Multimedia Đọc Báo in

Duy trì Chuẩn quốc gia y tế theo bộ tiêu chí mới - các trạm y tế xã đối mặt khó khăn

22:48, 07/06/2013

Thực hiện theo Bộ tiêu chí mới về Chuẩn quốc gia y tế giai đoạn từ 2011-2020, một số trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt Chuẩn quốc gia y tế theo Bộ tiêu chí cũ (giai đoạn 2001-2010) hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì Chuẩn quốc gia y tế trước yêu cầu của Bộ tiêu chí mới.

Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) là xã có địa bàn rộng hơn 4.200 ha với 17 thôn, buôn và có hơn 16.500 nhân khẩu; trong đó, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Phần lớn người dân sống rải rác, nhận thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, nhất là về ý thức vệ sinh môi trường như: chưa có nhà vệ sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, rác thải ra môi trường chưa được xử lý đúng cách… Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe vẫn còn nhiều bất cập: kinh phí hạn hẹp, hệ thống loa truyền thanh của xã chưa thường xuyên được nâng cấp sửa chữa, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động truyền thông còn thiếu…

Siêu âm cho người bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Bhốc.   Ảnh: Đình Thi
Siêu âm cho người bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Bhốc. Ảnh: Đình Thi

Bác sĩ Y Sui Byă, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Bhôk cho biết, trong thời gian qua, trạm đã được trang bị các tài liệu truyền thông nhưng số lượng loa cầm tay ít nên trong những lần tổ chức tiêm chủng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi từ 15-35 và tiêm phòng cho trẻ em… thì khá vất vả vì người đông, chen chúc nhau, khi cán bộ y tế tư vấn hay gọi tên thì không nghe rõ… Trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận khám, chữa bệnh khoảng từ 50-60 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp mặc dù đưa con đến Trạm Y tế để tiêm chủng nhưng vẫn chưa tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Mặc dù trạm đã được công nhận đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã từ năm 2009 nhưng theo bộ tiêu chí mới (gồm 10 tiêu chí, trong đó một số chỉ tiêu đưa ra ở mức cao), thì việc duy trì danh hiệu Chuẩn quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí mới trong giai đoạn 2013-2020 rất khó thực hiện. Đặc biệt, đối với công tác y tế học đường mục tiêu đưa ra là hằng năm có 100% trường học được kiểm tra vệ sinh học đường, trên 80% học sinh mẫu giáo và trên 40% học sinh cấp I, cấp II được khám sức khỏe… nhưng hầu như không có kinh phí thực hiện cho chương trình này; thêm vào đó số lượng trường mẫu giáo và cấp I trên địa bàn phần lớn lại có các phân hiệu nằm rải rác…

Tương tự, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) có 9 thôn, buôn, 75% dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%. Trạm Y tế xã Krông Na cũng được công nhận là trạm đạt Chuẩn quốc gia y tế từ năm 2008, nhưng việc duy trì danh hiệu đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới cũng gặp không ít khó khăn. Theo yêu cầu của Bộ tiêu chí mới thì hiện nay cơ sở hạ tầng của Trạm chưa đáp ứng được: chưa có phòng Trạm trưởng, phòng Đông y để phục vụ điều trị cho người bệnh…; trang thiết bị còn thiếu, chưa có máy siêu âm, xét nghiệm…, cộng với thiếu nhân lực: một người phải kiêm nhiệm từ 3 đến 4 chương trình nên hiệu quả công việc chưa cao.

Còn tại xã Ya Lốp (huyện Ea Súp), tuy Trạm Y tế xã đã được công nhận đạt Chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2010 nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phấn đấu đến năm 2014 đạt Chuẩn quốc gia về y tế theo Bộ tiêu chí mới. Những khó khăn, tồn tại chủ yếu của Trạm được nhận định là tình trạng gia tăng dân số tự nhiên đột biến; tăng tỷ lệ sinh con thứ 3; tỷ lệ suy dinh dưỡng của toàn xã còn cao trên 30%; toàn dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 31%; việc quản lý, theo dõi bệnh nhân nhiễm HIV chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động và cấp bao cao su, bơm kim tiêm an toàn cho người bệnh còn gặp nhiều khó khăn, không có sự hợp tác từ phía người bệnh…

Có thể thấy việc duy trì danh hiệu trạm y tế đạt Chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đối với một số trạm y tế xã vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Do vậy rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo kịp thời của các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu của xã để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại các trạm y tế xã đạt kết quả tốt hơn.

Hương Xuân 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.