Vai trò của già làng trong đời sống cộng đồng người dân tộc thiểu số
Ngoài việc vận động cộng đồng trong buôn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, các già làng ở Dak Lak còn luôn phát huy tốt vai trò là chiếc cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số với chính quyền địa phương, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước… góp phần đem lại cuộc sống ổn định, ấm no, kinh tế phát triển cho cộng đồng.
Già làng Y Chơt Niê (buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đã nhiều năm liền là một điển hình xuất sắc trong công tác dân vận khéo ở thôn buôn. Bằng cách thức tuyên truyền khéo léo, có khi chỉ là cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hàng ngày, hay vận động bà con biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, chăn nuôi hiệu quả… mà già làng đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, chính quyền, khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế. Để vận động mọi người thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị - trật tự xã hội, thông qua các buổi họp dân hằng tuần, già làng Y Chớt thường kể lại cho đồng bào mình nghe những gì mà cán bộ tỉnh, huyện, xã động viên, nhắc nhở; luôn nêu cao cảnh giác, không nên tin và nghe lời kẻ xấu xúi giục, làm cho mọi người thấy rằng mình có được cuộc sống sung túc, no đủ như ngày hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, định canh- định cư, làm đường giao thông, chăm lo cho sức khoẻ cộng đồng…; những việc như chặt cây trong rừng, phát nương làm rẫy khi chưa được Nhà nước cho phép là vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, uống rượu say đánh đập vợ con là vi phạm Luật phòng chống bạo lực gia đình… Chính nhờ uy tín của mình cùng với sự ham tìm tòi học hỏi, già làng Y Chớt đã giúp cho cộng đồng dân cư trên địa bàn sinh sống và quản lý tiếp cận và thực hiện các văn bản pháp luật một cách hiệu quả, bền vững nhất. Già làng Y Chớt Niê cho biết, buôn Tu hiện có 188 hộ dân đều là người dân tộc Êđê, bà con luôn ý thức chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, chuyên tâm lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức thu nhập bình quân lên 15 triệu đồng/người/năm 2012 (cao hơn năm 2010 là 3 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo của buôn đã giảm từ 3-6% mỗi năm và đặc biệt không còn hộ đói.
Năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng già làng Y Thút Byă vẫn rất hăng hái với công tác xã hội trên cương vị là một người đứng đầu của buôn Tuor, xã Hòa Phú, (TP. Buôn Ma Thuột). Phát huy vai trò của mình, già làng Y Thút luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong buôn cùng chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), làm cho bộ mặt nông thôn thêm phần khang trang, đời sống người dân ngày một nâng cao. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình với 2 ha cà phê, 3 sào bắp, hằng ngày già làng Y Thút còn tranh thủ thời gian đến từng nhà trong thôn vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa tại khu dân cư, thực hiện đời sống mới, từ bỏ những hủ tục lạc hậu như tục thách cưới, ăn uống linh đình trong những dịp ma chay, cưới hỏi… và nhiệt tình tham gia các phong trào xây dựng NTM. Để bộ mặt nông thôn trên địa bàn ngày một đổi mới, già làng thường phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi bà con trong buôn đóng góp công sức, tiền của để xây dựng những cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, cùng nhau thi đua, phát huy nội lực của mình để xây dựng NTM. Trong năm qua, mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng người dân trong buôn đã đóng góp mỗi hộ 2 triệu đồng và hàng ngàn ngày công lao động, hàng héc ta đất để mở rộng, nâng cấp và bê tông hóa những tuyến đường nội buôn. Già làng Y Thút cho biết, quá trình vận động bà con trong buôn chung sức tham gia làm đường, trồng cây xanh, vệ sinh thôn xóm.. trong những ngày còn đầu gặp nhiều trở ngại, nhiều người còn chần chừ và có tư tưởng trông chờ ỉ lại, nhưng khi họ hiểu xây dựng NTM là mình phải tự làm, được Nhà nước hỗ trợ thêm một phần và chính bà con nhân dân mình là người hưởng lợi, nên họ đã nhiệt tình hưởng ứng. Từ hiệu quả bước đầu đó, đến nay bộ mặt nông thôn của buôn Tuor đang khởi sắc từng ngày. Riêng năm 2012, đã có 14/18 hộ trong buôn đã thoát nghèo, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu, toàn buôn có 100% điện, nước sạch để sử dụng, nhiều năm liền buôn Tuor được công nhận là buôn văn hóa cấp xã.
Già làng Y Kơt Niê (bìa trái) đang vận động các thanh niên trong buôn phải giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn hóa. |
Cũng như Y Thút Byă, già làng Y Ă Mlô, buôn Hồ B (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) luôn tích cực tham gia các công tác hòa giải, vận động thanh niên giữ gìn an ninh trật tự ở buôn. Để hoàn thành tốt vai trò của mình và tạo được sự tin tưởng của bà con, già làng Y Ă thường đến bưu điện xã, thư viện huyện Krông Năng tìm mượn những cuốn sách có liên quan đến pháp luật về đọc để trang bị thêm kiến thức, hiểu biết pháp luật cho mình. Bằng kinh nghiệm của bản thân, cộng với những kiến thức học qua sách báo, già làng Y Ă đã hòa giải thành công nhiều vụ xích mích, gây rối mất trật tự ngay trên địa bàn buôn. Hằng ngày, hễ nghe ở đâu trong buôn có gia đình nào xích mích hay những biểu hiện mất đoàn kết thì lập tức già làng đến khuyên răn, giải thích cho họ hiểu được cái đúng, cái sai. Do vậy, phần lớn các vụ gây mất trật tự hay đơn thư khiếu nại tố cáo đều được giải quyết ổn thỏa ngay tại buôn, ít có trường hợp phải vượt cấp. Già làng Y Ă Mlô chia sẻ: “Ngoài việc vận động bà con phát triển kinh tế, bản thân tôi còn kết hợp với UBND xã Ea Hồ đến từng hộ, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Bất cứ chuyện gì sai trái trong buôn, tôi đều tham gia hoà giải đến cùng, nên nhiều vụ đã giải quyết thành công, ổn thỏa, góp phần bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn”. Nhiều năm làm công tác hòa giải, già làng Y Ă đã hiểu hoàn cảnh của mỗi gia đình, mỗi người dân, luôn gần gũi với bà con, nói cho bà con nghe, chỉ cho bà con làm, vận động bà con thực hiện các phong trào ở địa phương; bài trừ và loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong nhân dân; giữ vững những nét đẹp và giá trị văn hoá truyền thống của dân làng; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tự vươn lên làm giàu.
Với những việc làm thiết thực, các già làng như những cây đại thụ giữa núi rừng Tây Nguyên. Ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh già làng vẫn luôn phát huy những mặt tích cực của mình, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, cùng nhau đoàn kết, bên cạnh việc giữ gìn những nét đẹp truyền thống của người dân tộc mình còn chung tay góp sức xây dựng cuộc sống mới, ấm no hạnh phúc trên quê hương của mình.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc