Multimedia Đọc Báo in

Phong trào nuôi “Heo đất” giúp bạn đến trường: Bồi dưỡng lòng nhân ái trong các em

09:39, 06/09/2013

Phong trào "Tiết kiệm" nuôi heo đất giúp bạn nghèo đến trường từ lâu đã trở thành một trong những hoạt động thường niên của các liên đội trường học trên địa bàn huyện Krông Ana. Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục tính tiết kiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng, mà đây còn là việc làm thiết thực giúp nhiều học sinh nghèo đến trường, cùng hướng tới tương lai.

Niềm vui của các em học sinh khi đập heo đất để ủng hộ bạn nghèo.
Niềm vui của các em học sinh khi đập heo đất để ủng hộ bạn nghèo.

Trường THCS Buôn Trấp (huyện Krông Ana) từ nhiều năm nay đã trở nên quen thuộc với phong trào "Tiết kiệm" nuôi heo đất. Theo đó, mỗi lớp nhận nuôi một con heo; hàng ngày, học sinh nào có điều kiện thì sẽ tiết kiệm từ tiền ăn sáng, quà vặt để cho heo "ăn”, việc ủng hộ hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Mỗi khi “mổ” heo, số tiền ấy đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.

 Nhắc đến hoàn cảnh gia đình em Trần Thị Huyền (lớp 9A5), không chỉ thầy cô giáo mà các học sinh trong trường đều ái ngại, cách đây 3 năm, bố bị bệnh ung thư gan qua đời, hai năm sau người mẹ cũng mất vì căn bệnh này để lại hai anh em Huyền đang tuổi ăn, học trong căn nhà tranh không mấy lành lặn. Bản thân Huyền cũng mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, nhưng em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học. Để giúp Huyền tiếp tục đi học, nhà trường đã trích từ số tiền nuôi heo đất hỗ trợ em 300.000 đồng/tháng (từ tháng 3-2012 đến tháng 8-2014). Không chỉ thế, trước đó Liên đội Trường THCS Buôn Trấp đã phát động quyên góp trong toàn trường và thu được số tiền hơn 7 triệu đồng ủng hộ gia đình em. Huyền chia sẻ: Hiện giờ em sống cùng với anh trai cũng đang đi học, những tưởng con đường học vấn của em sẽ đứt đoạn khi không còn bố mẹ, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn học sinh trong trường nên em đã không còn nghĩ đến chuyện phải bỏ học. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng thầy cô và các bạn".

Từ số tiền "Tiết kiệm" nuôi heo đất, Liên đội trường không chỉ giúp đỡ riêng Huyền mà nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác cũng thường xuyên được hỗ trợ, như em Nguyễn Thị Minh (lớp 8A4). Dù bị khuyết tật bẩm sinh, nhưng Minh luôn đạt học sinh giỏi. Bên cạnh việc thường xuyên trao tặng học bổng để động viên em đến trường, các bạn học sinh trong lớp còn thay nhau cõng bạn từ ngoài cổng trường vào lớp, và ngược lại để giúp đỡ mẹ Minh trong việc đưa đón con. Theo thầy Đặng Văn Sơn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Buôn Trấp, từ phong trào tiết kiệm nuôi heo đất, mỗi năm Liên đội đã quyên góp trên 10 triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ nhiều bạn học sinh nghèo vượt khó, có thành tích học tập tốt. Ngoài ra, Liên đội trường còn phát động nhiều phong trào, kế hoạch nhỏ khác giúp các bạn nghèo...

Với Liên đội Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana), mỗi năm nhà trường tiến hành 2 đợt “mổ heo”. Số tiền thu được sẽ dùng vào việc trao học bổng, tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó học tốt trong trường. Nhiều năm liên tục được nhận học bổng từ phong trào "Tiết kiệm" nuôi heo đất, em Phan Phước Trí phấn khởi cho biết: bản thân em bị khuyết tật, nhưng em luôn muốn được đến trường để tương lai tươi sáng hơn. Nhờ sự hỗ trợ, động viên của các thầy cô giáo và các bạn học sinh nên em luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Thầy Nguyễn Duy Tuấn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Đình Chinh chia sẻ: “Học sinh của nhà trường hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nhưng các em vẫn nhiệt tình, tích cực tham gia phong trào tiết kiệm nuôi heo đất".

Là một trong những học sinh tích cực hưởng ứng phong trào tiết kiệm nuôi heo đất, em Nguyễn Đại Hoàng (trường THCS Buôn Trấp) tâm sự: "Qua phong trào nuôi heo đất gây quỹ giúp bạn nghèo em thấy rất vui, vì đây là việc làm có ý nghĩa và mang tính nhân văn. Trước đây thay vì dùng số tiền bố mẹ cho để ăn quà vặt hay chơi game thì bây giờ em dùng để "nuôi" heo đất của lớp, giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường". Được biết, trong đợt quyên góp ủng hộ gia đình em Huyền, Hoàng đã đóng góp 50.000 đồng từ số tiền tiết kiệm của mình. Anh Nguyễn Doãn Quốc Tuấn, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Krông Ana cho biết: "Từ phong trào Tiết kiệm qua nuôi heo đất, các liên đội trường học trên địa bàn huyện đã giúp đỡ nhiều học sinh nghèo tiếp tục đến trường; qua đó giáo dục truyền thống tương thân, tương ái trong các em học sinh, giúp những bạn có hoàn cảnh kém may mắn, có thêm niềm tin, nghị lực vững bước trên con đường học vấn của mình".

Để phong trào nuôi heo đất tiết kiệm đạt hiệu quả, vào các buổi chào cờ đầu tuần, các liên đội tích cực tuyên truyền trong các bạn học sinh, trong đó nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa của phong trào và việc giáo dục truyền thống “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, các liên đội còn thường xuyên tuyên dương học sinh tham gia phong trào tích cực trong giờ chào cờ hay các dịp lễ, tổng kết. Nhờ đó, trong năm học 2012-2013, Hội đồng Đội huyện Krông Ana đã giúp đỡ được hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.