Multimedia Đọc Báo in

Hiến máu cứu người - Nghĩa cử từ trái tim

17:11, 26/08/2013

Kỳ I: Thắp lên sự sống từ muôn giọt máu truyền

Nhiều em bé sinh ra đã bị thiếu máu bẩm sinh và suốt đời các em phụ thuộc vào những giọt máu truyền. Biết bao người phải trải qua cơn thập tử nhất sinh và đã có cơ may trở về với cuộc đời nhờ được cho máu kịp thời. Đã quá hiển nhiên nhưng cũng xin thêm một lần khẳng định: Máu là sự sống…

Những đứa trẻ suốt đời sống nhờ... truyền máu

“…Trong khi mọi người đang hối hả với cuộc sống bận rộn thì tại nhiều bệnh viện, có rất nhiều nỗi đau bệnh tật đang cần những giọt máu sẻ chia từ mọi người trong cộng đồng. Đối với riêng cháu từ khi lên 3 tuổi đã phát hiện ra bệnh và phải vào TP. Hồ Chí Minh để truyền máu. Năm 2003, Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Lak đã tách được khối hồng cầu, từ đó tới nay bình quân mỗi tháng cháu phải truyền máu 1 lần với 5 đơn vị máu, như vậy trong 10 năm cháu đã truyền 120 lần tương đương với 600 đơn vị máu. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, chúng cháu sống trong lo sợ về bệnh tật, cùng những cơn đau, cùng cảm giác cái chết cận kề nên hơn ai hết, chúng cháu biết mỗi giọt máu hiến tặng đáng quý hơn ngàn vàng. Nó chẳng những xoa dịu cơn đau, tạm thời đẩy lùi bệnh tật mà còn cho chúng cháu hy vọng được sống tiếp. Nhờ vào dòng máu hiến tặng của những tấm lòng nhân ái, chúng cháu có nghị lực để đấu tranh giành từng ngày sống với tử thần, có quyết tâm để không bao giờ gục ngã trong cuộc chiến đấu với những căn bệnh quái ác.

Xét nghiệm phản ứng hòa hợp trước khi truyền máu cho bệnh nhân tại Phòng Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Xét nghiệm phản ứng hòa hợp trước khi truyền máu cho bệnh nhân tại Phòng Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Máu cần thiết cho sự sống của bất kỳ ai, nhưng với một bệnh nhân đang cần truyền máu thì máu chính là chìa khóa quyết định họ được sống hay phải dừng lại cuộc sống. Gia đình và người thân bất lực khi không cùng nhóm máu, bác sĩ lo toan hối hả trông mong có máu hiến tặng để cứu lấy từng sinh mạng đặc biệt là với những bệnh nhân có nhóm máu hiếm, nhóm máu khó...”. Chúng tôi đã rơi nước mắt khi đọc những dòng tâm sự này của em Đỗ Minh Cường, năm nay 17 tuổi, hiện trú tại 56 Tô Vĩnh Diện, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), một bệnh nhân Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh). Suốt từ năm lên 3 tuổi đến nay, bệnh viện với Cường gần như đã trở thành ngôi nhà thứ 2 vì em phải thường xuyên vào đây truyền máu mỗi tháng để bảo đảm cho cuộc sống của mình. Bệnh tật đã ảnh hưởng khá nhiều đến học tập và sinh hoạt khi em thường phải xin nghỉ học để đi truyền máu. Thầy cô bạn bè, người thân đồng cảm, giúp đỡ, sẻ chia, tạo mọi điều kiện tốt nhất để em đến trường vui và học, không quá áp lực học hành. Anh Đỗ Hoài Thạch, bố của Cường chia sẻ: Trong năm học cuối cấp quan trọng này, gia đình cũng định hướng để Cường dự thi vào ngành nghề có liên quan đến y dược, đại học là mơ ước nhưng cao đẳng hay trung cấp nào đó cũng được. Bởi với tình trạng bệnh tật như vậy, vợ chồng anh chỉ mong Cường có thêm kiến thức để có thể tự chăm lo được cho sức khỏe của bản thân mình.

Cậu bé Cầm Bá Trường (thôn 11, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) - bệnh nhân Thalassemia - suốt 9 năm gắn liền với truyền máu để duy trì cuộc sống.
Cậu bé Cầm Bá Trường (thôn 11, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) - bệnh nhân Thalassemia - suốt 9 năm gắn liền với truyền máu để duy trì cuộc sống.

