Thắp hy vọng bằng những yêu thương (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Ấm áp vòng tay cộng đồng
Những năm gần đây, công tác chăm lo cho người khuyết tật (NKT) đã trở thành hoạt động thường xuyên của các ban ngành, tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội. Không chỉ tặng vật chất, những hoạt động nhằm giúp NKT sớm hòa nhập cộng đồng như: hỗ trợ phục hồi chức năng, điều trị phẫu thuật chỉnh hình, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế… được chú ý nhiều hơn. Vòng tay ấm áp của cộng đồng đã góp phần làm vơi bớt những nỗi đau của NKT.
Nỗ lực đưa người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống
Chương trình phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng là hoạt động mang lại hiệu quả đáng kể trong việc giúp NKT hòa nhập cộng đồng. Được triển khai từ năm 1998 do Sở Y tế làm đầu mối dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam, chương trình đã kết nối nhiều ngành, tổ chức đoàn thể như y tế, giáo dục, thương binh-xã hội, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ… tạo cơ hội về phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập, cấp vốn tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn NKT tại 54 xã, phường thuộc TP.Buôn Ma Thuột và các huyện Cư Mgar, Krông Bông, Lak, Krông Pak. Sau 15 năm triển khai, đội ngũ cán bộ ngành y tế và cộng tác viên phục hồi chức năng (PHCN) đã hướng dẫn và hỗ trợ trên 10.000 lượt NKT tự tập luyện tại hộ gia đình, trong đó nhiều trường hợp đã hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Để tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật có cơ hội phát triển tối đa khả năng, hòa nhập cộng đồng, xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa trẻ khuyết tật với trẻ em khác, trong những năm qua, Dự án giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật do Sở GD-ĐT hợp tác với Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã hỗ trợ giáo dục hòa nhập và chuyên biệt cho trẻ khuyết tật, đặc biệt từ năm 2005 đã triển khai hoạt động phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi. Số lượng trẻ khuyết tật được phát hiện và can thiệp sớm ngày càng tăng, nếu như năm học 2004-2005 chỉ có 8 trẻ được can thiệp sớm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật thì đến năm học 2012-2013 đã có 72 em. Tỷ lệ trẻ khuyết tật tham gia học tập hòa nhập tại cộng đồng ngày càng tăng và có chất lượng, hiện có 43 em đang theo học bậc THPT. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề: làm tranh ghép gỗ, làm hoa voan, hạt gỗ, làm hương (nhang), đồ lưu niệm bằng giấy, may mặc… cho trẻ khuyết tật ở độ tuổi từ 16-22 nhằm chuẩn bị cho các em bước vào cuộc sống độc lập khi đến tuổi trưởng thành. Dự án “Hỗ trợ vốn tạo thu nhập cho gia đình NKT” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2003 đến nay, Dự án đã hỗ trợ cho 615 hộ gia đình NKT (trong đó có 246 hộ nghèo) tại 28 xã được vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng, qua đó đã có 54/246 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, 369 hộ NKT có việc làm ổn định tại nhà.
Giúp các em tập phục hồi chức năng tại Trung tâm Phục hồi chức năng huyện Ea Kar. |
Mới đi vào hoạt động gần 3 năm (từ năm 2010), đến nay Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh đã vận động được hơn 2 tỷ đồng, qua đó tổ chức các hoạt động giúp đỡ trên 1.500 lượt NKT, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc thăm hỏi, tặng quà, cấp xe lăn, tặng học bổng, xe đạp cho trẻ khuyết tật, mồ côi nghèo, Hội còn hướng đến các hoạt động giúp NKT tham gia phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt trong năm 2012, Hội đã thực hiện 3 Đề án hỗ trợ cho đối tượng NKT, trẻ mồ côi tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới như: Ea Bar (huyện Buôn Đôn), Hòa Phong (huyện Krông Bông), Dak Phơi (huyện Lak) với tổng số vốn trên 214 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội đã giúp 3 đối tượng đi học nghề tại Trung tâm dạy nghề cho NKT và trẻ mồ côi TP.Hồ Chí Minh. Trong năm 2013, Hội dự kiến tiếp tục thực hiện Dự án hỗ trợ cho đối tượng NKT và trẻ mồ côi tại các xã Cư Kpô (huyện Krông Buk), Ea Bung (huyện Ea Súp) và Ea Trang (huyện MDrak); đồng thời liên hệ với Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN TP. Hồ Chí Minh để đưa 123 NKT (bị bại não, liệt, u não, khuyết tật vận động…) tại 8 huyện, thành phố đi điều trị miễn phí.
Nối dài hơn những vòng tay nhân ái
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 134.000 người khuyết tật (chiếm 7,5% dân số), trong đó tỷ lệ trẻ em khuyết tật ở mức 1-3%. Có 25.645 người khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng cần được trợ giúp, tập trung ở các dạng tật: thị giác (11,27%), thính giác (15,31%), vận động (19,47%), thần kinh, trí tuệ (26,69%). Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 10.261 người khuyết tật (trong đó 8.005 người khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng, 2.256 người tâm thần mãn tính) và 68 hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng từ 2 người khuyết tật đặc biệt nặng trở lên đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo quy định. Còn theo thống kê của ngành GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 trẻ khuyết tật ở độ tuổi từ 0-16 tuổi; thì mới chỉ có 2.052 trẻ khuyết tật được đi học, số trẻ khuyết tật chưa được phát hiện và tiếp cận giáo dục chiếm trên 30%. Nhiều trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cao (khuyết tật nặng) vẫn chưa được quan tâm, chăm sóc, giáo dục đúng mức. Chương trình giáo dục hòa nhập trong dự án hợp tác với Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam chỉ mới “phủ sóng” được 5 huyện, thành phố; nhiều trẻ khuyết tật ở 10 huyện, thị xã còn lại, đặc biệt là những xã mới tách, mới thành lập ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa có cơ hội đến trường.
Mặc dù số lượng NKT có nhu cầu được hỗ trợ PHCN, giáo dục hòa nhập còn rất lớn song những cơ sở PHCN và chăm sóc, nuôi dưỡng NKT hiện có trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng. Ông Nguyễn Quang Vịnh, Phó Giám đốc Trung tâm PHCN huyện Ea Kar cho biết: rất nhiều NKT ở các huyện như: Krông Pak, Krông Năng… có nguyện vọng đến điều trị và tập luyện tại Trung tâm, nhưng do khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất nên việc đáp ứng còn hạn chế. Vì thế, Trung tâm rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc, xây dựng thêm phòng tập để tạo nhiều cơ hội cho NKT. Còn như chia sẻ của chị Phạm Thị Tuyết, phụ trách Nhà xã hội cộng đồng xã Ea Kly, huyện Krông Pak hiện đang nuôi dưỡng 3 trẻ khuyết tật và 2 trẻ mồ côi, nhưng việc chăm sóc các cháu cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài số tiền các cháu được hưởng theo chế độ (360.000 đồng/tháng/trẻ khuyết tật nặng), thường vào các dịp lễ, Tết còn được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể… nhưng cũng chưa được thường xuyên và chưa đáp ứng nhu cầu hằng ngày của các cháu.
Có thể thấy, trong những năm qua, nhận thức của cộng đồng trong việc sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng đã được nâng lên. Tuy nhiên, sự hòa nhập của NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi họ chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động tập thể. Chẳng hạn như nhiều công trình, phương tiện giao thông công cộng, gần như bỏ qua công năng phục vụ dành riêng cho đối tượng là NKT. Vì thế, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm và những hoạt động thiết thực để NKT thực sự tự tin hòa nhập và tham gia vào nhiều lĩnh vực trong xã hội.
Lê Hương – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc