Chuyện người, phận hoa dịp tết đến
Vậy là một cái tết đã trôi qua, mọi người đã trở lại công việc thường ngày, ai vào việc nấy, bình thường như cuộc sống vẫn vậy. Ấy nhưng, có một điều khiến nhiều người ray rứt, xót xa - đó là: Phận hoa và những người trồng hoa, bán hoa - những người mang lại cái đẹp cho mùa xuân, cho mỗi độ tết đến. Vậy mà…
Có đi chợ hoa vào những ngày giáp tết, chứng kiến cảnh người người tất bật mua sắm làm đẹp cho căn nhà để đón chúa xuân về; dạo quanh các điểm bán hoa, ngắm nhìn vẻ đẹp muôn hồng ngàn tía, trăm sắc hoa khoe màu… mới thấy cuộc sống đẹp làm sao, rực rỡ làm sao! Cái vẻ đẹp rực rỡ ấy, không ai khác - chính là những chủ vựa hoa, là những người trồng hoa mang lại. Nhiều con đường như Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông có các chậu Quất, chậu Mai, hoa Cúc được bày bán từ trước tết cả tuần. Cả tuần ngồi đợi, chẳng thấy khách mua đâu, chỉ có nắng và gió, trong khi hoa gặp nắng cứ nở bung, nhiều chậu hoa Mai đã nở ngay từ ngày 25 tết. Những ngày giáp tết năm nay, Buôn Ma Thuột thiếu nước, phải thực hiện lịch cắt luân phiên; không có nước tưới, hoa cứ rầu dần, lòng người bán theo đó cũng héo theo hoa. Xót xa nhất là đến gần Giao thừa nhiều điểm bán hoa trong các sân trường học (được các chủ vựa thuê) còn gần như nguyên vẹn, người bán phải cay đắng bỏ lại; bao nhiêu công lao, tiền của chăm sóc nâng niu vun trồng cả năm giờ đổ xuống sông xuống biển, gần như ra về tay trắng. Ở điểm bán hoa lớn nhất trên đường Trường Chinh, nhiều loại hoa trước đó được ra giá từ trăm nghìn đến vài triệu đồng một chậu, vậy nhưng gần đến giao thừa, người bán phải hạ xuống gần một nửa nhưng vẫn ế. Có thể nói đó là một cuộc bán đổ bán tháo gần như… chạy làng để mong vớt vát chút nào vốn liếng bỏ ra. Rầu nhất là những chủ hàng ở Phú Yên, Khánh Hòa… đã không bán được hoa lại không kịp sum vầy đón tết cùng gia đình. Với họ, nhiều cái tết đã trở thành tết buồn. Nhớ lại Giao thừa năm ngoái, trên đường Trường Chinh (đoạn gần Nhà sách Giáo dục), vài chục gốc đào đã bị bỏ chỏng chơ, người bán - nghe nói mãi tận Nam Định - đã ra về trong cái rét tái tê từ trong lòng. Phận người cùng tái tê như phận hoa!
Vấn đề còn lại là làm sao để những tết sau cả người bán hoa và phận cây hoa cùng tươi như mùa xuân. Để giúp điều đó thành hiện thực, trách nhiệm lớn thuộc về các cơ quan khuyến nông và các ngành chuyên môn công thương, nông nghiệp cần có dự báo sớm về thị trường hoa cũng như khuyến cáo về khả năng tiêu thụ để các chủ vựa, những người sản xuất hoa tết nắm được mà tự điều chỉnh, nhất là trong thời buổi kinh tế suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thực tế cho thấy người làm hoa đa số đều “mù tịt” thông tin thị trường mà mình đang cần tiếp cận. Cũng đã có một sáng kiến có thể nói là rất khả thi - đó là nên thành lập “Đường hoa xuân” ở Buôn Ma Thuột. Khả thi bởi lượng hoa dồn về đây rất nhiều và khá phong phú, mặt khác “Đường hoa xuân” sẽ khiến cho bộ mặt Thành phố thêm rực rỡ, người dân vui xuân có một tụ điểm văn hóa đẹp, đúng nghĩa với mùa xuân, tránh được việc sau mồng 2 tết, cảnh quan Thành phố trở nên đơn điệu, buồn tẻ, chỉ có xe và người đi các nhà thăm hỏi nhau, nam nữ thanh niên thiếu điểm vui chơi đành rủ nhau vào quán cà phê ngồi… Trong khi đó, nếu có “Đường hoa xuân” sẽ không những tạo cho người dân có một điểm vui xuân thú vị, mà còn giúp các dịch vụ có cơ hội kinh doanh trong những ngày tết như chụp ảnh, giải khát, coi giữ xe v.v… đồng thời tạo điều kiện để người trồng hoa tiêu thụ được số lượng lớn sản phẩm do mình làm ra, giúp cây hoa kéo dài thêm thời xuân sắc vốn đã rất ngắn ngủi của đời hoa...
Cây hoa tết và người làm hoa tết đang rất cần có sự trợ giúp của các ngành chức năng để những mùa xuân sau thực sự đẹp như mùa xuân, thực sự vui như tết!
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc