Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ xung kích thi đua

08:39, 11/06/2013

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu...”, vâng lời Bác dạy, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đã và đang không ngừng hăng hái, thi đua nghiên cứu học tập, lao động, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực để đem sức trẻ góp phần xây dựng quê hương...

“Cây sáng kiến” của điện lực

Gần 10 năm công tác, anh Trần Quang Bình, nhân viên Xí nghiệp Điện cơ, được coi là một trong những “cây sáng kiến” ở Công ty Điện lực Dak Lak. Từ những sáng kiến “đầu tay” như: lắp đặt máy biến áp hạ thế để hòa các máy phát diezen tại trạm phát điện diezen B3, sử dụng tủ điều khiển máy cắt Reclose thao tác cho máy cắt 30 Teo-50Ms…, đến năm 2011, anh tiếp tục cho ra đời sáng kiến cải tiến kỹ thuật “Lắp đặt tủ điều khiển thao tác, bảo vệ và tự động đóng lặp lại cho máy cắt” và được Công ty công nhận sáng kiến loại A, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công việc.

Nói về khởi nguồn cho sáng kiến này, anh Bình chia sẻ: Thực tế, tại hệ thống lưới điện Dak Lak có rất nhiều loại máy cắt Reclose, sau một thời gian vận hành đã bị hư hỏng một số bộ phận như tủ điều khiển, máy cắt, trong khi việc thay thế các thiết bị này (nếu có thể) sẽ phải tốn nhiều chi phí. Anh suy nghĩ, làm cách nào để vẫn có thể tận dụng được một số máy cắt đó trong trường hợp tủ điều khiển của chúng đã bị hư hỏng, chứ bỏ đi thì “tiếc” của! Anh bỏ công mày mò, nghiên cứu tạo ra một tủ điều khiển mới, có khả năng điều khiển được tất cả các loại máy cắt khác nhau mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu về nguồn thao tác và bảo vệ, đặc biệt là có khả năng đóng lặp lại như một tủ điều khiển Reclose hiện đại. Để giải quyết vấn đề, quan trọng nhất là nguồn thao tác và bảo vệ cho tương ứng với từng máy, anh đã sử dụng các thiết bị cơ bản như: máy biến áp 220/110-48-24V (tùy vào mỗi loại máy cắt mà sử dụng nguồn thích hợp thông qua một bộ chuyển đổi nguồn), rơ-le kỹ thuật số MK 1000A, mạch đóng lặp lại… cùng với các kỹ năng về kỹ thuật khác để cho ra đời một tủ điều khiển mới mà vẫn bảo đảm được các chức năng về đo lường, bảo vệ, ghi nhận giá trị sự cố và tự động đóng lặp lại… Việc làm ý nghĩa này không những đã tạo ra một tủ điều khiển “đa năng” - sử dụng được cho nhiều loại máy cắt khác nhau mà còn có giá thành thấp hơn rất nhiều so với việc mua một tủ điều khiển mới, và chỉ bằng khoảng 30% giá tiền nếu sửa chữa một tủ điều khiển đã hư hỏng.

Không dừng lại ở đó, sau “máy cắt đa năng”, anh Bình còn tiếp tục cho ra đời nhiều sáng kiến phục vụ đắc lực cho công tác chuyên môn. Nói về những “đứa con tinh thần” liên tiếp được mình ra sáng tạo ra, anh Bình mỉm cười: “Công việc đòi hỏi mình phải trăn trở, không ngừng sáng tạo, mục tiêu cuối cùng là tiết kiệm và hiệu quả...”.

H’Trang Niê - khổ luyện để chinh phục đỉnh cao

Từng đoạt 7 Huy chương Vàng môn Điền kinh cấp thành phố và tỉnh khi còn là học sinh cấp II – III, nhưng bằng niềm đam mê võ thuật của mình, H’Trang Niê (sinh năm 1992) ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã quyết định thử sức với một môn thể thao mới là Boxing. Tuy là vận động viên mới vào nghề nhưng nhờ quyết tâm và sự khổ luyện, H’Trang đã dần chinh phục các đỉnh cao.

H’ Trang Niê (người đứng giữa) đã và đang gặt hái nhiều thành công trong niềm đam mê môn thể thao boxing.
H’ Trang Niê (người đứng giữa) đã và đang gặt hái nhiều thành công trong niềm đam mê môn thể thao boxing.

Vốn có sở trường và năng khiếu môn điền kinh nhưng khi đang là học sinh cuối cấp của Trường THPT Cao Bá Quát, H’Trang đã được các thầy ở Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao tỉnh “để mắt”, tìm mọi cách thuyết phục mẹ cho em tham gia luyện tập bộ môn Boxing. Ban đầu, mẹ không đồng ý bởi em là con út trong gia đình có 8 anh chị em, bố mất khi em chưa kịp chào đời nên mẹ dành rất nhiều tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc cô con gái nhỏ. Biết con vốn yêu thích võ thuật lại quyết tâm muốn thử sức mình với môn thể thao mới nên cuối cùng mẹ cũng xiêu lòng. Ngày con “khăn gói quả mướp” lên Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh “định cư” để thuận tiện cho quá trình luyện tập, ánh mắt mẹ chứa đựng biết bao băn khoăn, lo lắng. Hiểu nỗi lòng của mẹ, H’Trang sắp xếp hài hòa thời gian luyện tập mà vẫn bảo đảm việc học ở trường. Có những hôm rất mệt mỏi sau giờ học  thời tiết nắng nóng, trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện còn thiếu, nhưng em vẫn cố gắng vượt lên tất cả. Càng đến gần thời điểm thi đấu, cường độ tập càng nhiều, nhưng được mẹ chăm sóc, khích lệ và sự chỉ dạy tận tình của thầy bộ môn, dần dần các kỹ năng của em đã hoàn thiện, công thủ linh hoạt. Không phụ công người khổ luyện, năm 2011, H’Trang đã có được hai niềm vui lớn: tốt nghiệp THPT và đoạt Huy chương Vàng hạng cân 57 kg nữ tại Giải Boxing trẻ toàn quốc khi mới tham gia tập luyện được 4 tháng. Sau thành tích đó, em dành một năm luyện tập để chuẩn bị cho giải Vô địch Boxing toàn quốc năm 2012. “Trong mùa giải năm đó, em bị chấn thương phải phẫu thuật hơn 1 tháng mới hồi phục. Nhìn em đau đớn, mẹ rất xót xa muốn con nghỉ để toàn tâm, toàn ý lo việc học. Không phụ lòng mẹ, ban ngày em nỗ lực luyện tập, theo đuổi niềm đam mê của mình, tối đến tranh thủ ôn thi đại học và đã đỗ vào Khoa Sư phạm Giáo dục thể chất, Trường Đại học Tây Nguyên”, H’Trang thổ lộ.

Thành tích mới nhất của H’Trang là trong Giải Cúp các Câu lạc bộ Boxing nam - nữ toàn quốc năm 2013, em là vận động viên nữ duy nhất của Đội tuyển Boxing Dak Lak “ẵm” Huy chương Đồng hạng cân 57 kg. Hiện H’Trang đang ra sức tập luyện chuẩn bị cho Giải Vô địch Boxing toàn quốc diễn ra vào tháng 8 tới tại Hải Phòng.

Thầy giáo trẻ mê nghề

Sôi nổi, hào hứng và có thể nói cả ngày về công việc giảng dạy của mình một cách say mê là đặc điểm dễ nhận thấy ở thầy giáo trẻ Trần Thanh Dương, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak.

Việc dạy ở trường nghề dường như đã nằm trong định hướng sẵn của Dương từ khi anh còn là học sinh... cấp 2. Năm 1995, mặc dù thi đỗ vào một số trường THPT ở Buôn Ma Thuột như Chu Văn An, Buôn Ma Thuột, Trần Phú... nhưng Dương lại chọn học Trường Cơ điện Dak Lak (bây giờ là Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak) theo hướng vừa học văn hóa vừa học nghề điện tử. Lý giải về quyết định mà bạn bè đều cho là ... kỳ quặc này, Dương chỉ cười: Gia cảnh khó khăn nên chọn học nghề với mục đích nếu không có điều kiện học tiếp thì tốt nghiệp cấp 3 xong cũng có một nghề để bước vào đời. Tốt nghiệp THPT đồng thời cũng có tay nghề bậc 3/7, anh thử sức và thi đỗ vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Với vốn nghề đã có, anh chỉ mất 3,5 năm để hoàn thành chương trình đại học và sau đó quay trở về làm giáo viên ở chính ngôi trường mình đã từng học.

Từ thực tế của bản thân, thầy giáo trẻ Trần Thanh Dương luôn cố gắng truyền đến học trò của mình niềm yêu mến với nghề đang học, và quan trọng hơn là phá vỡ những định kiến cho rằng “học trường nghề không bằng học đại học”, “học đại học là con đường tốt nhất để vào đời”. Để làm được điều này, anh không chỉ tư vấn trực tiếp cho mỗi học sinh về học nghề, việc làm mà còn mang hết tâm huyết vào mỗi bài giảng, đặc biệt hằng năm đều tham gia sáng tạo những thiết bị dạy học nhằm nâng cao hiệu quả công việc của mình. Có những thiết bị dạy học do Dương tham gia sáng tạo đã đoạt giải cao trong các hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp trường, cấp toàn quốc, hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Điển hình như mô hình “Thiết bị kiểm tra các phần tử máy tính” của anh đã đoạt giải Nhì tại Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc năm 2010, giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 3 năm 2011; mô hình “Ngôi nhà thông minh” đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 3...

Anh Dương cho biết: những thiết bị hay mô hình này ra đời đều khởi nguồn từ những nhu cầu cấp thiết trong dạy và học. Mô hình “Thiết bị kiểm tra các phần tử máy tính” nhằm truyền đạt tới học sinh những kiến thức về lý thuyết và thực hành một cách đơn giản, dễ hiểu nhất, giúp học sinh thuận tiện hơn trong quá trình thực tập, rèn luyện kỹ năng tay nghề nhất là sửa chữa máy tính. Còn mô hình “Ngôi nhà thông minh” là một minh chứng rõ ràng nhất giúp các em hiểu nghề điện tử có thể được ứng dụng như thế nào trong thực tế.

Niềm hạnh phúc nhất của thầy giáo trẻ Trần Thanh Dương là trong suốt 11 năm gắn bó với công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghề, nhiều học sinh của anh có được việc làm và ứng dụng tốt những kiến thức đã học vào thực tế.

“Trồng người” bằng cả trái tim

Nhiệt huyết, trách nhiệm và tràn đầy yêu thương, đó là những gì mà người ta cảm nhận được từ thầy giáo trẻ gốc Hà thành - Nguyễn Đăng Ninh. Chọn và cống hiến với sự nghiệp trồng người tại Trường Tiểu học Cư Pui 1 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), nơi có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, quả thật không dễ dàng chút nào. Không có chuyện hết giờ lên lớp, hết trách nhiệm, sự học ở đây với nhiều học sinh nghèo, đúng nghĩa là vừa “dạy”, vừa “dỗ” để giúp đỡ, khích lệ các em đi học đều đặn. Đây cũng là điều trăn trở đối với thầy giáo Ninh khi ngoài việc giảng dạy, anh còn kiêm phụ trách công tác Đội của nhà trường.

Từ những trăn trở ấy, anh nêu cao trách nhiệm của một thầy giáo trên mỗi bài giảng; dồn tình yêu thương học trò khi chủ động tìm hiểu, sẻ chia với những em có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi hay khuyết tật và kịp thời giúp đỡ. Để mỗi buổi đến trường với các em thực sự là ngày vui, anh dày công nghiên cứu, soạn bài, tạo sức hút học tập cho học sinh bằng những bài giảng giáo án điện tử hấp dẫn, kích thích niềm say mê, tìm tòi và học hỏi. Anh cũng mạnh dạn, hăng hái tổ chức nhiều hình thức giúp đỡ học sinh nghèo tiếp tục có điều kiện đến lớp. Chỉ tính riêng trong 4 năm học gần đây anh đã vận động học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường quyên góp gạo, tiền ủng hộ 6 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền gần 10 triệu đồng và 200 kg gạo; nuôi heo đất được 12 triệu đồng trong đó đã trích ra mua tặng 100 chiếc áo ấm cho học sinh nghèo học tốt. Từ những nỗ lực ấy, anh cùng tập thể giáo viên nhà trường giúp đỡ được nhiều học sinh khó khăn đã bỏ học, lại tiếp tục đến trường để theo đuổi con chữ. Với anh, bấy nhiêu cũng chưa hết trăn trở khi sự học của học trò ở xã vùng sâu này vẫn còn lắm nhọc nhằn.

Những chuỗi thành tích mà thầy giáo trẻ Nguyễn Đăng Ninh đã đạt được: Giấy khen - Giấy chứng nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo về Bài giảng điện tử đạt  chuẩn E – Learning trong Hội thi cấp tỉnh năm học 2012 – 2013; Hội đồng Đội tỉnh công nhận là “Giáo viên - Tổng phụ trách Đội giỏi” tỉnh Dak Lak năm học 2011-2012; Giải Nhất kỳ thi thiết kế giáo án điện tử cấp huyện lần thứ 5 – môn Tiếng Việt 4 năm học 2012 – 2013; danh hiệu Lao động tiên tiến do UBND huyện Krông Bông trao tặng... như càng minh chứng thêm những trăn trở, tâm huyết của anh với nghề “trồng người” nơi đây...

Thuần Lan - Xuân Thủy


Ý kiến bạn đọc