Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên - Nơi hình thành nên những dự án vì cộng đồng

15:55, 02/08/2013

Trong những năm gần đây, hoạt động xã hội đã và đang trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng giới trẻ. Các chương trình hoạt động tình nguyện của thanh niên như giúp đỡ người nghèo; bảo vệ môi trường, động vật hoang dã; giáo dục và nâng cao ý thức cho trẻ em v.v… ngày càng đa đạng và phát triển hơn. Được sự bảo trợ của Tỉnh Đoàn, trong thời gian qua, Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên đang dần trở thành một cầu nối giúp nhiều bạn trẻ hiện thực hóa được những ý tưởng dự án của mình.

Được tổ chức vào những ngày cuối tháng 7, Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên 2013 với chủ đề “Thay đổi để phát triển – Tương lai bắt đầu từ chính bạn” đã thực sự mang lại nhiều điều bổ ích cho các bạn trẻ khi tham gia chương trình này. Diễn đàn có sự tham dự của 30 bạn học sinh, sinh viên người dân tộc Êđê, M’nông, Tày… đang sinh sống và học tập tại các tỉnh: Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai và Lâm Đồng; cùng với các chủ đề: kỹ năng, văn hóa, môi trường và sẻ chia. Bạn Trần Công Minh, trú TP. Buôn Ma Thuột, hiện là sinh viên Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (Vũng Tàu) cho biết: “Trong ba ngày tham gia diễn đàn thực sự rất là bổ ích đối với em. Trước khi tham gia chương trình này, em chỉ hy vọng là em được kết nối và giao lưu học hỏi với bạn bè khắp nơi tại Tây Nguyên. Nhưng khi được trải nghiệm và nói lên suy nghĩ của mình, em thấy mình học được nhiều hơn. Các anh chị trong diễn đàn cũng đã hướng dẫn về cách làm những dự án và em nghĩ là mọi người cũng có thể thực hiện được những dự án của mình. Hy vọng rằng các bạn tham gia chương trình cũng sẽ có nhiều dự án giúp ích hơn cho tương lai và cho Việt Nam”.

Tham quan Nhà máy xử lý nước thải TP. Buôn Ma Thuột.
Tham quan Nhà máy xử lý nước thải TP. Buôn Ma Thuột.

Không chỉ chia sẻ và hướng dẫn các phương pháp làm một dự án, các thành viên trong ban tổ chức còn tổ chức cho các bạn nhiều chuyến đi thực tế như: thăm nhà của cố NSND Y Moan, tham quan Nhà máy xử lý nước thải TP. Buôn Ma Thuột; gặp gỡ, giao lưu những người nổi tiếng trên các lĩnh vực như nhạc sĩ Y Phôn Ksor; nhạc sĩ, nhà văn Linh Nga Niê Kdăm… Từ đó các em đã có dịp tìm hiểu rõ hơn về văn hóa các dân tộc bản địa, thực trạng về môi trường, tình trạng nguồn nước ở Tây Nguyên và cách sử dụng nước tiết kiệm… Thông qua đó chính các em sẽ nêu bật lên những ý tưởng để thành lập dự án của riêng mình và cùng thực hiện các kế hoạch đó. Em Phạm Thị Ái Diễm, học sinh Trường PTHH Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột), tâm sự: “Khi được giao lưu và tiếp xúc với nhạc sĩ Y Phôn Ksor em rất ấn tượng với cái “hồn” của các nghệ sĩ trong các bài hát về Tây Nguyên, mà cái “hồn” ấy ngày nay nhiều bạn trẻ như đã lãng quên, hoặc không còn để ý tới nữa, thế nhưng người nghệ sĩ vẫn tâm huyết, vẫn muốn giới thiệu các bài hát Tây Nguyên đến với mọi người và em thấy rất khâm phục điều đó”. Em Hồ Thị Khánh Ngân, học sinh Trường THPT Pleiku (Gia Lai), thì lại có rất nhiều băn khoăn khi âm nhạc Tây Nguyên chưa được truyền bá rộng rãi, em Ngân cho biết: “Em cũng có hỏi nhạc sĩ Y Phôn là có lo ngại khi sau này âm nhạc Tây Nguyên bị lãng quên hay không? Hoặc là bị biến đổi theo một cách khác mà không còn mang âm hưởng của Tây Nguyên nữa. Nhạc sĩ đã giải thích và tin tưởng vào chúng em, lớp trẻ sẽ có những cách tuyên truyền và phổ biến rộng rãi hơn nữa cho mọi người biết âm nhạc Tây Nguyên thực sự là thú vị”.

Không chỉ dừng lại ở việc tham quan, trải nghiệm, giao lưu học hỏi mà Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên còn là nơi để cho các em hình thành nên các ý tưởng để thực hiện các dự án phục vụ xã hội. Từ đó sẽ hướng dẫn cho các em những thủ tục cần thiết để làm hồ sơ, xin nguồn tài trợ của các tổ chức chính phủ và phi chính chủ, thông qua đó tạo nguồn kinh phí để thực hiện dự án của mình. Em H’in The, học sinh Trường Trung cấp Đam San, nhà ở huyện Lak thì trầm trồ trước công nghệ lọc nước của Nhà máy xử lý nước thải, khi được thấy nước thải được lọc thành nước sạch và thải ra môi trường để người dân dùng tưới cà phê, rau… Từ đó em đã tranh thủ tìm hiểu kỹ hơn về nhà máy, về công nghệ được sử dụng để xứ lý nước thải, H’in The tâm sự: “Em thấy ngay tại nơi em sống, người dân còn chưa hiểu hết được việc tái chế rác có tác dụng to lớn nên em mong muốn sẽ thực hiện được một dự án tái chế rác ngay chính tại quê hương huyện Lak của mình”. Em Ái Diễm thì hồ hởi khoe, sau khi tham gia diễn đàn em cùng sáu người bạn đang có dự tính thực hiện một diễn đàn về môi trường xanh, trồng rau sạch ngay tại TP. Buôn Ma Thuột, với mục đích là vừa giúp ích cho môi trường và làm kinh tế xanh. Thạc sĩ Phạm Tấn Hà, chuyên gia tài nguyên nước, cố vấn về kỹ thuật cho Hội đồng lưu vực sông Mê Kông cho rằng: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với các bạn trẻ của Diễn đàn Tây Nguyên và thấy rất bất ngờ khi có nhiều bạn tuổi còn trẻ nhưng đã có nhiều ý tưởng hay và táo bạo. Tôi hy vọng với những kiến thức đã trao đổi tại diễn đàn, cùng sự nhanh nhạy cũng như nắm bắt thông tin, thì những dự án của các bạn trẻ tại đây sẽ sớm được thực hiện và được nhân rộng ra là một điều rất tốt”.

Đây là năm thứ ba Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên được tổ chức và sau những lần tổ chức một số các dự án đã được lên ý tưởng và bắt đầu được thực hiện bởi chính các bạn thành viên tham gia diễn đàn như: Dự án “Tiếng cười trong veo” (Bring Smile to Children) nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn cho trẻ em ở các buôn làng Tây Nguyên; Dự án “All for children”: giáo dục về văn hóa, môi trường Tây Nguyên đến những em nhỏ từ 6 đến 11 tuổi qua các hoạt động ngoại khóa; Dự án “Bảo vệ sự sống”: giúp giới trẻ thấy được tầm quan trọng của sự sống, có kiến thức về tình dục an toàn nhằm giảm thiểu tình trạng nạo phá thai; Dự án “Xanh”: nâng cao hiểu biết, ý thức về môi trường xung quanh trong địa bàn các trường trung học ở tỉnh Dak Lak. Dự án “Môi trường không khói bụi” hướng tới việc thuyết phục các công ty, xí nghiệp giảm thiểu khói bụi thải ra môi trường, nâng cao hiểu biết của người dân về môi trường… Em Trần Thị Thanh Huyền, Trưởng ban dự án “Tiếng cười trong veo” cho biết, ngay sau khi tham dự Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2012, cùng với những ý tưởng hình thành và sự giúp đỡ của các thành viên trong ban tổ chức về những bước thực hiện dự án, lập ý tưởng, đến nay, dự án đã triển khai nhiều hoạt động tự gây quỹ như: bán báo dạo, thực hiện chương trình buổi du ca đường phố, chương trình quyên góp đồ cho trẻ em nghèo Tây Nguyên… Huyền hồ hởi khoe: “Trong tháng 8 tới đây, em và các bạn cùng với CLB tình nguyện Khát vọng xanh sẽ tổ ngày hội Tiếng cười trong veo, với mục đích mang những phần quà, phần học bổng khuyến khích các em học sinh nghèo vượt khó tại huyện Krông Ana, cũng như thực hiện những gian hàng trò chơi bổ ích, thú vị để các em có một ngày hội vui chơi đúng nghĩa, một mùa hè đáng nhớ không thể quên”.

Có thể nói Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên, được sáng lập và phát triển bởi một nhóm sinh viên xuất thân từ Tây Nguyên, có kinh nghiệm tham gia các tổ chức, chương trình thanh niên trong nước như Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam, Diễn đàn Thanh niên và phát triển bền vững… cùng với sự bảo trợ của Tỉnh Đoàn đang dần giúp bạn trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc nhiều hơn nữa với các hoạt động xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng các tỉnh Tây Nguyên. Bạn Nguyễn Lương Ngọc Diệp, Trưởng BTC Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên 2013, chia sẻ: “Mình mong muốn Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên sẽ giúp các bạn trẻ có điều kiện phát triển hơn, không chỉ hiểu hơn về các vấn đề văn hóa, môi trường ở Tây Nguyên mà còn liên kết và gặp gỡ thêm nhiều bạn trẻ khác trên khu vực Tây Nguyên và cả nước. Từ đó hình thành nên những dự án và sẵn sàng làm hết mình để mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng”.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc