Multimedia Đọc Báo in

Đưa nguồn tri thức đến với người lính vùng biên

09:09, 19/01/2013

Đã thành thông lệ, cứ mỗi năm 2 đợt Thư viện tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức luân chuyển sách mới đến với các đồn biên phòng trên địa bàn, góp phần nâng cao kiến thức văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người lính nơi biên giới.

Vận chuyển sách xuống thuyền qua sông Sêrêpôk  đến Đồn Biên phòng Bo Heng.
Vận chuyển sách xuống thuyền qua sông Sêrêpôk đến Đồn Biên phòng Bo Heng.

Những ngày đầu năm mới 2013, trong cái se lạnh của khí trời Tây Nguyên, chiếc xe của đoàn luân chuyển sách mới đến với các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh lao đi trong màn sương sớm, chạy dọc tuyến biên giới trên những con đường gồ ghề, khấp khểnh, dốc đoạn. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đồn Biên phòng Đá Bằng. Đã được biết trước thời gian đoàn đưa sách mới đến cho Đồn nên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ai cũng phấn khởi, chờ mong. Cầm cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, chiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nói: “Tuyệt vời quá, thể loại sách này em rất cần nhưng do điều kiện nhiệm vụ, địa bàn đóng quân lại xa xôi, không thể ra trung tâm mượn được, nay các anh chị mang đến đây em vui lắm”. Niềm vui có sách mới của người chiến sĩ trẻ khiến mọi người trong đoàn luân chuyển sách như vơi hẳn những nhọc nhằn, mệt mỏi của chặng đường xa. Cứ ngỡ trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet, truyền hình rộng khắp thì văn hóa đọc đâu còn hấp dẫn được giới trẻ. Thế nhưng không phải vậy, chính nội dung trong những cuốn sách là nguồn bổ trợ kiến thức rất có giá trị đối với những người chiến sĩ biên phòng, đồng thời cũng là một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa mà các anh cần tới trong những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi.

Thiếu tá Bùi Khắc Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đá Bằng bộc bạch: “Tuy đã có truyền hình để xem, nhưng những quyển sách này là một nguồn tư liệu quý để anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tham khảo, học tập, trang bị thêm cho mình nguồn kiến thức cần thiết. Đặc biệt những loại sách viết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; sách y học với những bài thuốc hay; sách giới thiệu về thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam… rất cần thiết đối với những người lính biên phòng”.

Bàn giao sách mới tại thư viện Đồn Biên phòng Đá Bằng.
Bàn giao sách mới tại thư viện Đồn Biên phòng Đá Bằng.

Chia tay với Đồn Biên phòng Đá Bằng, đoàn luân chuyển sách vượt dòng Sêrêpôk đến với Đồn Biên phòng Bo Heng. Đồn Bô Heng nằm ở vị trí khá xa xôi, địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; muốn vào được Đồn phải vượt qua con sông lớn dòng nước luôn chảy xiết. Tuy đã có ti vi để phục vụ cán bộ, chiến sĩ xem nhưng những lúc thời tiết thay đổi, sóng truyền hình chập chờn, ti vi lúc xem được, lúc không. Bên cạnh đó báo chí thường đến khá muộn nên việc luân chuyển sách mới đến nơi đây là vấn đề hết sức cần thiết để trang bị thêm kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ. Thiếu tá Nguyễn Xuân Chiến, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bo Heng phấn khởi cho biết: “Số sách đợt trước Thư viện tỉnh đưa đến, cán bộ, chiến sĩ trong Đồn đã đọc hết rồi, nay được tin có chuyến luân chuyển sách mới về Đồn anh em chúng tôi vui lắm…”.

Vượt thêm những chặng đường xa để đưa sách đến Đồn Biên phòng Yok Đôn, Đồn Biên phòng Ea H’leo… đến đâu, đoàn luân chuyển sách cũng nhận được sự tiếp đón nồng hậu, mong đợi. Chứng kiến niềm vui của những người lính lúc đón nhận sách mới, chị Trần Thị Kiều Nhi, cán bộ Thư viện tỉnh đã không giấu nổi cảm xúc: “Đây là lần thứ hai tôi được cử đi giao sách đến các đồn biên phòng. Tuy có vất vả chút ít bởi đường sá xa xôi, nhưng vào tận nơi, được tiếp xúc với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tôi thực sự xúc động về tình cảm, sự đón nhận và niềm yêu thích đọc của các anh. Sau chuyến đi này, tôi sẽ về tham mưu cho lãnh đạo Thư viện bổ sung thêm những loại sách theo nhu cầu thực tế mà các anh cần và kịp thời hơn nữa”.

Xuân Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.