thủ tục rườm rà, quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; công khai các thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu, tham khảo các thủ tục liên quan để dễ thực hiện...
Để thực hiện cải cách hành chính được hiệu quả, thành công thì cần phải triển khai một cách toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp. Nội dung bài viết này chỉ đề cập đến một nội dung quan trọng ảnh hưởng đến trực tiếp công cuộc cải cách hành chính của nước ta, đó là thái độ tiếp công dân của cán bộ, công chức nơi trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị, cơ quan nhà nước đều niêm yết nội quy tiếp công dân và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức nhưng ít khi cán bộ, công chức đọc những quy định này, mặc dù nó được niêm yết tại cơ quan, nếu không nói là phớt lờ đi. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tự “đẻ” ra các thủ tục hành chính; các thành phần hồ sơ, để “hành” dân, vòi vĩnh để trục lợi thì mới giải quyết. Muốn chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực trong việc tiếp công dân của cán bộ, công chức, theo tôi cần tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần phải giáo dục cán bộ, công chức phải “biết cười” khi tiếp công dân. Bởi lẽ, khi cười thì tinh thần, thái độ làm việc và kết quả giải quyết hoàn toàn khác với khi cán bộ, công chức nhăn mặt hay cáu gắt, quát nạt. Vấn đề này tuy đơn giản nhưng quan trọng, thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân của cơ quan hành chính nhà nước. Đối với những cán bộ, công chức hay cau mày, nhăn mặt... cần phải chuyển công tác không được trực tiếp tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, khuyến khích các cá nhân, tổ chức phản ánh thái độ tiếp công dân của cán bộ, công chức và xử lý thích đáng khi xác minh có sở sở đối với nội dung phản ánh. Nội dung này cần phải có chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng, chứ không phải quy định chung chung như hiện nay.
Thứ ba, cần biên soạn tài liệu, nội dung giáo trình để tập huấn, giáo dục cán bộ, công chức trong khi tiếp công dân. Cán bộ, công chức trực tiếp tiếp công dân phải trải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ thì mới đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Vì người tiếp công dân không chỉ đơn thuần là trung gian giải quyết công việc giữa cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước mà là thể hiện hình ảnh của nền hành chính nhà nước.
Thứ tư, cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của công dân nhằm nâng cao tính trách nhiệm, cũng như ý thức phục vụ nhân dân.
Minh Anh
Ý kiến bạn đọc