Ánh sáng trên những phím đàn
Ngay từ lần đầu tiên được nghe anh chơi đàn trong một không gian âm nhạc ấm cúng ở cuối đường Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột, tôi đã bị thôi miên. Dường như đó là một thứ âm thanh bật ra từ nghị lực phi thường và tình yêu mãnh liệt đối với cuộc đời…
Cây đàn guitar là người bạn thân thiết, điểm tựa tinh thần giúp Nguyễn Kim Sương vượt qua mặc cảm vươn lên trong cuộc sống. |
Là một đứa trẻ được chào đời bình thường như bao đứa trẻ khác, có lẽ cuộc đời của Nguyễn Kim Sương (ở số nhà 51 Y Wang, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã không phải chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nếu như căn bệnh sởi lúc Sương mới lên 3 được phát hiện sớm và cứu chữa kịp thời. Căn bệnh ấy đã lấy đi ánh sáng trên đôi mắt Sương vĩnh viễn. Là con trai út trong gia đình có 6 anh, chị em, Sương là người khá trầm tính và sống lặng lẽ. Vậy nhưng bên trong của vẻ ngoài trầm lặng ấy lại là một tâm hồn sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Tiếng đàn của Sương vì vậy mà điềm tĩnh, thẳm sâu nhưng thật nồng nàn và cháy bỏng tình yêu cuộc sống. Giai điệu mỗi bài hát có thể vui, có thể buồn nhưng những nốt nhạc được ngân lên từ ngón đàn của Sương đều căng tràn nhựa sống. Đó là một quá trình tự khổ luyện từ khi Sương mới lên 8 tuổi và người thầy đầu tiên của Sương chính là người cha hết mực thương yêu con mình. “Ba là điểm tựa tinh thần và cũng là người thổi vào tâm hồn Sương niềm đam mê âm nhạc. Tiếng đàn mà ba đánh cho Sương nghe mỗi ngày đã giúp Sương vượt qua mặc cảm,- thấy yêu đời hơn. Sương bắt đầu tìm thấy chính mình khi ngón tay chạm đến dây đàn, lần tìm từng nốt nhạc trên cây đàn nhờ vào sự chỉ dẫn tỉ mỉ của ba. Sau 2 năm, đàn guitar đã trở thành người bạn thân thiết, lắng nghe và thổ lộ những vui buồn trong cuộc sống của Sương. Đến năm 14 tuổi, Sương được mời đi đánh đàn ở các đám cưới, rồi từ đó vừa làm vừa tự học. May mắn cho Sương là cái “nghề” này giúp Sương gần gũi được với nhiều anh, chị, cô chú có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật nên bản thân cũng tự học và tự hoàn thiện, nâng cao “tay nghề”. Không chỉ thích guitar, Sương còn rất đam mê Organ, nhưng hồi đó điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, ba mẹ không có tiền mua đàn cho Sương đi học nên sáng thì Sương đi bán vé số, chiều đến nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi học đàn. Hồi đó được cô Tuyết Anh tận tình chỉ dạy cùng với sự động viên, khích lệ của ba mẹ nên Sương tiến bộ nhanh lắm. Ba là người cho Sương niềm tin, sự mạnh mẽ để biết tự vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống; biết tự vươn lên để khẳng định mình.
Quá trình Sương lớn lên, đấu tranh với những mặc cảm của bản thân để sống và hòa nhập với cộng đồng càng cho Sương thấy, không có điều gì là không thể thực hiện được, chỉ cần mình thực sự đam mê và quyết tâm”. - Chính niềm đam mê và nghị lực ấy đã giúp Sương tìm thấy ánh sáng của đời mình qua âm nhạc. Hạnh phúc cũng đã mỉm cười với Sương khi giờ đây Sương còn có thêm một động lực và điểm tựa tinh thần nữa là người vợ và đứa con trai vừa tròn 2 tuổi. Không được thường xuyên gần gũi vợ con vì chị Trần Thị Thu Ba (vợ của Sương) đang công tác tại tỉnh Bình Phước, nên cũng có lúc Sương cảm thấy buồn, trống trải nhưng đành phải cố gắng tìm niềm vui, khỏa lấp qua cung đàn nốt nhạc.
Mỗi lần nghe Sương đàn cho chị Kim Ly (một nữ ca sĩ được yêu mến ở TP. Buôn Ma Thuột) hát: Em lo gì trời gió/ Em lo gì trời mưa/Em lo gì mùa hè/ Em tiếc gì mùa thu /Ta cứ yêu đời đi/ Như lúc ta còn thơ/Rồi để anh làm thơ/ Và để em dệt tơ …(Thoi tơ), trong tôi lại dạt dào cảm xúc và tình yêu cuộc sống. Chúng ta sinh ra chỉ có một trái tim nằm sâu trong lồng ngực để nhắc nhở ta hãy biết trân trọng và luôn cho đi sự thương yêu từ sâu thẳm trong lòng mình. Và với Sương, để có được hạnh phúc, không cách nào khác là yêu tha thiết cuộc đời này bằng việc học cách thích ứng với mọi khó khăn trong cuộc sống. Lắng nghe cơ thể, khám phá ra những khả năng của bản thân và theo đuổi nó bằng niềm đam mê và nhiệt huyết cũng là một trong những cách để Sương vươn lên khẳng định tài năng của mình. “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng…”. Có lẽ Sương đang nuôi dưỡng cái “vô cùng” một cách mãnh liệt để “cứu chuộc” sự “hữu hạn” kém may mắn của mình bằng chính niềm đam mê nồng nàn với âm nhạc.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc