Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ “giữ lửa” cho văn hóa truyền thống

15:45, 15/03/2013

Từ lâu, rượu cần và thổ cẩm là niềm tự hào, nét văn hóa quý báu, đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Mặc dù có lúc thăng trầm, nguy cơ bị mai một, nhưng bằng sự tâm huyết, khéo léo, chị em phụ nữ Êđê ở buôn Wiao A (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) đã và đang nỗ lực khôi phục, duy trì nghề truyền thống. 

Chị H’Nôm Niê say sưa bên khung dệt.
Chị H’Nôm Niê say sưa bên khung dệt.

Trong ngôi nhà nhỏ của chị H' Nôm Niê (buôn Wiao A) ngổn ngang những khung cửi, chỉ màu cùng những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo do chính tay chị tạo ra thể hiện sự tâm huyết với nghề truyền thống. Cũng như nhiều phụ nữ Êđê khác, từ thời trẻ chị đã được bà và mẹ truyền cho nghề dệt truyền thống. Ban đầu, chị chỉ dệt những chiếc khăn, váy để làm đẹp cho mình, gia đình và làm quà tặng bạn bè, người thân… rồi dần dần nghề dệt đã ăn sâu vào máu thịt và trở thành niềm đam mê. Nhưng hòa cùng dòng chảy của thời gian, bà con ở các buôn làng dần chuyển sang dùng những trang phục hiện đại khiến cho nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một. Bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị đã đến từng nhà động viên phụ nữ trong buôn trở lại với khung cửi. Ban đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian nhận thấy việc làm của chị có ích nên chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể hết sức ủng hộ. Mặc dù đã gắn bó với khung cửi gần 40 năm, nhưng khi có lớp dạy nghề dệt thổ cẩm chị đều hăng hái tham gia để tích lũy thêm vốn kiến thức, cải thiện mẫu mã và động viên tinh thần chị em gắn bó với nghề truyền thống. “Thông qua các lớp dạy nghề, nhiều chị đã biết dệt một số sản phẩm đơn giản như khăn, tấm chăn, áo ghi lê, dây cột tóc… Điều vui mừng hơn là chị em đã dần thay đổi suy nghĩ, cố gắng tạo ra những sản phẩm đẹp, hợp thời trang phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng mà không làm mất đi nét văn hóa truyền thống. Nếu ngày càng nhiều chị em đến với nghề thì có nghĩa là nghề dệt thổ cẩm đang được khôi phục”, chị H’ Nôm bày tỏ.

Với Amí Su (buôn Wiao A) làm rượu cần đã trở thành đam mê từ lâu. Chính vì vậy, mỗi dịp lễ, Tết hay trong nhà, họ hàng có tin vui, chị luôn tự tay làm rượu cần để mọi người thưởng thức và con cháu thấy được cách làm truyền thống của gia đình. Muốn có ché rượu ngon, men ủ là quan trọng nhất. Men truyền thống được làm bằng gạo và lá cây rừng mới có thể tạo cho rượu cần hương vị thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay một số người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận đã thay đổi một vài nguyên liệu và cách pha chế rượu cần làm ảnh hưởng đến hương vị đặc trưng. Mặt khác, nghề truyền thống này cũng đang dần bị mai một khi lớp trẻ trong buôn bây giờ phần nhiều không biết cách lên men, ủ rượu và số người làm được rượu ngon không nhiều, chủ yếu là những người già, điều này khiến nghề làm rượu cần có nguy cơ bị mai một. Đây cũng chính là những băn khoăn, trăn trở lớn nhất của chị. Vì vậy trong các lễ hội lớn như: mừng lúa mới, cúng bến nước, bỏ mả, đặt tên… của người Êđê, chị đều tự tay làm vài ché rượu cần để duy trì nghề truyền thống.

Phụ nữ Êđê ở 3 buôn Wiao A, Wiao B và buôn Ur trên địa bàn thị trấn Krông Năng chủ yếu làm nghề nông, ngoài những lúc mùa màng thì hầu như rảnh rỗi, không có nghề phụ. Chính vì vậy, Hội Phụ nữ thị trấn đã tăng cường phối hợp với Hội LHPN tỉnh và các ngành hữu quan đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ nông thôn, định hướng, khuyến khích chị em gắn bó, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, đồng thời góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên. Chị H’ Sora Mlô, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Krông Năng cho biết, các lớp học nghề đã thu hút khá đông chị em ở các buôn tham gia. Tuy nhiên một thực tế là hiện nay các sản phẩm thổ cẩm đang mất dần chỗ đứng trong đời sống cộng đồng, tiếng khung cửi vì vậy cũng thưa dần trong các buôn làng. Muốn khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống cần sự quan tâm, vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và chính những người dân bản xứ, trong đó không thể thiếu vai trò của phụ nữ. 

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc