Người quả phụ nghèo nhiệt tình với phong trào hiến đất làm đường
Bà Lục Thị Choòng, người dân tộc Tày ở thôn 8, xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar) là một quả phụ, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo nhưng trong chương trình nâng cấp tuyến đường nội thôn bà đã tự nguyện hiến 190m2 đất để mở rộng tuyến đường.
Đến thăm gia đình bà Lục Thị Choòng, nhìn ngôi nhà gỗ đơn sơ, trong nhà chỉ có chiếc tivi cũ là giá trị nhất, mới thấy hết được nghĩa cử cao đẹp của người phụ nữ này. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Cao Bằng, do cuộc sống khó khăn năm 1993 bà Choòng cùng gia đình chuyển vào xã Ea Mnang xây dựng kinh tế mới. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng với sự chịu khó, cần cù, sau một thời gian vợ chồng bà đã mua được vài sào đất canh tác. Tuy kinh tế chẳng khá giả gì nhưng cuộc sống bình dị và tràn ngập tiếng cười khiến nhiều người mong ước. Nhưng rồi ngày tháng hạnh phúc đó chẳng được bao lâu, khi tai họa ập đến gia đình bà. Năm 2010, do cơn bạo bệnh, chồng bà đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại bà cùng 3 người con; cuộc sống đã khó nay lại càng khó khăn hơn. Với 5 sào đất canh tác (trong đó 3 sào trồng cà phê và 2 sào trồng màu), Hầu như năm nào gia đình bà cũng nằm trong danh sách hộ nghèo. Khó khăn là vậy nhưng khi Nhà nước, địa phương có chủ trương làm đường giao thông, bà là một trong những người đầu tiên hưởng ứng tham gia đóng góp. Năm 2011, trong dự án làm tuyến đường quốc phòng bà đã hiến 2 sào đất, hơn 100 gốc cà phê; do là tuyến đường quốc phòng nên lần đó bà cũng nhận được một số tiền đền bù. Vào cuối năm 2012, khi thôn phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhận thấy lợi ích của việc làm này đem lại bà cũng tự nguyện hiến 190m2 đất, với giá trị hàng chục triệu đồng mà không đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền đền bù, hay hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương. Không dừng lại ở đó, bà còn vận động người con trai đầu là anh Hoàng Văn Giang đã ra ở riêng, có hoàn cảnh không mấy khá giả cũng hiến 270m2 đất trồng cà phê để làm đường…
Tinh thần tự nguyện hiến đất làm đường của bà Lục Thị Choòng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhờ đó 100% hộ gia đình có tuyến đường đi qua đều tham gia, tự nguyện hiến hơn 1.700m2 đất và phá đi các công trình kiến trúc, hoa màu trên đất; nếu tính theo mức giá đền bù hiện tại thì với diện tích đất trên có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Đến nay, tuyến đường nội thôn đã được nâng cấp và đi vào sử dụng với chiều rộng mặt đường gần 4m (rộng hơn 2m so với trước đây), đã giúp cho việc đi lại, buôn bán trao đổi của bà con trở nên thuận lợi hơn. Không những vậy, tuyến đường đi vào sử dụng cũng đã giúp thu hẹp khoảng cách từ thôn sang huyện Buôn Đôn chỉ còn vài km thay vì trước đây người dân phải đi vòng hơn 10km…
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc