Y đức thời kinh tế thị trường
Thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế của Chính phủ, trong những năm qua, hệ thống y tế tư nhân đã được tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, để từ đó chia sẻ phần nào gánh nặng trong khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân ở các cơ sở y tế công lập trên địa bàn; đồng thời giúp người dân lựa chọn nơi khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình... Vấn đề còn lại thuộc về y đức của người thầy thuốc.
Thực tế hiện nay, mỗi khi muốn đưa người thân đi khám bệnh, nhiều người được gợi ý nên đến các cơ sở y tế tư nhân, bởi khám ở những nơi này vừa nhanh, vừa đỡ phiền hà; dù bệnh nhân có đông đến mấy thì y, bác sĩ luôn có thái độ hòa nhã, nhẹ nhàng, chu đáo. Từ việc thăm bệnh đến cách trả lời các câu hỏi, cách tư vấn cho bệnh nhân đều được thầy thuốc thể hiện bằng giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ ân cần, khiến người bệnh an tâm hơn trong điều trị. Ở nhiều điểm khám bệnh tư nhân, y bác sĩ hầu như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ bởi bệnh nhân tìm đến cả trong đêm hoặc rạng sáng. Bệnh nhân có thể là cháu bé bị sốt cao do sốt siêu vi, hoặc cụ già khó thở do bị ho v.v…và họ đều được đối đãi, đón tiếp như người thân. Chính điều này đã tạo nên niềm tin, là một trong những nguyên nhân“ kéo” người bệnh đến với cơ sở đông như vậy.
Điều rất dễ hiểu là: đối với cuộc đời mỗi người thì sức khỏe là giá trị cao nhất, là điều đáng quan tâm hàng đầu. Do vậy, khi sức khỏe có vấn đề, trước tiên người ta phải tìm đến thầy thuốc; và trong nỗi lo lắng, bất an về bệnh tật, người bệnh mong muốn nhận được sự an ủi động viên, luôn hy vọng bệnh tình sẽ khỏi và nhanh khỏi. Không ai khác, thầy thuốc khám cho bệnh nhân chính là người được cuộc sống trao cho chức năng cao cả và vinh quang ấy. Một lời nói, một nhận xét của thầy thuốc, một thái độ; một cử chỉ của người bác sĩ luôn là “ liều thuốc bổ” khiến bệnh nhân an tâm lên nhiều trước khi rời khỏi phòng khám. Điều đó lý giải tại sao cũng có nhiều cơ sở khám bệnh tư nhân treo biển quảng cáo rất “ hoành tráng”, giới thiệu đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, được đào tạo ở những trường danh tiếng, nhưng lại rất vắng vẻ, người bệnh ít tìm đến. Điều này càng dễ hiểu trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, đặc biệt đối với ngành y - là ngành chữa bệnh cứu người thì hành động thực tế là trên hết; chỉ cần một thái độ nhẫn tâm, một biểu hiện thiếu y đức của thầy thuốc là người đến khám sẽ quay lưng ngay lập tức.
Một điều đáng quan tâm nữa là đối với những người hành nghề dược tư nhân. Một người khi đã có bệnh, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua được đúng chủng loại thuốc điều trị; chưa thấy có trường hợp nào người bệnh đứng nì nèo ở hiệu thuốc, đòi giảm giá về vỉ thuốc này, lọ thuốc kia. Do vậy, người bán thuốc rất cần có một tấm lòng y đức cao cả, không vụ lợi, bắt chẹt người bệnh hoặc thân nhân người bệnh. Đã có rất nhiều trường hợp chỉ cần thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước cũng giúp khỏi bệnh, nhưng người bán lợi dụng niềm tin, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua đã gợi ý hoặc bắt chẹt khách mua loại thuốc ngoại đắt gấp nhiều lần. Rồi cũng có cơ sở tự ý nâng giá một số loại thuốc; nhiều cơ sở kinh doanh vẫn còn vi phạm về tiêu chuẩn, cách sắp xếp, phân loại nhóm thuốc, tủ thuốc chưa khoa học, bán thực phẩm chức năng không có chứng chỉ công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, bán thuốc không gắn hạn sử dụng…
Nghề Y là nghề đòi hỏi đạo đức và tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao hơn bất cứ nghề nào. Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, xin được phép trích hai câu nói nổi tiếng về ngành Y để kết bài. Bác Hồ kính yêu đã từng dạy “Lương y phải như từ mẫu”; Danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác cũng đã nói: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề Y thiếu đạo đức”.
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc