Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc Cư Tê

11:06, 30/07/2013

Thôn Cư Tê, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có 173 hộ, 1.037 khẩu; người dân chủ yếu là dân tộc Mông ở hai huyện Bắc Quang và Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) di cư vào từ năm 1996, đa số theo đạo Tin Lành.

Khi mới di cư vào, gần 100% hộ trong diện đói nghèo, nhà cửa tạm bợ, tỷ lệ người mù chữ trên 70%; không điện, không đường, không trường, không nước sạch… Sau gần 20 năm định cư, đến nay cuộc sống của người dân trong thôn đã từng bước ổn định, là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong 6 thôn người Mông di cư trên địa bàn xã Cư Pui.

Đường vào thôn Cư Tê hôm nay.
Đường vào thôn Cư Tê hôm nay.

Thôn Cư Tê được tách ra từ thôn Ea Lang năm 2008. Theo thống kê, cả thôn có 310 ha đất sản xuất; trong đó đất trồng lúa là 45,9 ha, bắp: 152 ha, sắn: 96,9 ha, đậu: 8,9 ha; cà phê, cao su, hồ tiêu: 6,3 ha. Ông Hùng Xuân Thành, Trưởng thôn Cư Tê cho biết: “Đa số bà con trong thôn có đất sản xuất. Mọi người đều chăm chỉ làm ăn, không có tình trạng lười lao động, rượu chè và các tệ nạn xã hội. Mấy năm gần đây đã có một số gia đình mạnh dạn đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu, cao su… Ngoài ra bà con rất quan tâm phát triển chăn nuôi. Hiện trong thôn có 138 con trâu, 238 con heo và rất nhiều gà, vịt. Một số gia đình đã đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất. Trong thôn hiện có 2 máy cày MTZ, 12 xe công nông, 6 máy xạc bắp…”.

Trong thôn đã xuất hiện hàng chục gia đình khá giả vì có nhiều đất sản xuất kết hợp chăn nuôi. Gia đình ông Tráng Seo Hòa có 4 ha đất sản xuất trong đó gần 1 ha lúa nước. Vừa cần cù, lại biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hay như gia đình ông Hùng Đức Thanh có 3,4 ha đất sản xuất, nuôi 3 con trâu, hàng chục con heo; ngoài ra ông còn mua 1 máy cày MTZ, 1 xe công nông để phục vụ bà con làm đất và chuyên chở nông sản, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trường hợp của gia đình ông Hầu Seo Giàng, khi mới vào chỉ có hai bàn tay trắng nhưng giờ đã có hơn 4 ha đất sản xuất; gia đình ông đã làm được nhà gỗ, mua sắm máy móc, đồ dùng phục vụ sản xuất và sinh hoạt như xe công nông, máy xạc bắp, xe máy, ti vi, máy khâu. Ông Giàng cho biết: “Mình ở huyện Hoàng Su Phì di cư vào năm 1996. Hiện nay gia đình có 4 sào ruộng 2 vụ, thu hoạch gần 80 bao lúa; hơn 2 ha bắp, mỗi vụ thu hơn 20 tấn và gần 2 ha sắn thu hoạch mỗi năm gần 20 triệu đồng, ngoài ra còn nuôi thêm trâu, heo, gà…”. 

Hiện nay đời sống của người dân thôn Cư Tê đã đổi thay rất nhiều. Đường giao thông được nâng cấp, đi lại dễ dàng; nhiều gia đình đã làm được nhà cửa khang trang; 100% hộ dân đã có điện lưới quốc gia; hơn 100 gia đình mua được ti vi, 4 gia đình mua được máy vi tính; cả thôn có 204 xe máy, gần 30 hộ đóng góp hơn 10 triệu đồng để bắc nước tự chảy. Việc học hành của con em cũng được người dân quan tâm: từ một thôn có tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp chỉ đạt 30%, đến nay trẻ trong độ tuổi ra lớp của thôn Cư Tê đạt trên 95%. Trong những năm vừa qua, bà con đã đóng góp gần 100 triệu đồng để mua đất, đóng bàn ghế, mua gỗ, mua lưới B40 và góp hàng trăm ngày công để làm 3 phòng học tạm, làm hàng rào xung quanh trường.

Việc gìn giữ bản sắc dân tộc của người Mông cũng được mọi người hết sức quan tâm. Hằng năm thôn đều tham gia các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, thêu may áo váy… trong Lễ hội Văn hóa các dân tộc phía Bắc do xã Cư Pui đứng ra tổ chức vào dịp đầu xuân. Tình làng nghĩa xóm luôn được người dân coi trọng, thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày như: người nhiều đất cho người ít đất mượn để làm ăn, giúp nhau làm nhà, đi làm đổi công…; cùng nhau phấn đấu sống “tốt đời, đẹp đạo”, giảm tỷ lệ hộ nghèo và quyết tâm xây dựng thôn Cư Tê đạt danh hiệu Thôn Văn hóa trong thời gian tới.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.