Đổi thay ở Ea Siên
Vừa qua tôi có dịp đưa một đoàn cán bộ của huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) vào thăm xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), nơi có nhiều bà con quê hương của họ đang lập nghiệp. Sau hơn một ngày ở lại thăm người nhà, được các đồng chí cán bộ xã giới thiệu, trao đổi, gặp gỡ, tâm tình, đoàn khách vô cùng xúc động, cảm phục bởi trước đây ở ngoài quê nhiều hộ gia đình thuộc diện “siêu nghèo”, cuộc sống chật vật, khó khăn là thế, vậy mà bây giờ cuộc sống của họ đối với bà con ngoài quê không thể so sánh được.
Hát then của đồng bào Nùng xã Ea Siên. |
Cách đây hơn 20 năm, khu rừng Dút toàn cây dầu đá và lau sậy um tùm nằm cách trung tâm Buôn Hồ hơn 20km nhưng ít người đặt chân tới. Một bộ phận dân cư khoảng hơn 50 hộ gia đình người Tày, Nùng từ 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng di cư vào lập nghiệp, khai phá đất hoang để làm nương rẫy. Những mái nhà tranh tạm mọc lên, những ngọn đèn dầu heo hắt và tiếng trẻ nhỏ khóc oe oe nghe đến não lòng. Trẻ em trong độ tuổi không được cắp sách đến trường, đồng bào sống trong cảnh tự cung, tự cấp, bệnh tật phần lớn là mời thầy cúng về đuổi ma, giải hạn. Người dân muốn đi chợ phải đi bộ hơn chục km đường rừng; cán bộ huyện muốn vào thăm dân cũng không thể đi xe vào được. Trước tình hình trên, UBND huyện Krông Buk lúc đó đã xin chủ trương của tỉnh và Trung ương cho thành lập xã mới lấy tên là xã Ea Siên (tên mà đồng bào Êđê đặt cho một con suối nhỏ chảy trong khu rừng Dút). Xã Ea Siên được thành lập năm 1992 lúc đó gồm hơn 50 hộ dân Tày, Nùng phía Bắc vào và toàn bộ Buôn Dlung của xã Thống Nhất, tổng cộng khoảng gần 300 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu, là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Không thể kể hết những vất vả, gian truân mà cán bộ và nhân dân Ea Siên lúc đó phải trải qua. Khi ấy người dân mỗi năm chỉ kiếm được dăm ba tạ bắp, vài chục ký đậu, nuôi vài con gà đủ sống qua ngày. Sau hơn 20 năm thành lập, nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự cần mẫn, vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trong xã, Ea Siên đã chuyển mình và trở thành một vùng đất trù phú, là vựa bắp và đậu của thị xã, dịch vụ, thương mại đang trên đà phát triển. Các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã được khôi phục, tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham gia; đời sống tinh thần của bà con đã thật sự đổi mới…
Từ trung tâm thị xã Buôn Hồ bây giờ vào Ea Siên chỉ còn khoảng hơn 15km, nếu đi theo con đường qua xã Ea Blang; còn nếu đi theo đường qua phường Thống Nhất thì khoảng hơn 20km nhưng toàn là đường nhựa, có đoạn đổ bê tông. Vừa vào đến đầu xã đã thấy những thửa ruộng bậc thang lúa nước đang lên đòng xanh mơn mởn, vài đàn vịt cỏ đang ngụp lặn, nô đùa. Đi qua cổng thôn văn hóa là những ngôi nhà xây cấp 4 nằm kề nhau, nhà nào cũng có sân xi măng rộng để phơi cà phê, đậu, bắp. Những đàn vịt bầu, con nào con nấy chừng 3kg lạch bạch chạy trong sân, thích mắt nhất là những đàn gà giống rất to được mang từ Lạng Sơn, Cao Bằng vào, nhiều con gà trống thiến béo tròn đang tranh nhau mổ những cùi bắp non đầu mùa. Gần đến UBND xã là chợ, điều đặc biệt là một số xã bên cạnh như Ea Drông, Ea Blang mở chợ xã không có người mua bán, vậy mà ở đây, người mua, người bán khá tấp nập với đủ loại