Tình người trong mưa lũ
Cơn bão số 8 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời tiết của Dak Lak. Từ ngày 11 đến 18-9 mưa to kéo dài trên diện rộng đã khiến nhiều vùng trong tỉnh bị úng ngập nặng. Đặc biệt, có 4 huyện bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra, gồm: Ea H’leo, Ea Súp, Krông Buk và Krông Năng; trong đó thiệt hại nặng nhất là huyện Ea Súp với 2 người chết và 6 người mất tích, 2.131 ngôi nhà bị ngập, 2.150 hộ dân phải di dời, hàng nghìn héc ta hoa màu bị úng ngập…
Đồng chí H’Ngăm Niê Kdăm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và đồng chí Võ Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo trao quà tặng gia đình người bị nạn do mưa lũ tại xã Ea Khal. Ảnh: Hoài Nam |
Mưa lũ đã qua đi, các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, có một điều còn đọng mãi trong tâm trí chúng ta là tình người sáng ngời trong mưa lũ. Đó là việc quên mình cứu người, cứu tài sản của các chiến sĩ công an, quân đội, bộ đội biên phòng; là những tấm gương thương yêu, đùm bọc nhau trong hoạn nạn của người dân; là sự quan tâm chỉ đạo, động viên kịp thời của lãnh đạo các cấp đảng, chính quyền…Cảm động biết bao hình ảnh 12 chiến sĩ Công an huyện Ea Súp mặc dù đêm tối, nước chảy xiết cuốn theo nhiều cây cối có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì sự an toàn của người dân, các anh đã nỗ lực hết sức, và sau 17 tiếng vật lộn với nước lũ, các anh đã đưa được 28 người dân bị cô lập tại khu vực suối Khanh (xã Cư Kbang) giáp với huyện Ea H’leo vào bờ an toàn. Đó còn là hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 735 đóng trên địa bàn huyện Ea Súp, khi chiều 18-9, nhận được điện từ đồn kiểm soát biên giới Ô Liêu (nước bạn Campuchia) thì ngay lập tức, Đồn đã cử lực lượng cùng phương tiện xuồng máy nhanh chóng băng lũ sang biên giới tiếp cận cứu hộ. Tại đồn Ô Liêu, lực lượng cứu hộ đã cứu được 1 cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia đang bị nước lũ cô lập trong đồn cùng 3 quân nhân khác của đồn đang bị nước lũ bao vây ở các chốt dọc biên giới.
Ngay khi mưa lũ còn đang hoành hành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện cũng đã kịp thời có mặt tại các địa phương trọng điểm để thăm hỏi, động viên bà con; đồng thời chỉ đạo việc khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Đồng chí Hoàng Trọng Hải- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh về địa bàn Ea Súp, trực tiếp đến kiểm tra thực tế tại một số trọng điểm bị ngập lụt tại xã Ia T’mốt, địa bàn chịu ảnh hưởng nặng do lũ lụt. Tại đây, đồng chí Chủ tịch đã yêu cầu địa phương phải tích cực huy động lực lượng 4 tại chỗ tiếp tục tìm kiếm những người còn bị mắc kẹt; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục khó khăn sau lũ để ổn định sản xuất, tuyệt đối không để nhân dân đói, ốm đau sau lũ. Chia sẻ những mất mát của những gia đình bị thiệt hại, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 5 triệu đồng đối với người chết và 3 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ lương thực thực phẩm kịp thời cứu đói cho dân. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã hỗ trợ 20 triệu đồng giúp huyện giải quyết 1 phần khó khăn cho người dân bị thiệt hại trong đợt lũ. UBND huyện Ea H’leo hỗ trợ 2 triệu đồng đối với các hộ bị sập nhà. Tại cuộc họp sáng 20-9 với các địa phương bị thiệt hại do trận lũ lụt vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã quán triệt: Vấn đề quan trọng nhất hiện tại là phải giúp dân có cái ăn, bằng mọi giá không được để dân đói. Cùng với đó, ngành y tế phối hợp với các địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh sau lũ, tuyệt đối không để dịch bệnh xảy ra trên người; đồng thời tìm mọi biện pháp ổn định chỗ ở cho dân, đặc biệt là những gia đình bị trôi nhà cửa, tài sản…
Thiên tai, bão lũ, hạn hán đã, đang và sẽ còn xảy ra. Tất cả chúng ta đều không ai mong muốn điều này. Song, có một điều chúng ta tin rằng: trong thiên tai, hoạn nạn tình người đã, đang và sẽ mãi ngời sáng, như đạo lý ngời sáng của dân tộc Việt Nam: Thương người như thể thương thân!
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc