Multimedia Đọc Báo in

Chữ “tâm” người thầy thuốc

18:28, 28/03/2013

Trong nhiều câu chuyện hoặc diễn đàn, vẫn còn những lời bàn tán về tình trạng thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ y tế, hay tiền lệ đưa “phong bì” khi vào khám tại một số bệnh viện… Song, đó chỉ là hiện tượng “một con sâu làm rầu nồi canh”...

Bởi trên thực tế với hầu hết những người khoác trên mình chiếc áo bluose trắng, gắn bó cuộc đời với nghề cao quý  - chữa bệnh cứu người thì điều tâm niệm duy nhất mà họ hướng đến là “người thầy thuốc phải có trái tim nhân hậu, có trí tuệ và tận tâm với nghề”. Thực tế này đã được chứng minh rất rõ ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Khám bệnh cho  bệnh nhân  lao  điều trị  tại  Bệnh viện Lao  và  bệnh Phổi tỉnh.
Khám bệnh cho bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh thành lập được gần 5 năm cũng là chừng ấy thời gian bác sĩ H’Châu Êban gắn bó với những con người mang trong mình căn bệnh từng được coi là “tứ chứng nan y”. Mặc dù áp lực công việc và cường độ lao động cao nhưng chưa lúc nào chị đắn đo trước những yêu cầu của người bệnh. Tại đây, chị không nhớ đã chăm sóc cho bao nhiêu bệnh nhân, chỉ biết rằng chị không bao giờ ngại khó, ngại khổ mà luôn cùng đồng nghiệp cứu chữa, chăm sóc người bệnh bằng những cử chỉ ân cần, lời động viên an ủi giúp họ vượt qua cơn đau và sự thiếu thốn về vật chất. Trong rất nhiều lần chứng kiến bệnh nhân nhập viện trong hoàn cảnh không tiền, không người thân, song chị nhớ nhất là trường hợp một bệnh nhân quê ở Nghệ An, bị lao HIV, là đối tượng đang bị giam giữ tại trại cải tạo nhưng sau đó được phóng thích vì bệnh đã đến giai đoạn cuối. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và không có người thân. Vì vậy, ngoài việc tiến hành các biện pháp cấp cứu, bác sĩ H’Châu cùng các đồng nghiệp còn quyên góp tiền để mua sữa cho bệnh nhân uống. Do bệnh quá nặng, chỉ 2 ngày sau đó bệnh nhân qua đời, một lần nữa, bác sĩ H’Châu và đồng nghiệp lại đi quyên tiền để làm thủ tục mai táng cho người bệnh. Chị chia sẻ: “Ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, phần lớn bệnh nhân đến khám là bệnh nhân nghèo nên chúng tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi người bệnh tìm đến khám bệnh mà chẳng có một đồng tiền nào trong tay. Với những người bệnh ấy vô hình chúng tôi lại trở thành người thân, tự đóng góp tiền cho người bệnh thanh toán viện phí, mua cái ăn, thậm chí đưa bệnh nhân về đến nhà sau khi điều trị tại bệnh viện”. Cũng là người hàng ngày chăm sóc, gần gũi với bệnh nhân, điều dưỡng Lê Thị Bình luôn biết rất rõ hoàn cảnh của từng người bệnh, biết đến từng bữa ăn của mỗi người. Chính vì thế, khi gặp những người bệnh nghèo chị luôn sẵn sàng trích đồng lương ít ỏi của mình để giúp họ. Thổ lộ về điều này, chị cho biết: “Ở bệnh viện chúng tôi, việc giúp đỡ bệnh nhân khó khăn đã trở thành chuyện thường ngày nên đến bây giờ tôi chẳng thể nhớ hết tên của những bệnh nhân mà mình đã từng giúp đỡ. Khi họ vào viện, điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là cấp cứu, giúp họ qua cơn hiểm nghèo. Lúc bệnh đã ổn định mới xem xét đến các thủ tục hành chính. Những trường hợp không đủ điều kiện để thanh toán theo BHYT, trong khi người bệnh lại không có khả năng chi trả thì chúng tôi sẽ hướng dẫn họ làm đơn trình Ban Giám đốc xem xét lấy quỹ của bệnh viện để thanh toán viện phí, còn bản thân mỗi cán bộ, y bác sĩ sẽ góp tiền giúp họ có cái ăn và lộ phí đi về”.

 

Dù vui, dù buồn, dù cuộc sống của rất nhiều cán bộ, y bác sĩ ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi vẫn còn thiếu trước hụt sau, nhưng không vì thế mà lòng nhiệt tình và sự tận tâm của họ lại đi xuống. Quả thực có đến tận nơi chứng kiến những con người cần mẫn hằng ngày, hằng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao mới thấy được nỗi vất vả của “nghề phục vụ nhân dân” này. Để chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân nhiều y, bác sĩ đã thức trắng đêm bên giường với hy vọng sớm tìm ra căn nguyên giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần. Căng thẳng, vất vả, nhưng tất cả đều tự nguyện, bởi họ hiểu rằng, sinh mạng của nhiều người đang trông chờ vào tay họ. Cũng từ sự hy sinh thầm lặng, đã có biết bao người bệnh được khỏe mạnh trở lại, sum vầy với gia đình. Ở tuổi 70, ông Y Sum Byă (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) vừa được các y bác sĩ ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cấp cứu, điều trị kịp thời nên đã qua khỏi cơn nguy kịch. Ông kể: “Tôi bị Lao vào viện được một thời gian rồi. Nhờ các bác sĩ tận tình điều trị, đến nay, tôi không còn ho nữa và trong người cũng thấy khỏe nhiều. Những ngày nằm viện, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, được các y bác sĩ thường xuyên động viên, thăm hỏi, mừng tuổi người bệnh già như tôi cũng thấy được an ủi phần nào”. Còn chị Nông Thị Hượp (xã Ea Son, huyện Ea H’leo), người từng đưa chồng đến điều trị nhiều lần ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình tôi nghèo khó, bệnh của chồng điều trị lâu dài nên mỗi lần đi viện phải chắt chiu từng đồng. May mà cả 2 vợ chồng tôi đều được Bệnh viện cho ăn cơm từ thiện trong suốt thời gian điều trị nên mới có tiền để lo thuốc thang và lo cho 2 con nhỏ ở nhà đang tuổi ăn học”.

Nhìn thấy người bệnh khỏe hơn mỗi ngày là niềm vui đối với tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. Dẫu rằng nơi đây thu nhập không cao, nguy cơ lây nhiễm lại rất lớn nhưng các anh chị vẫn luôn trụ vững với nghề, dành cho bệnh nhân tình yêu thương. Chính thái độ, sự tận tâm, tinh thần phục vụ hết mình của họ là liều thuốc vô giá để điều trị bệnh nhân, và cũng là giữ mãi hình ảnh “lương y như từ mẫu”.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc