Multimedia Đọc Báo in

Xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn: Dập dịch sốt xuất huyết gặp nhiều khó khăn

11:11, 26/06/2013

Là một trong những điểm nóng của dịch sốt xuất huyết (SXH) ở huyện Buôn Đôn, thế nhưng, để dập dịch, ngoài khó khăn do thời tiết thất thường, xuất hiện nhiều ổ bọ gậy mới, xã Tân Hòa còn đang đối mặt với khó khăn về nhận thức của người dân và sự tham gia của cộng đồng đối với công tác phòng, chống và dập dịch.

Ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi dập dịch SXH tại thôn 14, xã Tân Hòa.
Ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi dập dịch SXH tại thôn 14, xã Tân Hòa.

Bệnh SXH khởi phát trên địa bàn xã Tân Hòa từ ngày 21-3-2013, tính đến nay đã ghi nhận gần 100 ca mắc. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê được từ Bệnh viện Đa khoa huyện và Trung tâm Y tế huyện, chưa kể những trường hợp tự chữa trị ở ngoài. Ban đầu dịch chỉ xuất hiện tại thôn 14 và 15 của xã, nhưng đến nay đã bùng phát trên toàn địa bàn gồm 16 thôn và 1 khu dân cư tự quản. Theo ông Linh Đức Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hòa: “Trong vòng 20 năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên xã Tân Hòa ghi nhận bệnh SXH trên diện rộng. Do đó, người dân có tâm lý chủ quan, chưa nâng cao ý thức trong việc phòng, chống bệnh, không thường xuyên phát quang bụi rậm, rửa chum, vại diệt bọ gậy và còn để nhiều vũng nước ao tù ứ đọng xung quanh nhà. Những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để muỗi phát sinh và gây bệnh…”. Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch SXH, xã Tân Hòa đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban, trạm trưởng trạm y tế làm Phó Ban và thành viên gồm Ban tự quản các thôn, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn, lãnh đạo các ngành, đoàn thể của xã. Song song với đó, trạm y tế xã đã phối hợp với trung tâm y tế huyện, trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi để giảm nguy cơ bùng phát dịch. Thế nhưng, trong khi ngành chức năng nỗ lực phòng chống dịch thì không ít người dân địa phương vẫn lơ là với dịch. Ông Sầm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: “Khi phát hiện dịch, Ban Chỉ đạo của xã đã tiến hành họp và phân công, giao nhiệm vụ cho các tổ thành viên trực tiếp xuống phụ trách địa bàn các thôn. Đồng thời, thông qua hệ thống loa phát thanh của xã tiến hành tuyên truyền để người dân thực hiện tốt công tác phòng dịch SXH bằng cách diệt bọ gậy. Tuy nhiên, trên thực tế, qua kiểm tra một số thôn vẫn chưa làm tốt công tác này”. Cũng theo ông Chiến, ngoài khó khăn do thời tiết mưa nắng thất thường khiến xuất hiện nhiều ổ bọ gậy mới thì khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống dịch là quan niệm, nhận thức của người dân chưa nhìn nhận đúng vấn đề nên chưa tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch, thậm chí một số hộ gia đình còn có những hành vi gây cản trở.

Đến thực tế tại một vài khu dân cư trên địa bàn xã Tân Hòa mới thấy, ý thức vệ sinh khu vực sinh sống của người dân ở đây rất kém. Bên cạnh đó, người dân lại chủ quan thờ ơ với dịch bệnh, thậm chí nhiều người không hề quan tâm đến bệnh sốt xuất huyết là gì, chỉ khi mắc bệnh rồi mới nghĩ đến việc phòng bệnh. Anh Đỗ Tất Thành, người dân ở thôn 10 cho hay: “Cách đây hơn 1 tháng cả hai vợ chồng tôi đều mắc SXH mức độ nhẹ và đã điều trị khỏi. Trước kia khi chưa bị bệnh, bản thân tôi không biết nhiều về bệnh SXH, nhưng từ khi đến điều trị bệnh tại cơ sở y tế, tôi đã biết bệnh SXH lây truyền qua muỗi nên khi thấy trong xóm nhà nào cũng có người mắc bệnh,  gia đình tôi đã thực hiện các biện pháp phòng tránh như ngủ màn, phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, thường xuyên thay rửa các dụng cụ chứa nước trong gia đình để giảm các nơi trú ẩn của muỗi, phòng ngừa nguy cơ tái mắc bệnh. Trái lại với nỗ lực phòng bệnh của gia đình tôi thì rất nhiều nhà trong xóm vẫn không chú trọng lắm đến việc phòng, chống căn bệnh này”. Có lẽ, chính thái độ lơ là của người dân đã khiến cho công tác phòng chống dịch của ngành chức năng vốn đã khó khăn lại càng thêm khó. Chị Đặng Thị Mai Hạnh, nhân viên Trạm y tế xã chia sẻ: “Trước mỗi lần phun thuốc diệt muỗi phòng, chống dịch SXH, chúng tôi đều phải tiến hành xử lý môi trường. Để thực hiện được công việc này, chúng tôi đã phối hợp với Ban tự quản các thôn tổ chức họp dân từng thôn, phổ biến cách thu gom rác thải, xử lý các nơi ứ đọng nước để muỗi không có nơi sinh sản, bởi không có muỗi sẽ không có bệnh SXH. Mặc dù chúng tôi đã phổ biến rất kỹ, thậm chí đến tận nhà dân hướng dẫn cho bà con làm theo, thế nhưng khi kiểm tra lại, nhiều gia đình vẫn chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường khiến nhiều ổ bọ gậy mới xuất hiện”.

Một thực tế đáng lo ngại ở xã Tân Hòa là trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn diễn ra một cách chậm chạp, bởi người dân thì ít hưởng ứng còn các ban, ngành đoàn thể thì thiếu nhiệt tình. Để cải thiện tình hình, ông Sầm Văn Chiến cho biết: “Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa đài và tuyên truyền trực tiếp đến hộ dân thông qua các hình ảnh được chụp ngay tại địa bàn trong đợt kiểm tra lăng quăng (bọ gậy), đồng thời thành lập các tổ phòng chống dịch ở ngay tại thôn để làm nhiệm vụ kiểm tra nhà dân về công tác diệt bọ gậy”.  Thiết nghĩ, để khống chế được dịch bệnh SXH ở xã Tân Hòa thì việc làm chuyển biến về ý thức phòng bệnh của người dân trên địa bàn là rất quan trọng. Ngoài ra, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác tuyên truyền, phát hiện, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh.  

Kim Nguyễn 


Ý kiến bạn đọc