Cũng mang trong mình căn bệnh quái ác như Minh Cường, bé Vi Hoàng Vân Kiều (3 tuổi), thôn Tân Hiệp, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng là bệnh nhân đã quen mặt với tập thể y bác sĩ ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi lần anh Hoàng Văn Ban, bố của Vân Kiều tay xách nách mang ôm con vào viện, dù chưa thăm khám, bác sĩ đã có thể biết được phần nào tình trạng sức khỏe của bé. Anh Ban kể: Từ khi được 13 tháng tuổi, bé ốm nặng, sốt 2 tháng liền, hay quấy khóc, da xanh vàng, chạy chữa, uống đủ các loại thuốc cũng không khỏi. Hai vợ chồng quyết định vay mượn, gom được chút tiền rồi cho con đi xét nghiệm máu ở Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP. Hồ Chí Minh. Nghe bác sĩ nói con bị bệnh tan máu, không thể tự sản sinh và tổng hợp máu được, đây lại là căn bệnh hiện chưa có thuốc điều trị, mà phương cách điều trị duy nhất là phải truyền máu suốt đời, cả hai vợ chồng anh như thấy đất trời sụp xuống. Vợ anh khóc suốt ngày, chẳng muốn ăn uống gì. Nhưng nhìn con gái thơ ngây, cứ sau đợt truyền máu lại nô đùa, vui chơi bình thường như bao đứa trẻ khác, họ động viên nhau gắng gượng mà làm ăn để kiếm tiền vì việc chăm sóc, nuôi dưỡng con còn về lâu về dài. Từ ngày đó đến nay, cứ ¼ số ngày trong tháng, vợ chồng anh cắt cử nhau ôm con sống cùng bệnh viện. Mỗi lần đưa con đi truyền máu, nghe thông báo có đủ máu truyền là họ lại như cây khô hạn được tưới nước hồi sinh. Nguồn máu truyền thiếu, phải chờ, phải đợi, nhìn con dày vò trong cơn đau, lòng vợ chồng anh đau quặn thắt.

Biết bao bệnh nhân đã được cứu sống từ nghĩa cử hiến máu cứu người.
Biết bao bệnh nhân đã được cứu sống từ nghĩa cử hiến máu cứu người.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hằng năm, Khoa Nhi tiếp nhận không ít bệnh nhân bị bệnh Thalassemia. Cụ thể, năm 2008, đã tiếp nhận và điều trị cho 123 lượt bệnh nhân; năm 2009: 115 lượt; năm 2010: 226 lượt; năm 2011: 298 lượt; năm 2012: 342 lượt và 6 tháng đầu năm 2013 là 207 lượt. Những bệnh nhân này suốt đời phải sống nhờ vào máu truyền, thời gian truyền máu tỷ lệ nghịch với độ tuổi. Công tác điều trị cho bệnh nhân Thalassemia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn máu, trong đó khó khăn nhất là những bệnh nhân có nhóm máu hiếm. Đã có những lần, cán bộ, công nhân viên trong Khoa tham gia hiến máu để kịp thời cứu bệnh nhân.

Nhờ máu vượt cơn thập tử nhất sinh

Các y bác sĩ công tác tại Phòng Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh – nơi thực hiện công việc tiếp nhận, sàng lọc, bảo quản và cung cấp máu cho các cơ sở y tế - không thể nhớ nổi mỗi năm có bao nhiêu bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh đã được truyền máu. Nhưng chắc chắn, nhờ được truyền máu kịp thời, đã có rất nhiều người đã được cứu sống, trở về với cuộc đời. Như trường hợp của anh Đinh Ngọc Duy (huyện Krông Bông) là một ví dụ. Cách đây 3 năm, anh Duy được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với vết thương thấu tim. Mất máu quá nhiều đến nỗi tưởng như anh đã không thể qua khỏi. Thật may mắn là anh đã được truyền máu kịp thời, 12 đơn vị máu được nhận đã mang đến cho anh sự tái sinh. Hay như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Hồng Thanh ở tổ 3, phường Thành Công (TP.Buôn Ma Thuột) nhập viện vào ngày 18-11-2012 vì bệnh u xơ tiền liệt tuyến gây chảy máu cấp. Nếu không được truyền đến 18 đơn vị máu, có lẽ anh Thanh đã không có cơ hội trở về với gia đình.

Khoa Sản có lẽ là một trong những khoa có số lượng bệnh nhân phải truyền máu nhiều nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đã có không ít ca sản phụ bị các biến chứng phải truyền máu, chẳng hạn như trường hợp sản phụ Phạm Thị Huê (35 tuổi) ở đường Y Wang (TP.Buôn Ma Thuột) bị băng huyết sau sinh và không thể cầm máu được ngay cả khi đã được mổ thắt tĩnh mạch. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật lần nữa cắt bỏ toàn bộ tử cung đồng thời tiến hành truyền 11 đơn vị máu để cứu sống sản phụ. Cùng thời gian với chị Huê, một sản phụ khác là chị Nguyễn Thị Thơ (huyện Ea H’leo) sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị mất máu nhiều cũng phải truyền tới 13 đơn vị máu. Hay mới đây nhất, đầu tháng 8-2013, một sản phụ bị băng huyết với chứng máu không đông cần lượng máu truyền lớn đến mức bệnh viện phải huy động người có cùng nhóm máu A đến để truyền máu trực tiếp. Đã có nhiều người đến cho máu và số lượng máu truyền lên đến 18 đơn vị. Sau đó, do tình hình bệnh diễn biến phức tạp, sản phụ đã được chuyển viện đi TP.Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Văn Hóa, Điều dưỡng trưởng Phòng Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, nguồn máu cần trong công tác điều trị bệnh tại các cơ sở y tế rất lớn, hiện nay chủ yếu là máu hiến từ những người tình nguyện.

 Đàm Thuần – Hồng Thủy

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.