hàng hóa: vải, quần áo may sẵn, đồ chơi trẻ em, dưa, bầu bí, rau quả các loại, lợn, gà…; lại có cả một vài quán nhậu nữa. Bí thư Đảng ủy Chu Văn Thành đã đón đoàn khách quê hương với thái độ hồ hởi, phấn khởi. Anh cho biết: Sau 21 năm thành lập, nhờ có Chương trình 135 của Chính phủ đối với xã đặc biệt khó khăn, hơn nữa bà con Tày, Nùng vào đây ai cũng chịu khó, tu chí làm ăn nên Ea Siên mới phát triển được như bây giờ. Khi thị xã Buôn Hồ được thành lập đã điều chỉnh lại địa giới xã Ea Siên, cắt Buôn Dlung về phường Thống Nhất. Cả xã giờ có 1.400 hộ, 7.150 khẩu; bà con Tày, Nùng chiếm trên 80%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện còn 11%, chủ yếu là số hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng từ Gia Lai di cư sang. 100% đường liên thôn đã được trải nhựa hoặc đá dăm; một số hộ gia đình liên kết, hùn vốn mở HTX như: HTX khai thác đá xây dựng; HTX dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu. Hằng năm cứ sau 2 vụ bắp, đậu là hàng đoàn xe tư thương vào thu mua, rất tiếc không có điểm thu mua nào của các doanh nghiệp nhà nước cả. Chương trình xây dựng nông thôn mới xã mới đạt được 5 tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2013 đạt 9 tiêu chí. Ở Cao Lộc (Lạng Sơn) có lễ hoặc hội gì thì ở đây có lễ, hội đó như: Tết Thanh minh; rằm tháng 7; rằm tháng 10; Tết âm lịch; đặc biệt là lễ hội Hảng Pồ (Chợ đồi) vào ngày 28 tháng Giêng hằng năm. Trước đây những lễ hội này được người dân tổ chức tự phát, sau này được thị xã và xã đứng ra tổ chức rất vui vẻ, thu hút đông đảo khách trong và ngoài huyện đến dự và hàng nghìn bà con Tày, Nùng ở các huyện lân cận như: Krông Pak, M’Drak, Ea Kar, Krông Năng cũng đến tham gia góp vui.
Buổi trưa hôm đó, do có sự chuẩn bị trước, các anh lãnh đạo xã tiếp khách bằng các món ăn truyền thống ở Lạng Sơn. Đầu tiên phải kể đến món lợn quay cả con với lá mắc mật (lá mắc mật ướp muối, tỏi cho vào bụng lợn khâu lại rồi mang lợn quay trên đống than củi cho da lợn thật vàng và giòn, thịt bên trong chín rục ăn không thấy ngấy), thịt heo quay chấm với xì dầu trộn với măng và quả mắc mật ngâm chua; tiếp đến là món thịt gà trống thiến, chặt to, miếng nào miếng nấy vàng ngậy chấm muối ớt. Ngon nhất vẫn phải kể đến món khau nhục, đây là món không thể thiếu trong các ngày lễ và các ngày hệ trọng của mỗi gia đình ở Lạng Sơn…
Anh Nguyễn Văn Minh, chủ tịch UBND xã Ea Siên cũng đã dẫn đoàn khách về thăm nhà. Một khu sinh thái lý tưởng đập vào mắt mọi người: ngoài cổng là 2 hồ cá lớn, xung quanh trồng toàn cây xanh, rễ rủ dài rất thích mắt, bên trong có 2 dãy nhà nghỉ mát trồng cây cổ thụ xung quanh, phía bên hông là 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo được thanh niên đến chơi liên tục, tạo nên một không khí hết sức vui nhộn. Sau đó các anh lãnh đạo xã còn đưa đoàn khách đến thăm một số gia đình bà con Cao Lộc trong xã. Chiều tối, đoàn khách mới xin phép ra về. Trước khi lên xe về Lạng Sơn, mỗi người một bao to đựng quà người nhà gửi tặng: nào cà phê, tiêu, mật ong, đậu đỗ các loại… Họ rất lưu luyến, bịn rịn và cảm nhận thật ấn tượng. Tôi biết một phần vì tình cảm nhưng đọng lại trong họ nhiều nhất đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ở địa phương đã cho bà con chiếc “chiếc cần câu cơm” để có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Ngô Trung Việt
Ý kiến bạn đọc