Multimedia Đọc Báo in

Số hóa thư viện – Nét mới trong văn hóa đọc

17:03, 26/08/2013

Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì văn hóa đọc cũng có nhiều thay đổi. Sách, báo, truyện điện tử… hay còn được gọi là e-book được truyền tải lên Internet ngày càng nhiều và thu hút một lượng lớn độc giả. Đứng trước xu thế đó, trong những năm gần đây, Thư viện tỉnh Dak Lak đã và đang tiến hành số hóa nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân.

Những năm trước đây, hoạt động của thư viện mang tính chất truyền thống, độc giả muốn đọc hoặc mượn sách đều phải đến thư viện và tự tra cứu những thông tin về sách báo trên các tủ mục lục. Từ năm 1993, Thư viện tỉnh đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, nhưng ngày đó hoạt động còn rất sơ sài, cả thư viện chỉ có một máy tính vừa làm công tác nghiệp vụ, vừa in các phích cho tủ mục lục truyền thống. Tới năm 2004, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tài trợ cho Thư viện tỉnh Dak Lak một máy chủ, sáu máy trạm để xây dựng mạng LAN, cùng phần mềm: Quản trị Thư viện tích hợp để dần dần ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ cho bạn đọc. Trong quá trình ứng dụng thư viện Dak Lak đã xây dựng được ba cơ sở dữ liệu về phụ lục, bao gồm: các bài, trích từ báo chí của các tờ báo trong và ngoài tỉnh viết về địa phương; sách và tài liệu địa chí viết về địa phương. Từ đây, bạn đọc đã tiện lợi hơn khi có thể tự tra cứu thông tin trên máy tính tại thư viện.

Số hóa sẽ giúp độc giả tiện lợi hơn trong việc tra cứu thông tin về sách, báo... tại các thư viện.  Trong ảnh: Các độc giả nhí đọc sách tại thư viện huyện Ea H'leo.
Số hóa sẽ giúp độc giả tiện lợi hơn trong việc tra cứu thông tin về sách, báo... tại các thư viện. Trong ảnh: Các độc giả "nhí" đọc sách tại thư viện huyện Ea H'leo.

Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển như vũ bão của các hình thức công nghệ và việc ứng dụng thông tin, đặc biệt là sự phát triển của sách điện tử trên mạng Internet, cũng như các thiết bị đọc sách cầm tay tiện dụng như: Kindle, Sony PRS-950... đến 2008, Thư viện tỉnh lại tiếp tục phát triển thư viện điện tử. Sau khi hoàn thành những cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc số hóa thì vào năm 2012, Thư viện tỉnh đã hoàn thành và đưa Dự án Thư viện điện tử vào hoạt động, với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã trang bị cho các thư viện trên toàn tỉnh bao gồm: 2 máy chủ cỡ lớn hiện đại và 60 máy trạm cho Thư viện tỉnh và 13 máy trạm cho 13 thư viện huyện được cài đặt các phần mềm tích hợp. Tất cả 13 máy của các thư hiện huyện đã được chính cán bộ chuyên môn của Thư viện tỉnh đưa xuống cài đặt. Để sử dụng thư viện điện tử được hiệu quả, các máy tính đều được tích hợp phần mềm Quản trị Thư viện tích hợp ILIB phiển bản mới nhất 4.0, với nhiều tiện ích phục vụ cho công tác xử lý nghiệp vụ, ứng dụng cho bạn đọc. Ngoài việc ứng dụng phần mềm, Thư viện tỉnh còn xây dựng và hình thành được một trang điện tử: thuvientinhdaklak.com.vn cho thư viện. Trong đó, gần 150.000 bản sách tại thư viện đã được số hóa ở dữ liệu thư mục và chuyển vào trang điện tử, từ đó bạn đọc có thể tra cứu mọi lúc mọi nơi để sau đó lên thư viện mượn sách. Và Thư viện tỉnh cũng đang tiến hành số hóa các tài liệu viết về địa phương trên sách, báo, địa chí có giá trị về lịch sử, văn hóa để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Bạn Đinh Thị Thu Hà, trú đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Là một độc giả lâu năm của thư viện ngay từ hồi sinh viên, đến nay những đổi mới của thư viện đã giúp tôi rất nhiều trong việc tra cứu các thông tin về sách. Tôi có thể ở nhà thông qua máy vi tính và tra cứu những cuốn sách cần thiết để từ đó lên trực tiếp thư viện và mượn, không mất thời gian tra cứu thủ công tại các tủ mục lục như trước đây”.

Không dừng lại ở đó, Thư viện tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thành Phòng đọc điện tử Đa phương tiện (Multimedia) vào tháng 7-2013, với 32 máy tính phục vụ cho bạn đọc, cùng 6 máy tính được đặt tại Phòng đọc, Phòng mượn và Phòng thiếu nhi để phục vụ công tác tra cứu thư mục tại chỗ hoặc ở nơi khác. Cùng với sự phối hợp của trang điện tử www.tailieu.vn, thì dữ liệu được số hóa và được đẩy lên trang điện tử của Thư viện tỉnh Dak Lak đã vào khoảng 8.500 tài liệu, với nhiều lĩnh vực. Từ đó, Thư viện tỉnh sẽ cung cấp cho bạn đọc một mã thẻ, mà độc giả có thể tra cứu, tìm sách và tải sách xuống máy vi tính, thông qua mạng Internet mọi lúc, mọi nơi. Bạn Lê Văn Quang, trú thị trấn Ea T’linh, huyện Cư Jút (tỉnh Dak Nông) hào hứng: “Giờ chỉ cần đăng ký 130.000 đồng các loại thẻ, tôi có thể lên mạng ở mọi nơi từ đó đọc và tải xuống những sách, báo và tài liệu ngay chính trên trang web điện tử của Thư viện tỉnh Dak Lak, thật là vô cùng tiện lợi”. Ông Nguyễn Văn Bình, trú đường Nay Der (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng:

“Trước đây tôi có thói quen lên thư viện mượn sách và thấy rằng trong nguồn sách tại Thư viện tỉnh có những cuốn sách quí. Giờ đây với việc sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị hiện đại thì thư viện nên số hóa các dữ liệu của những cuốn sách hay, quí để bảo quản và truyền tải đến với được độc giả được nhiều hơn”.

Tuy nhiên, cái khó của hoạt động thư viện trong những năm trở lại đây là sự phát triển mạnh mẽ của internet, truyền hình cáp, truyền hình internet từ đó có sự canh tranh gay gắt về áp lực cung cấp thông tin. Theo bà Phạm Thị Kim, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Dak Lak cho biết, thời gian qua đội ngũ cán bộ của thư viện cũng đã làm hết sức mình để bổ sung, thu thập thêm và lưu giữ những nguồn tài liệu quí. Ngoài ra, Thư viện tỉnh cũng đã được tham gia vào Giai đoạn 2 Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” (Dự án BMGF-VN) do Quỹ Bill & Melinda gates (Hoa Kỳ) tài trợ vào tháng 7-2013. Tại tỉnh Dak Lak, dự án sẽ tài trợ cho Thư viện tỉnh Dak Lak 40 máy tính, trong đó có 20 máy đào tạo và 20 máy cho độc giả truy cập internet; 12 thư viện huyện mỗi huyện được 10 máy; 15 thư viện xã mỗi xã được 5 máy và 27 điểm thư viện công cộng, với tổng kinh phí vào vào khoảng 50 triệu USD cho cả nước. Các máy tính đều có các chương trình ngăn chặn khi truy cập vào những trang điện tử không lành mạnh. Nội dung chương trình sẽ do nhà tài trợ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp. Hiện Thư viện tỉnh đang kiểm tra, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bố trí nhân sự cũng như các điều kiện khác để đưa dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Từ đó có thể thu hút sự quan tâm của độc giả đến với Thư viện tỉnh trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc