Multimedia Đọc Báo in

Phát triển mạng lưới y, dược học cổ truyền: Gần mà... xa!

07:45, 25/04/2013

Phát triển mạng lưới y, dược học cổ truyền (YDHCT) trên địa bàn là một trong những mục tiêu mà ngành Y tế đã và đang hướng đến. Song, để làm được điều này vẫn còn không ít gian nan…

Trước yêu cầu đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tỉnh ta đã đề ra Kế hoạch phát triển mạng lưới YDHCT trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu là tiếp tục củng cố mạng lưới YDHCT từ tỉnh đến cơ sở, kết hợp đông y với tây y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời, bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, số lượng thuốc thiết yếu về YDHCT nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ở các tuyến Y tế. Để thực hiện được mục tiêu này, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã tăng cường mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh bằng YHCT thông qua việc đầu tư nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh từ bệnh viện hạng III lên bệnh viện hạng II; củng cố Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; thành lập Khoa Y học cổ truyền tại Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã, thành phố; hình thành bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để tất cả mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng và thuận tiện với nền YHCT của dân tộc. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn tích cực chỉ đạo các bệnh viện, Trường Trung cấp Y tế tỉnh, các trạm y tế xã, phường, thị trấn xây dựng các vườn cây thuốc nam để giới thiệu, phổ biến và hướng dẫn cho người dân địa phương trồng và sử dụng một số loại cây thuốc thông dụng.

Điều trị cho người bệnh theo phương pháp y học cổ truyền tại Khoa Đông y,  Bệnh viện Đa khoa Krông Bông.
Điều trị cho người bệnh theo phương pháp y học cổ truyền tại Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Krông Bông.

Mặc dù đã có nhiều động thái tích cực, song việc phát triển mạng lưới YDHCT của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, đó là: công tác nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp tiến hành còn chậm và kém hiệu quả; nhiều bài thuốc hay, nhiều cây thuốc quý, nhất là của đồng bào các dân tộc ít người còn chưa được đầu tư để thu thập sưu tầm; đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu về YHCT đang mỏng dần; chất lượng chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực YHCT còn thấp nên chưa hấp dẫn người bệnh; công tác nuôi trồng, phát triển dược liệu còn nhiều bất cập, chủ yếu là tự phát, chưa có kế hoạch và quy hoạch vùng sản xuất… Trên thực tế, để cải thiện được những tồn tại nói trên là chuyện không hề dễ. Chỉ nói riêng việc cải thiện về vấn đề nhân lực cũng đủ thấy lắm gian nan, bởi đội ngũ cán bộ YHCT ở tỉnh ta hiện còn thiếu rất nhiều. Trong khi đó, theo quy định hiện nay các trạm y tế không có định biên về đào tạo y học cổ truyền, mà phần lớn chỉ hoạt động kiêm nhiệm. Và khi đã không có chỉ tiêu thì làm sao đào tạo và có được nhân lực cho YHCT. Do đó, để tự giải quyết khó khăn này một số trạm y tế đã phối hợp với các lương y bên ngoài, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để họ khám bệnh trong tầm quản lý trạm, nhưng đó cũng chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời, còn về lâu dài lại cần có một chính sách mang tầm vĩ mô. Hay như công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, tỉnh ta có lợi thế về tiềm năng dược liệu, nhưng việc quản lý chưa được quan tâm, cộng với tình trạng khai thác tràn lan, ồ ạt trong thời gian qua khiến cho nguồn tài nguyên này đang bị thu hẹp, thậm chí nhiều cây thuốc quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Mà muốn bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, theo lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh thì cần phải có kế hoạch bảo tồn trong đó huy động các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân cùng tham gia. Thế nhưng, đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa có một văn bản nào mang tính pháp lý của nhà nước đề cập đến vấn đề này(?!). Rồi ngay cả khi Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 58 ngày 31-10-2008 thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có đề cập đến nhiệm vụ tổ chức khôi phục, mở rộng và phát triển các vườn thuốc mẫu ở các địa phương, đơn vị, trường học, bệnh viện, trạm y tế; kết hợp chặt chẽ giữa việc khuyến khích “trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” với việc từng bước tổ chức các vùng chuyên nuôi trồng, chế biến cây, con làm thuốc theo hướng công nghiệp… nhưng đến nay các nhiệm vụ này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Kế hoạch phát triển mạng lưới YDHCT của tỉnh giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu kế thừa, bảo tồn và phát triển nền Đông y của tỉnh, kết hợp đông y với tây y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ trở thành hiện thực khi trong quá trình thực hiện có sự chung tay, phối hợp từ nhiều phía. Còn nếu chỉ đặt nhiệm vụ này vào tay của riêng ngành Y tế thì việc hiện thực hóa tưởng gần mà lại hóa xa.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.