Multimedia Đọc Báo in

Lời giục giã từ đại ngàn

06:58, 16/02/2013

Khi xem lại những hình ảnh trong “Rừng người Thượng”, một cuốn sách về Tây Nguyên vào đầu thế kỷ XX của nhà nghiên cứu người Pháp Henri Maitre, ta sẽ thấy choáng ngợp trước cuộc sống hoang dã đúng nghĩa, con người và rừng ở Tây Nguyên như một thực thể chẳng thể tách rời. Tây Nguyên bây giờ đang chuyển mình đổi thay với nhịp thở thời đại nhưng cũng đang oằn mình trước những biến thiên khắc nghiệt của thời gian, của những hệ lụy… mất rừng.

Nếu ai đã từng đến với trại sáng tác điêu khắc gỗ Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột trong Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Buôn Ma Thuột vào năm 2009 thì sẽ chẳng thể quên nét buồn trầm mặc phảng phất trên những gương mặt tượng gỗ. Đó cũng chính là nỗi ưu tư của những nghệ nhân già ở các buôn làng bởi lằn ranh của sự tồn vong loại hình nghệ thuật này quá mong manh. Lễ bỏ mả bây giờ không còn như ngày xưa, thưa vắng những bài hát ayray, không còn cảnh trai gái hò hẹn, nhảy múa cùng với những vạt rìu vung lên ngày này qua ngày khác. Ngày nay, người ta “làm nhà” cho người chết bằng cát, đá, xi măng… Tượng gỗ bây giờ cũng vì vậy mà trở nên xa lạ! Có lẽ đây là sự “xói mòn” tàn khốc trong dòng chảy văn hóa Tây Nguyên. Nguyên nhân căn cơ không gì khác: rừng - không gian sống, không gian thiêng, không gian quyết định sự tồn vong của những giá trị nhân văn tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc bản địa Tây Nguyên giờ đang co lại. Trong nỗ lực bảo tồn, nhiều lễ hội đã được phục dựng nhưng khó mang lại những kết quả như kỳ vọng bởi khi tách khỏi đời sống cộng đồng bước lên sân khấu thì cồng chiêng và những lễ nghi chỉ là một thứ nghệ thuật trình diễn…

Nếu ai đã từng yêu tiếng tù và trầm hùng vọng khắp núi rừng Tây Nguyên của những chàng Mơ - gat trong những cuộc đua voi sẽ vô cùng day dứt cho những “thân phận”  voi nhà, “số phận” voi rừng khi rừng - không gian sống của chúng đang bị thu hẹp dần. Và hình ảnh “ra ngõ là gặp voi, chiều chiều, từng đàn voi tập trung bên dòng  Sê-rê-pốk, hồ Dak Minh phun nước trắng trời, náo nhiệt cả một vùng sông nước giữa rừng nguyên sinh” giờ chỉ còn lại trong ký ức của buôn làng. Và có lẽ nghề độc nhất vô nhị, mang biểu tượng văn hóa tinh thần của một cộng đồng dân tộc làm nên huyền thoại cho một vùng đất, nức tiếng khắp vùng Đông Nam Á: nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn giờ cũng chỉ còn trong huyền thoại. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã phải thốt lên cay đắng: “Lằn ranh của sự tồn vong của một nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong dòng chảy văn hóa dân tộc - Văn hóa Voi quá mỏng manh khi đàn voi nhà đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, voi rừng ngày càng trở nên hung hãn cũng chỉ bởi mất rừng!”.

Giữ rừng cũng chính là giữ những mạch nguồn văn hóa Tây Nguyên
Giữ rừng cũng chính là giữ những mạch nguồn văn hóa Tây Nguyên

Rừng và đất rừng cần có bàn tay của cộng đồng. Ở Tây Nguyên, có lẽ không ai thiết tha với rừng hơn đồng bào dân tộc bản địa. Bởi, rừng luôn gắn bó khăng khít với cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây. Rừng là không gian sinh tồn của các cộng đồng, không một buôn làng nào tách biệt khỏi rừng, đất rừng. Rừng không chỉ cung cấp cho cuộc sống hằng ngày mà còn là nền tảng của sản xuất, là văn hóa trong cuộc sống của đồng bào. Dù rừng mênh mông như vậy song từng buôn làng đều quy ước về ranh giới rừng, đất rừng và mọi người đều tuân thủ ranh giới đó. Luật tục người Tây Nguyên xử phạt rất nặng đối với ai phạm vào tội phá rừng, ngay cả việc phát rừng làm rẫy. Bà con không bao giờ đụng đến rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, vì họ quan niệm rừng có thần linh và rừng gắn với văn hóa của cộng đồng. Rừng là Mẹ - Mẹ rừng cho họ máu thịt qua từng mùa rẫy. Vì vậy, rừng – không gian thiêng là minh triết Tây Nguyên. Ngày nay, sự suy giảm nhanh chóng về tài nguyên rừng đã kéo theo sự suy giảm về văn hóa. Và trước một thực thể văn hóa đang mất đi từng ngày, trong cuộc vật lộn văn hóa dữ dội đang diễn ra ở Tây Nguyên, câu hỏi về sự mất còn càng gay gắt hơn… Chung tay gìn giữ lấy những gì còn lại của một di sản văn hóa vô giá; trả lại không gian văn hóa cho chiêng, môi trường thiêng cho lễ hội; trả lại cho Tây Nguyên hình bóng của “Sử thi Đam San” kỳ lạ, thăm thẳm cho những khám phá bất tận, chưa bao giờ trở thành vấn đề nhức nhối, day dứt như hiện nay.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc