Quản lý thực phẩm chức năng: Ngành chức năng “bó tay”?
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) của người dân đang ngày một nhiều, điều này cũng kéo theo sự bát nháo cả về giá cả, chất lượng và quảng cáo sai lệch công dụng thật. Tình trạng này khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quản lý, còn người tiêu dùng bị nhầm lẫn dẫn đến “tiền mất, tật mang”…
Cường điệu hóa công dụng
Phiền lòng với vết nám trên da mặt, chị T.T.H (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tìm đến người bạn là chủ một quầy thuốc Tây để nhờ tư vấn chữa trị. Tại đây, chị được cô bạn giới thiệu sử dụng một loại TPCN có nguồn gốc từ Nhật Bản do một công ty ở Việt Nam nhập khẩu và phân phối, chỉ cần dùng đủ 9 lọ (mỗi lọ gồm 40 viên nang) thì những vết nám trên da mặt của chị sẽ tiêu tan hết. Chị H. bấm bụng bỏ ra gần 2 triệu đồng ôm mớ sản phẩm trên về nhà với hy vọng sẽ tìm lại được làn da thời con gái. Ròng rã suốt 3 tháng trời, chị H. luôn coi loại TPCN này như một thứ thuốc và ngày nào cũng sử dụng đều đặn 2 lần vào buổi sáng và tối. Thế nhưng, dù đã uống đến những viên cuối cùng, vết nám trên da mặt chị H. vẫn còn nguyên vẹn. Nghĩ mình không hợp với loại “thuốc” đã dùng, chị tiếp tục “hành trình” với một loại khác, nhưng lần này không phải do cô bạn tư vấn mà là sản phẩm chị biết được qua quảng cáo trên truyền hình. Chị H. kể: “Gần đây mình nghe ti vi quảng cáo nhiều về loại sản phẩm S.N.K giúp hỗ trợ loại bỏ nám da, sạm da và tàn nhang từ "gốc” nên tìm mua về dùng thử. Khi mua, người bán thuốc khẳng định sẽ đạt được hiệu quả nếu mình dùng đủ 3 tháng (mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần 3 viên); thậm chí chỉ cần sử dụng trong 1 tháng đã có thể thấy da bớt khô và mịn màng. Thực tình, không biết có hiệu quả không, bởi đến giờ mình uống thuốc cũng được gần 2 tháng rồi nhưng cũng chưa thấy có chuyển biến gì – chị H. tâm sự.
Thực phẩm chức năng được bày bán phổ biến tại các nhà thuốc. |
Chị H. chỉ là một trong số rất nhiều người tiêu dùng “vỡ mộng” sau thời gian sử dụng các loại TPCN không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trên thực tế, có không ít người tiêu dùng khi xem những mẩu quảng cáo “mập mờ” của các loại TPCN trên phương tiện truyền thông lại tưởng đó là thuốc nên tìm mua bằng được để chữa bệnh cho mình và hậu quả là “tiền thì mất mà bệnh vẫn còn nguyên”. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Bùi Quang Lộc, Giám đốc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng: Bản chất của TPCN là sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, điều này có nghĩa nó là một loại thực phẩm, nhưng mục đích sử dụng không phải vì dinh dưỡng thông thường mà còn có tác dụng hỗ trợ chức năng nào đó cho cơ thể, giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có quy định trên mỗi loại TPCN không được phép chỉ định điều trị bất cứ loại bệnh nào mà bắt buộc phải có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Tuy nhiên, trên thực tế, phần đông người tiêu dùng mua và sử dụng TPCN thông qua lời giới thiệu, quảng cáo của bạn bè, người bán thuốc hay quảng cáo trên các trang mạng… dẫn đến việc hiểu sai và dùng chưa đúng loại thực phẩm này. Để giải quyết vấn đề trên, gần đây Bộ Y tế có ban hành Thông tư 08 ngày 13-3-2013 về hướng dẫn quảng cáo các mặt hàng nằm trong phạm vi quản lý của Bộ, trong đó có TPCN, qua đó có quy định về phân cấp, cấp giấy đăng ký cho quảng cáo rất cụ thể. Nếu như các cơ quan thông tin đại chúng chấp hành nghiêm thì có lẽ sẽ không có tình trạng nói quá, có 1 nói 2, có 2 nói 4, quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm TPCN là thuốc…
Giá bán bị đội lên cao
Ngoài quảng cáo cường điệu, một bất cập khác dễ nhận thấy là giá bán của nhiều loại TPCN khi đến tay người tiêu dùng đã bị nâng lên quá cao so với giá trị thực của sản phẩm. Trên thực tế, với những loại TPCN sản xuất trong nước, tuy có sự chênh lệch về giá nhưng nằm trong biên độ người mua có thể chấp nhận được. Còn với những loại TPCN là hàng ngoại nhập, nhất là những hàng được quảng cáo là “hàng xách tay từ các nước về” thì giá cả càng “loạn” và có lúc chênh lệch từ vài trăm đến cả triệu đồng/hộp. Dù rất đa dạng và khá phổ biến, nhưng TPCN hiện vẫn là mặt hàng khá mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, nhất là vùng nông thôn. Lợi dụng yếu tố này, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh TPCN đã nâng giá bán lên nhiều lần để trục lợi. Đáng nói hơn, nhiều công ty còn thành lập cả hệ thống bán hàng đa cấp lôi kéo nhiều người tham gia, kể cả những người không hề có kiến thức trong lĩnh vực này, từ đó tạo nên những kênh phân phối bát nháo, với những “chiêu trò” thổi phồng quảng cáo, nâng giá trị sản phẩm để lôi kéo, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng.
Rõ ràng, TPCN bị đội giá lên nhiều lần là một thực tế, nhưng làm thế nào để quản lý được cơ chế giá của loại hàng hóa này vẫn là thách thức đối với các cơ quan quản lý. Theo bác sĩ Bùi Quang Lộc: Bản chất của việc phân phối TPCN là bán hàng đa cấp, mà đã là bán hàng đa cấp thì cơ chế quản lý, cũng như cơ chế về giá rất khó kiểm soát, cho nên phần lớn TPCN được bán trong các hiệu thuốc nhưng không được niêm yết theo giá thống nhất như các mặt hàng thuốc chữa bệnh.
Để từng bước giải quyết rốt ráo vấn đề trên, công tác triển khai truyền thông hiệu quả sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần lập lại trật tự đối với mặt hàng này trên thị trường, bởi khi người tiêu dùng có nhận thức đầy đủ về việc mua và sử dụng TPCN thì người sản xuất, kinh doanh cũng không thể nói khống và “làm giá” một cách bất hợp lý. Một biện pháp nữa để lập lại trật tự của thị trường TPCN là phải tăng cường công tác tập huấn, trang bị kiến thức cho các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm này để họ nắm được những quy định của Nhà nước, qua đó xây dựng lòng tin giữa nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng; nhưng quan trọng hơn cả là để người tiêu dùng hiểu đúng, hiểu rõ TPCN không phải là thuốc chữa bệnh, để họ không bị “chặt chém”.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc