Mạng xã hội: Coi chừng “lợi bất cập hại”
Trong thời buổi “bùng nổ” các mạng xã hội như hiện nay, “Địa chỉ Facebook của bạn là gì?”, “Bạn có Twitter không?” đã trở thành câu chào hỏi xã giao của nhiều bạn trẻ. Quả thật, chỉ cần vài bước đăng ký đơn giản, người dùng đã có thể “kết nối với thế giới” qua mạng xã hội. Song, cũng chính bởi khả năng kết nối cao ấy, nếu không cẩn trọng, người sử dụng có thể trở thành “nạn nhân” của chính mạng xã hội…
Những nguy cơ tiềm ẩn
Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại cho người sử dụng. Có người đã ví von: tìm người quen trên Facebook còn dễ hơn ngoài đời! Với khả năng kết nối cao, lại thường xuyên nâng cấp, bổ sung các tính năng mới, mạng xã hội Facebook trở nên phổ biến đến mức nếu ai đó không có tài khoản trên mạng xã hội này sẽ bị coi là “ngố”, “lạc hậu” và “cần xóa mù”. Thế nhưng, ít ai lường được rằng chính khả năng kết nối ấy là một “con dao hai lưỡi”, rất dễ “đứt tay” nếu sử dụng bất cẩn.
Bị lấy cắp thông tin cá nhân, hình ảnh… là một trong những nguy cơ lớn nhất khi tham gia mạng xã hội. Cách đây chưa lâu, một người bạn của người viết bài này đã rất bực mình khi phát hiện hình cô con gái dễ thương của mình đăng trên Facebook bị một tờ báo điện tử “chôm” làm ảnh minh họa cho một bài viết mà không xin phép khổ chủ. Chị đã khiếu nại đến tờ báo và ảnh con gái chị được rút xuống. Rút kinh nghiệm, mỗi khi chia sẻ những hình ảnh mang tính chất cá nhân, chị hạn chế “vòng kết nối” trong số những bạn bè thân thiết, tin cậy. Nghiêm trọng hơn, đã có không ít người bị lừa tiền bởi mánh khóe của những tin tặc. Chúng tìm cách lừa lấy tài khoản Yahoo hoặc Facebook rồi xâm nhập vào danh sách bạn bè của người dùng, giả vờ chat và lừa đảo bằng cách nhờ mua thẻ điện thoại, mượn tiền bạc… Chị Hoàng Ngọc Đồng An, một Việt kiều đang sống ở Thụy Sĩ, từng gặp phải trường hợp này và may mắn chưa bị lừa nhờ “cảnh giác cao độ”. Bởi khả năng chia sẻ thông tin rộng (không chỉ người trong danh sách bạn bè (friendlist) của người sử dụng mà cả những người không quen biết cũng có thể đọc) của các trang mạng xã hội, đã từng có nhiều cảnh báo về việc kẻ xấu có thể lợi dụng những thông tin ấy. Ngoài nguy cơ để lộ những thông tin cá nhân (tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng…), những thông tin bình thường vẫn được chia sẻ giữa bạn bè như chuyện vừa sắm xe, điện thoại mới, "check-in" địa điểm mỗi khi về nhà, đến công ty hay đăng ảnh cả nhà đang đi du lịch, nếu có âm mưu từ trước (hoặc bỗng dưng nổi lòng tham khi nhìn thấy tài sản giá trị), kẻ xấu sẽ không khó tập hợp thông tin về thành viên Facebook đó như họ sống một mình hay với ai, đi làm vào thời gian nào, ở đâu... và lên kế hoạch đột nhập khi chủ nhân khoe trên mạng là đang không ở nhà (đi công tác, đi chơi, đi ăn ở ngoài).
Không chỉ là nguy cơ bị lấy cắp hay lợi dụng thông tin, đã có trường hợp người tham gia mạng xã hội bị lợi dụng cả lòng tốt. Mới đây, các bà mẹ tham gia Hội những người nuôi con bằng sữa mẹ trên mạng Facebook bàn tán xôn xao về trường hợp một thành viên đã mưu lợi từ tình trạng bệnh tật của chính con trai mình. Người mẹ có cậu con trai mới vài tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh và đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn đã đăng những lời lẽ thống thiết lên Facebook. Tình cảnh ấy đã làm nhiều thành viên rơi nước mắt và ngay lập tức có hành động hỗ trợ: gửi tiền, quà, giới thiệu bệnh viện và bác sĩ… cho người mẹ ấy. Chỉ trong một đêm, số tiền hỗ trợ đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền vượt quá cả chi phí cần thiết để chữa bệnh cho con trai, người mẹ ấy đã có những hành động không minh bạch khiến nhiều thành viên nghi ngờ. Và rồi, khi vỡ ra rằng lòng tốt của mình đã bị lợi dụng, rất nhiều người đã coi đó là một bài học lớn là không nên tin vào những lời lẽ thống thiết trên mạng xã hội một cách mù quáng mà không kiểm chứng và làm từ thiện mà không suy xét cũng là điều không nên.
Việc quá “sa đà” vào mạng xã hội còn dễ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống, thậm chí tạo ra cú sốc lớn về tinh thần cho người dùng từ nhiều tình huống. Trường hợp một nữ sinh ở Đà Nẵng bị nói xấu trên Facebook và đã phải nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng xảy ra gần đây là một ví dụ. Hoặc đau lòng hơn, cũng mới đây thôi, ở nước ngoài đã có trường hợp một cô gái tự tử sau khi đọc những lời bình luận miệt thị, xúc phạm bởi cô gái này bị bệnh trứng cá và đã đăng trên mạng xã hội với mong muốn nhận được lời khuyên cho căn bệnh của mình.
“Tỉnh táo” để không trở thành “nạn nhân”
Cần khẳng định rằng, để không gặp phải những nguy cơ kể trên và trở thành “nạn nhân” khi tham gia các mạng xã hội phụ thuộc rất lớn vào sự “tỉnh táo” của bản thân người dùng. Xác định “mạng chỉ là thế giới ảo, là phương tiện để giải trí, kết bạn chứ không phải là đời sống thật” để tránh “sa đà”, chìm đắm trong đó đến mức coi tất cả mọi thông tin, chia sẻ, hình ảnh trên mạng là thật. Tránh chia sẻ những thông tin riêng tư, hình ảnh nhạy cảm hoặc tin tưởng mù quáng vào những gì người khác đăng trên mạng mà không kiểm chứng thông tin ngoài đời. Khi nhận được lời mời kết bạn trên mạng xã hội, nên kiểm tra về thông tin của người đó (qua profile trên trang cá nhân của họ), nếu cảm thấy không phù hợp hoặc có gì bất ổn thì nên từ chối.
Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhất là khả năng tập hợp của nó. Đã có rất nhiều hội, nhóm, fanpage (trang người hâm mộ) hay, bổ ích trên các mạng xã hội như Facebook, Zingme… với nhiều hoạt động ý nghĩa, chẳng hạn như rủ nhau đi làm từ thiện, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, chia sẻ về những đam mê, sở thích chung, trao đổi kinh nghiệm nuôi con hoặc đơn giản chỉ là kêu gọi thành viên treo cờ, đổi avatar (hình đại diện) mang màu cờ vào những dịp lễ trọng đại của đất nước. Bởi thế, nên chăng, để tránh những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, các tổ chức như Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên có thể sử dụng mạng xã hội như một kênh để tập hợp đoàn viên, thanh niên gắn kết hơn với hoạt động Đoàn?
Hải Như
Ý kiến bạn đọc