Nhân lực cho ngành Y tế: Nghịch lý thừa và thiếu...
Hiện nay, các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, thậm chí cả bệnh viện tuyến tỉnh vẫn đang thiếu bác sĩ, dược sĩ hệ đại học. Trong khi đó, mỗi năm có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ngành Y hệ trung cấp lại không tìm được việc làm. Nghịch lý này vẫn đang tiếp tục diễn ra…
“Khát” nhân lực chất lượng cao
Nhiều năm qua, với việc chủ động tuyển dụng và thực hiện các chính sách thu hút, đồng thời tăng cường công tác đào tạo thông qua nhiều hình thức: đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đưa y sĩ đi học liên thông trở thành bác sĩ… cơ cấu nhân lực của ngành Y tế tỉnh đã không ngừng được củng cố. Một số bệnh viện đã được tăng cường cán bộ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II làm công tác khám chữa bệnh. Song, số lượng bác sĩ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn, nhất là bác sĩ có tay nghề cao trong lĩnh vực điều trị. Bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nguồn nhân lực cho ngành y tế hiện nay chủ yếu thiếu đội ngũ bác sĩ, trong đó thiếu nhiều nhất ở các lĩnh vực chuyên khoa và y tế dự phòng. Đến thời điểm này, phần lớn các bệnh viện tuyến huyện đều thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, tai - mũi - họng. Còn với tuyến tỉnh, một số chủng loại: tim mạch, huyết áp, nội tiết, chuyển hóa, ung bướu, giải phẫu bệnh lý cũng đang cần bác sĩ. Đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa Lao, Tâm thần hay các bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu vùng xa như Ea Súp, Buôn Đôn, Lak, Krông Bông luôn ở trong tình trạng thiếu bác sĩ, trong khi công tác tuyển dụng lại gặp nhiều khó khăn do không có hồ sơ dự tuyển…”.
Điều dưỡng khoa ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang chăm sóc người bệnh. |
Có thể thấy, để có được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, cũng như “giữ chân” người tài thì “chiêu hiền, đãi sĩ” là những vấn đề hết sức cần thiết. Năm 2008, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với viên chức ngành y tế giai đoạn 2009-2013. Theo đó, các bác sĩ có bằng sau đại học về công tác tại địa phương sẽ được hưởng chế độ thu hút từ 10-25 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ lần đầu 10 triệu đồng và hỗ trợ hằng tháng 300-500.000 đồng đối với bác sĩ về công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế thuộc 5 huyện : M’Drak, Krông Bông, Lak, Ea Súp, Buôn Đôn và các bệnh viện Lao, Tâm thần, Trung tâm pháp y và Khu điều trị bệnh phong. Nhưng những năm qua số lượng cán bộ y tế có chuyên môn cao về công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn theo chính sách thu hút là rất hãn hữu. Đã vậy, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có gần 50 bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao rời bỏ bệnh viện công sang “đầu quân” cho y tế tư nhân. Có lẽ để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài chính sách thì một vấn đề khác không kém phần quan trọng là cơ chế, mà để có một cơ chế thông, thoáng, việc đầu tiên là phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện để các y bác sĩ triển khai được kỹ thuật, kiến thức của mình đã học; đồng thời phải xây dựng được môi trường làm việc dân chủ và tạo thu nhập tương xứng với trình độ tay nghề của y bác sĩ. Khi các vấn đề này được cải thiện thì tình trạng “khát” nhân lực chất lượng cao của ngành y tế mới bớt “nóng”.
Y sĩ, điều dưỡng mới tốt nghiệp: Đi đâu, về đâu?
Chưa bao giờ ngành Y tế tỉnh nhà lại đối mặt với thực trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ như hiện nay. Một nghịch lý đang diễn ra là trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao luôn khan hiếm thì mỗi năm lại có đến hàng trăm điều dưỡng, y sĩ, nữ hộ sinh tốt nghiệp hệ trung cấp “vác” hồ sơ đi khắp nơi nhưng vẫn không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Nguyễn Thị Hằng (huyện Cư M’gar) tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Trường Trung cấp Y tế Dak Lak (khóa 2010 – 2012), hiện đang làm phục vụ tại một quán cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột cho biết: hơn nửa năm qua, từ khi ra trường đến nay em đã nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi cả cơ sở y tế công lập lẫn tư nhân nhưng đều bị từ chối vì những lý do: “không có chỉ tiêu”, “đã tuyển đủ người”… Hơn 40 bạn cùng lớp H. cũng mới chỉ một số ít may mắn được nhận vào làm tại các phòng khám tư nhân còn đa số vẫn long đong tìm việc. Cũng phập phồng nỗi lo không có việc làm, Lê Văn Sơn (huyện Ea Kar), học sinh lớp y sĩ (khóa 2011-2013) chia sẻ: “Tháng 11 tới đây em tốt nghiệp ra trường nhưng nghe chừng xin việc rất khó, bởi bây giờ mỗi trạm y tế chỉ có chỉ tiêu 1 y sĩ, mà hầu như trạm nào cũng đã đủ. Trong khi số lượng học sinh ra trường mỗi khóa đều rất đông, chỉ tính riêng khóa của em cũng đã có 180 y sĩ. Nếu không xin được việc, có lẽ năm tới em sẽ tiếp tục thi vào Y đa khoa của Trường Đại học Tây Nguyên…”. Còn H’Mel Niê, bạn cùng lớp với Sơn lại thổ lộ: “Hiện giờ em vẫn chưa xác định được ra trường sẽ xin việc ở đâu, vì học sinh ra trường thì đông mà nơi làm việc thì ít. Đã vậy, em còn nghe các anh chị khóa trước nói, điều dưỡng trung cấp muốn có việc làm đúng ngành học thì phải có bằng tốt nghiệp loại giỏi, thế nhưng sức học của em không đạt được điểm số ấy nên không mấy tự tin sẽ có được việc làm ngay”.
Một nghịch lý là học sinh tốt nghiệp hệ Trung cấp y tế đang khủng hoảng thừa như vậy, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của Trường Trung cấp Y tế Dak Lak lại không hề giảm. Bác sĩ Trần Thư, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: “Chỉ tiêu tuyển sinh được tính quy đổi theo số giáo viên nhà trường hiện có, kể cả giáo viên cơ hữu và giáo viên hợp đồng. Do đó, trong 3 năm trở lại đây, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường luôn duy trì ở mức 540 học sinh/năm với 3 mã ngành y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh”. Trong khi đó, qua tìm hiểu được biết, mỗi năm nhu cầu của ngành Y tế tỉnh chỉ cần khoảng 200 chỉ tiêu hệ trung cấp. Như vậy, chuyện dôi thừa lao động hệ trung cấp trong ngành y tế là đương nhiên. Chỉ tính riêng 3 năm qua, đã có trên 1.000 học sinh tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Dak Lak thất nghiệp, ấy là chưa kể số học sinh được đào tạo theo chương trình liên kết giữa trường này với các trường trung cấp chuyên nghiệp khác trên địa bàn.
Phân tích tình hình chênh lệch cung - cầu của ngành Y tế, nhiều ý kiến cho rằng thực trạng này xuất phát từ nhiều phía, đầu tiên là công tác dự báo, định hướng đào tạo ngành nghề chưa sát, tiếp đến và việc mở ngành học quá dễ, đào tạo tràn lan. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Thư cho rằng: “Trước đây, công tác đào tạo của nhà trường luôn đặt nặng vấn đề cung-cầu, sau khi Luật Giáo dục ra đời quy định mọi người đều có quyền được đi học, rồi sự nở rộ của các trường trung cấp chuyên nghiệp, không riêng gì các trường đặc thù mà ngay cả các trường đa ngành cũng được phép đào tạo chuyên ngành sức khỏe nên việc đào tạo cũng phải thay đổi theo nhu cầu xã hội. Một thực tế, khi học sinh có nhu cầu học, nếu trường chúng tôi không đào tạo thì các em sẽ học ở trường khác, vậy thì tại sao mình không đào tạo để tạo điều kiện cho các em được học ngay tại địa phương, đỡ tốn kém chi phí…”.
Quả thực, với kiểu các trường thi nhau đào tạo theo nhu cầu xã hội, không chú ý đến nhu cầu của ngành Y tế, thì vấn đề giải quyết việc làm cho số học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp y tế mỗi năm đã khó lại càng thêm khó. Theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế: “Với con số khoảng 1.000 học sinh hệ trung cấp y được đào tạo mỗi năm ở cả trường công và trường tư thì vấn đề giải quyết việc làm cho các em hiện nay là một bài toán khó. Trên thực tế, để giải quyết tình trạng thất nghiệp của điều dưỡng, y sĩ, nữ hộ sinh sau khi tốt nghiệp ra trường thì cần phải hạn chế các lớp đào tạo liên kết. Thế nhưng, vấn đề này chỉ riêng ngành Y tế không thể làm được mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, nhất là ngành Giáo dục”. Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành cùng họp bàn tìm ra hướng giải quyết để tránh lãng phí một nguồn nhân lực lớn đã qua đào tạo của tỉnh nhà.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc