Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần xóa đói, giảm nghèo

11:08, 30/07/2013

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ, trong những năm qua huyện Cư Kuin đã mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho lao động nông thôn với các ngành nghề như: sửa chữa máy móc, chăn nuôi, thú y, may dân dụng, điện dân dụng, sửa chữa xe máy…

Trong 3 năm (2010 – 2012), Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin đã mở 25 lớp dạy nghề miễn phí cho 826 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Huyện cũng đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người nghèo; tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để lập dự án dạy nghề; đẩy mạnh công tác tạo đầu mối đưa lao động đi xuất khẩu trong và ngoài nước; liên kết với những doanh nghiệp thu mua sản phẩm của người lao động, bảo đảm việc làm thường xuyên cho lao động sau đào tạo… Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013 huyện đã tạo việc làm mới cho 997 lao động, trong đó có 21/50 trường hợp xuất khẩu lao động đạt 42% kế hoạch; Trung tâm Dạy nghề huyện đã mở được 25 lớp dạy nghề ngắn hạn đào tạo nghề cho 893 lao động nông thôn (đạt trên 66% kế hoạch).

Từ học nghề và có được việc làm ổn định, nhiều lao động đã có thêm thu nhập cho gia đình, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hợp (thôn 5, xã Ea Tiêu), trước đây là một hộ nghèo của xã. Đến nay gia đình chị đã thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế từ chăm sóc cà phê và làm nghề phụ. Chị Hợp cho biết, nhà chị có 3 sào cà phê; nhân khẩu của gia đình gồm hai vợ chồng và ba người con nên trước khi làm nghề phụ gia đình chị rất ít việc, thời gian rảnh rỗi nhiều. Khi đó chị cũng muốn đi làm thuê để có thêm thu nhập, song vì không có nghề nên rất khó tìm được việc. Đến năm 2010 chị được hỗ trợ học nghề may dân dụng 3 tháng. Hiện nay chị đã mở được một hiệu may nhỏ, với thu nhập ổn định  2 triệu đồng/tháng ngoài chăn nuôi, trồng trọt.

Quỳnh Liên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.