Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả và bất cập trong việc cấp nước sạch ở nông thôn

17:35, 28/03/2013

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu, có vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân. Sự đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực cho vấn đề này đã góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chất lượng cuộc sống của người dân được thay đổi cơ bản.

Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác một số công trình cấp nước sạch nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Thay đổi chất lượng cuộc sống

Từ năm 2000 trở lại đây, bằng các nguồn vốn, bình quân mỗi năm tỉnh đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, trong đó phần lớn kinh phí được đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung. Đến nay, đã có trên 80 công trình cấp nước tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 73%. Nhờ đó tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch ngày càng tăng; môi trường nông thôn được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.


Có nguồn nước sạch, người dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) yên tâm dùng trong sinh hoạt hằng ngày.
Có nguồn nước sạch, người dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) yên tâm dùng trong sinh hoạt hằng ngày.

 

Trước đây, để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, người dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) phải đào hoặc khoan giếng, nhưng hầu hết các giếng này vẫn không đủ nước cho các hộ dân dùng sinh hoạt. Từ khi công trình nước sạch đi vào hoạt động, chính quyền và nhân dân địa phương rất phấn khởi, bởi đây là một công trình thiết thực, đáp ứng niềm mong đợi từ lâu của bà con. Nguyễn Anh Tuấn (người dân thôn Hiệp Thắng) vui vẻ nói: “Trước đây, do nguồn nước luôn bị nhiễm phèn nên gia đình tôi còn e ngại trong việc sử dụng. Từ khi có nước sạch, không chỉ tôi mà mọi người đều cảm thấy thoải mái, không còn phải chịu cảnh "khát” nước vào mùa khô, cuộc sống từng bước được nâng cao. Trong những tháng mùa khô hiện nay, khi tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra gay gắt ở nhiều nơi thì những công trình cấp nước như một cứu cánh cho người dân”. Trạm cấp nước xã Ea Phê (huyện Krông Pak) có công suất 920m3/ngày đêm, hiện đang cung cấp  nước sinh hoạt cho hơn 400 hộ dân đoạn từ Km 35 đến Km 39. Những năm trước, khi chưa có công trình này, người dân trong xã chủ yếu dùng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn, một số gia đình khá giả thì mua nước lọc dành riêng cho việc nấu ăn, uống. Không chỉ thế, thời điểm mùa khô các giếng nước đều cạn, mùa mưa thì nước bị vẩn đục. Do đó khi công trình cấp nước sạch đưa vào hoạt động, người dân nơi đây rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Hoa, một hộ kinh doanh trên địa bàn xã tâm sự: "Từ khi có hệ thống cung cấp nước sạch, người dân thuận tiện hơn nhiều trong sinh hoạt và kinh doanh, không những thế sức khỏe cũng được cải thiện đáng kể vì không phải dùng nước ô nhiễm".

Ngưng hoạt động vì... một số người dân thiếu ý thức

Bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả, thì vẫn còn không ít công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng, ngưng hoạt động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do thiếu đồng bộ trong quá trình tiến hành khảo sát, thiết kế, thi công, đầu tư, có công trình thì do một số người dân ý thức kém trong quá trình sử dụng. Trạm cấp nước sinh hoạt buôn K'bu, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) là một minh chứng thực tế. Trạm được đầu tư xây dựng từ năm 2006, với kinh phí gần 750 triệu đồng. Khi công trình cấp nước đi vào hoạt động ai cũng vui mừng, phấn khởi. Cuộc sống người dân nơi đây dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng khi nghe chính quyền địa phương thông báo mỗi hộ đóng 190 nghìn đồng để xây dựng công trình mọi người đều tham gia đầy đủ. Bởi theo họ, khi có nguồn nước sạch thì cuộc sống người dân sẽ được cải thiện, không còn vất vả đi gùi nước từ suối về để nấu ăn, hay thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Tuy nhiên, sau khi đưa vào hoạt động, một số hộ do không đóng tiền phí sử dụng nước (2.000 đồng/1m3 nước), nên không đủ chi phí để trả tiền điện. Mặc khác, một số hộ dân còn tự ý đấu nối đường ống ngoài đồng hồ để sử dụng nước mặc dù Ban điều hành đã kiểm tra và xử lý nhưng vẫn không thể kiểm soát hết. Anh Y'Cương A'đrơng, Trưởng ban điều hành trạm cấp nước cho biết: "Để duy trì hoạt động, phục vụ nguồn nước sạch cho mọi người, những thành viên trong ban điều hành đã phải lấy tiền túi bù vào để đóng tiền điện trong mấy tháng liền, đến tháng 10-2010 công trình đành ngưng hoạt động. Do một thời gian dài không sử dụng nên bây giờ hệ thống bơm đã bị cháy và các đường ống, đồng hồ nước hư hỏng nặng...". Từ khi công trình cấp nước ngừng hoạt động, một số hộ dân đã đầu tư khoan, đào giếng để lấy nước sử dụng; số khác thì đi lấy nước từ khe, suối về ăn, uống. Bà H'wiên, một người dân trong buôn chia sẻ, vì không đủ tiền đào giếng nên hằng ngày các thành viên trong gia đình đều ra suối tắm, giặt rồi gùi nước về nấu ăn, uống. Mong rằng công trình sớm hoạt động trở lại để cuộc sống gia đình tôi và bà con đỡ vất vả hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Châu Ngọc Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh cho biết:"Sau khi kiến nghị lên cơ quan chức năng và nhận được lời hứa hỗ trợ kinh phí sửa chữa, công trình sẽ tiếp tục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, để vận hành công trình một cách bền vững, chúng tôi sẽ thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách thường xuyên bảo vệ, vận hành và báo cáo kịp thời đến cơ quan chức năng khi có vấn đề xảy ra. Có như vậy, người dân buôn K'bu mới sử dụng nước sạch lâu dài". Mong rằng khi công trình hoạt động trở lại, người dân dùng nước sẽ đóng phí đầy đủ để tránh tình trạng "Con sâu làm rầu nồi canh".

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc