Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ Dự án chương trình hỗ trợ phát triển huyện Ea Kar

08:07, 16/01/2013

Dự án chương trình hỗ trợ phát triển huyện Ea Kar (viết tắt là LRP9) do tổ chức ActionAid Việt Nam hỗ trợ được triển khai tại huyện Ea Kar từ năm 2007 với một số hoạt động trợ giúp người dân tại xã Cư Huê. Đến năm 2012, LRP9 đã triển khai 5 ưu tiên trong khuôn khổ dự án trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, trong đó hướng tới việc chăm lo những nhu cầu thiết yếu của người dân các buôn đồng bào dân tộc tại chỗ, chung tay cùng chính quyền các cấp và cộng đồng giải quyết vấn đề đói nghèo, góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân của 3 xã trong vùng Dự án là Cư Huê, Ea Đar và Cư Ni.

Gia đình anh Y My Byă (buôn Ea Knốp, xã Cư Ni) phát triển mô hình nuôi bò lai từ nguồn vốn vay và tập huấn khoa học kỹ thuật của Dự án.
Gia đình anh Y My Byă (buôn Ea Knốp, xã Cư Ni) phát triển mô hình nuôi bò lai từ nguồn vốn vay và tập huấn khoa học kỹ thuật của Dự án.

Ưu tiên hàng đầu mà LRP9 hướng đến trong năm 2012 là tạo điều kiện, hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận sự lựa chọn sinh kế về nông nghiệp bền vững. Sau khi thành lập 57 nhóm sở thích với 804 thành viên, Ban quản lý dự án đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cho các thành viên nhóm sở thích nắm bắt kỹ thuật canh tác lúa lai, cà phê, bắp cao sản, nuôi bò lai, gà thả vườn; hướng dẫn các thành viên làm quen với các mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững; hỗ trợ nguồn vốn quay vòng hành dụng cho các hộ gia đình để phát triển kinh tế. Trong năm 2012, nguồn vốn quay vòng của Dự án tăng thêm 290 triệu đồng; tính từ năm 2008 đến nay đã có 320 lượt người nghèo được vay với số tiền 440 triệu đồng để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Chị H’Mon M’lô (buôn M’oa, xã Cư Huê), thành viên của nhóm sở thích chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, nhất là thời điểm tách hộ ra ở riêng. Do thiếu vốn đầu tư và không nắm được kỹ thuật nên năng suất các loại cây trồng của gia đình tôi rất thấp, bầy heo thường hay bị bệnh và chậm lớn. Tháng 7-2010, từ 4 triệu đồng được vay của Dự án, gia đình tôi đã đầu tư vào nuôi heo, đồng thời áp dụng những kiến thức được tập huấn vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay gia đình tôi đã thu được gần 28 triệu đồng tiền bán heo, số tiền này một phần tôi tiếp tục đầu tư, số còn lại trả bớt nợ vay vốn”.

Trong năm 2012, các hướng dẫn viên của LRP9 đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên xây dựng các mô hình làm hầm biogas và sử dụng men vi sinh để ủ phân hữu cơ sinh học, vừa tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chị H’Linh, cán bộ đầu mối của Dự án tại xã Cư Huê cho biết: Nhờ làm hầm biogas và dùng thân cây bắp, vỏ cà phê, rơm rạ để ủ phân vi sinh, gia đình chị tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong sinh hoạt và có thêm phân bón cho cây trồng. Thấy được những lợi ích thiết thực của mô hình này, nhiều hộ dân trong buôn đã đến học hỏi để áp dụng theo cách làm của gia đình chị.

Một trong những điểm sáng của LRP9 trong năm vừa qua là việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, nâng cao quyền tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em. Với phương thức dựa trên quan hệ đối tác, cùng phối hợp giữa các bên liên quan, bằng nguồn vốn “Bảo trợ trẻ”, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đóng góp của các hộ gia đình, Ban quản lý Dự án của huyện đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường học, hỗ trợ các phương tiện dạy và học hiện đại để trẻ em vùng Dự án có điều kiện tiếp cận với dịch vụ giáo dục có chất lượng. Ngoài việc trao quà, học bổng, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Ban quản lý LRP9 đã huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn xây dựng mới 1 phòng học cho Trường mầm non Sao Mai (xã Cư Ni); làm nhà vòm cho Trường mầm non Họa Mi, đầu tư và thi công 1 giếng khoan cho Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Ea Đar) với tổng trị giá các công trình gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án tiếp tục duy trì mô hình Trung tâm học tập cộng đồng với các lớp Reflect (phương pháp dạy học cho người lớn tuổi), tổ chức tuần lễ giáo dục toàn cầu, các hoạt động ngoại khóa cho học sinh...

Với phương thức hoạt động lấy người dân làm trung tâm, dựa trên quan hệ đối tác, xác định đối tượng ưu tiên chính là phụ nữ và trẻ em gái, trong năm 2012, LRP9 đã tập trung nhiều giải pháp nhằm góp phần xóa bỏ bạo lực gia đình, nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế trong cộng đồng. Ban quản lý Dự án đã tổ chức tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn 8 xã, thị trấn; thành lập nhóm giám sát Công ước Cedaw và nhóm tuyên truyền viên phòng chống bạo lực gia đình với 24 thành viên. Nhờ được tập huấn thường xuyên về kỹ năng tư vấn cho nạn nhân bị bạo hành và đối tượng gây ra bạo hành, các thành viên trong nhóm đã nắm bắt thông tin về các hộ gia đình có nguy cơ bạo lực cao, chủ động tiếp cận để làm công tác tư tưởng, vận động những hộ gia đình này tham gia vào các câu lạc bộ sở thích, sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể tại thôn buôn. Nhiều cặp vợ chồng có nguy cơ ly hôn đã yên ấm nhờ sức thuyết phục, hòa giải của các thành viên tổ tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình.

Từ việc tập trung mọi nguồn lực thực hiện 5 ưu tiên chủ yếu trong năm 2012 là thúc đẩy các giải pháp sinh kế thay thế; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; tiếp cận dịch vụ giáo dục có chất lượng; ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái, có thể khẳng định, Dự án đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ông Lê Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban quản lý Dự án của huyện cho biết: Dự án LRP9 triển khai với những hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương nên đã huy động được sự tham gia của các đối tác, các bên liên quan và cả cộng đồng. Dự án đã hỗ trợ vốn trực tiếp đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đúng thời điểm cùng với sự công khai minh bạch trong tài chính do vậy tạo động lực mạnh mẽ cho chính quyền và nhân dân trong việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2013, Dự án tiếp tục thực hiện 5 ưu tiên của chương trình, trong đó tập trung vào Tiểu Dự án Seedfund về cải thiện chất lượng dịch vụ công thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong quản trị địa phương và Tiểu Dự án Yle PA nhằm tăng cường năng lực và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên, đặc biệt là nữ thanh niên và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong công tác bảo đảm khả năng giải trình minh bạch của các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

 Vũ Như Anh


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia