Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp những ngày đầu trên nước Nga Xô viết

14:48, 25/11/2013

Gần 40 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về những năm tháng học tập tại nước Nga vẫn còn vẹn nguyên trong tôi. Ấn tượng sâu đậm nhất mỗi khi nhớ lại kỷ niệm về những năm tháng ấy chính là những tình cảm ấm áp với những người bạn Nga…

Sau khi rời quân ngũ, tôi được Tổng cục Dạy nghề và Thợ cả đưa sang Liên Xô (CCCP) học nghề theo Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước.

Giữa tháng 8-1974, tất cả các học sinh học nghề ở toàn Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác tập trung ở Bắc Ninh (khối sinh viên đại học thì tập trung riêng). Ở địa điểm tập trung, chúng tôi được nghe phổ biến về nội quy, lộ trình và được nhận mỗi người một chiếc vali vải giả da, một bộ comle may sẵn, một áo sơmi trắng cổ đứng và một đôi giày đen cùng tất. Mấy anh em đã trải qua đời lính nhận đồ xong, vẫn cảm giác thiếu một cái gì đó, đến khi nhận ra, tất cả tẽn tò cười với nhau, hóa ra “cái thiếu ấy” chính là chăn màn, tăng võng, bi đông, dây lưng… đã quen nhận mỗi lần cấp phát quân trang.

Đoàn chúng tôi lên một đoàn tàu khách tại ga Bắc Ninh, qua cửa khẩu Lạng Sơn rồi sang Bằng Tường (Trung Quốc). Tại Bằng Tường, tất cả hành khách đều rời khỏi tàu để lên tàu nước bạn. Việc quá cảnh hoàn toàn không phải làm thủ tục nên không mất thời gian. Đến ga biên giới của hai nước Trung Quốc – Liên Xô, hành khách không phải xuống tàu như ở biên giới Việt-Trung vì đường sắt của hai nước bạn bằng nhau về kích thước, tương đồng về chất lượng, nên tàu của nước này có thể chạy trên lãnh thổ nước kia chỉ cần thay toa đầu máy, toa phục vụ và nhân sự.

Thế là chúng tôi đã đi hết địa phận châu Á, sang địa phận châu Âu. Người dân châu Âu đều chủ yếu ăn bánh mì và uống nước sống trực tiếp lấy ở vòi. Ngay tại biên giới, trời Tây đã khác hẳn, các cửa sổ bị khóa chặt, bên trong toa tàu nóng và ngột ngạt, trong khi bên ngoài cây cối đang ngợp dần với cái lạnh.

Phần vì ăn uống không hợp khẩu vị, phần vì đã hơn chục ngày bị vây bủa bởi ngồi suốt trên tàu nên nhiều người đã thấm mệt, trong đó có tôi. Tôi không ăn uống được gì, người cứ lâng lâng, mệt đến mức nói không ra hơi, phải nhờ cán bộ y tế trên tàu đến  khám và cho thuốc. Sớm hôm sau, bất đắc dĩ tàu phải tạm dừng tại một ga. Tôi được đưa từ tàu hỏa sang xe cứu thương. Người cán bộ của Đại sứ quán ta tại Liên Xô, cũng là người trực tiếp quản lý, giúp đỡ chúng tôi trên suốt hành trình đã đưa cho tôi một tờ giấy viết chữ Nga. Ông dịch nghĩa cho tôi yên tâm: “Tôi là người Việt Nam, hãy cho tôi ăn cơm và uống nước chè”. Xong việc, cả tàu và xe cùng hối hả khởi hành. Tôi được đưa vào một bệnh viện. Một nữ điều dưỡng túc trực và bác sĩ thăm khám thường xuyên, thuốc men chu đáo. Qua hai lớp kính cửa sổ, tôi nhìn thấy ngoài trời đã có tuyết rơi. Tuyết rơi đồng nghĩa với lò sưởi bằng hơi nước hoạt động mạnh. Trong phòng khá ấm, nhưng không khí khô như rang, lần đầu tiếp xúc với thứ không khí này, tôi có cảm tưởng như mình sắp bị ngợp, có thể giòn tan.

Đại học  Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU),  Liên bang Nga –  nơi có nhiều sinh viên Việt Nam  học tập trong  thời chiến tranh  chống Mỹ.   Ảnh: T.L
Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU), Liên bang Nga – nơi có nhiều sinh viên Việt Nam học tập trong thời chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: T.L

Ngày ba bữa, nữ điều dưỡng mang thức ăn đến tận nơi cho tôi. Món ăn mỗi bữa đều thay đổi nhưng toàn là “đồ tây”, không có “thức ta”. Tôi chợt nhớ là mình đã đưa tờ giấy có ghi nhu cầu về ăn uống cho vị bác sĩ trên xe cứu thương và thật hối hận vì đã không giữ nó ở bên để làm “phiên dịch” cho mỗi bữa. Bụng đói, ruột cồn cào mà miệng thì không thu nạp được, tôi thèm một bát  cơm, một tô cháo quá chừng. Ăn đã vậy, uống cũng khổ không kém. Nước mở từ vòi ra lạnh buốt. Tôi ra ý nhờ nữ điều dưỡng cho uống nước nóng, tuy rất chú tâm, nhưng chị “tặng” lại cho tôi mấy câu tiếng Nga và những cái nhún vai, lắc đầu. Không biết tiếng, tôi diễn đạt bằng hành động. Tôi lấy một ly nước, đưa lên miệng thổi, chị vẫn lắc đầu; tôi liền thò một ngón tay vào ly nước rồi kêu “ái” và đưa lên xoa xoa nơi vành tai (như mẹ tôi vẫn làm khi vô tình chạm tay vào quai nồi bỏng rát). Chị cũng không hiểu và đi nhờ bác sĩ cùng vài bệnh nhân là nam giới ở những phòng bên. Tôi lặp lại những động tác trước và cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu đầy bất lực.

Trằn trọc một hồi trên giường, tôi bỗng nảy ra một ý. Tôi mượn chị điều dưỡng chiếc bút cùng mảnh giấy và ghi vào đó công thức hóa học của nước ở nhiệt độ sôi (H2O 100oC). Cầm mảnh giấy, nữ điều dưỡng lao ra ngoài, lát sau cả bác sĩ và nhiều người khác ào vào phòng tôi với vẻ mặt tươi cười và những cái bắt tay cùng những cái ôm hôn thắm thiết. Khi mọi người đang còn rì rầm quanh tôi thì một người đeo tạp dề mang tới một ấm nước đã được nấu sôi, một hộp trà và một hộp đường. Tôi rót nước nóng ra ly, đưa lên miệng thổi thổi, mọi người gật đầu (ra ý hiểu là nước nóng). Tôi lại thò một ngón tay vào ly nước rồi kêu “ái”, rồi đưa tay xoa lên vành tai, mọi người cũng gật đầu (ra ý hiểu là cách làm mát tay khi bị nóng). Lúc ấy tôi mới cười, nhún vai và lắc đầu. Mọi người cùng cười rất vui vẻ. Bà bác sĩ chỉ tay vào thái dương mình và nói gì đó với mọi người. Tôi đoán bà nói với mọi người nên động não, nên nhập tâm; cũng có thể bà nói tôi là hãy nhớ và vận dụng kiến thức.

Vậy là tôi đã giao tiếp được với những người bất đồng ngôn ngữ bằng thứ ngôn ngữ chung của cả nhân loại - KIẾN THỨC, và ngôn ngữ hành động mà tôi học được từ bà mẹ thân sinh.

Ngày hôm sau, một thanh niên cao, to đến phòng tôi gõ cửa xin vào. Bằng những cử chỉ rất lịch thiệp, anh đưa cho tôi một số bài tập: Hóa học (cân bằng phương trình, sau phản ứng thu được chất rắn kết tủa hoặc chất khi bay hơi); Đại số (phương trình bậc hai hai ẩn) và bài tập Hình học (hình học không gian). Có bài tôi giải được, có bài cả tôi, anh và cả nữ điều dưỡng cũng chỉ biết nhìn nhau cười. Tôi đoán anh đang là sinh viên. Chiều hôm ấy anh tặng tôi một bó hoa tươi, những người bệnh ở các phòng bên, các cán bộ y tế của bệnh viện cũng đem quà đến tặng, người thì trái táo, người trái cà chua… Những món quà đầu tiên mang nặng tình cảm mà tôi được nhận từ những người bạn không cùng ngôn ngữ.

Anh thanh niên tranh thủ dạy tiếng Nga cho tôi, tôi vui mừng học theo. Kết thúc “buổi học”, anh chỉ tay vào tôi, hỏi mấy từ gì đó, tôi không hiểu nên cứ lặng thinh. Khi nghe anh hỏi tiếp Vietnam, tôi sửng sốt nói to: Việt Nam, tôi là người Việt Nam. Anh chạy ra ngoài hành lang nói lớn những câu gì đó. Mọi người lại ùa vào phòng tôi, những bàn tay nắm lại chỉ chừa một ngón cái giơ cao và hai tiếng Việt Nam được mọi người nhắc đi nhắc lại. Trong số những người mới bước vào có ai đó nói thêm câu “Việt Nam – Hồ Chí Minh” bằng tiếng Nga. Tôi vui sướng trong niềm hạnh phúc khi được nghe những tiếng thân yêu “Việt Nam-Hồ Chí Minh” giữa cả một trời tuyết trắng của quê hương Cách Mạng Tháng Mười vĩ đại.

Đấy là kỷ niệm đầu tiên mà tôi luôn nhớ mãi. Sau này, trong quá trình học tập ở nước Nga, tôi còn nhiều kỷ niệm ấm áp khác nữa mà mỗi lần nghe nhắc đến Liên Xô , nước Nga là ký ức của tôi lại một lần lay động.

Hữu Hằng


Ý kiến bạn đọc