Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày phụ trách công tác giáo dục tại Ea Kao

09:17, 25/11/2013
10 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ea Kao (thuộc vùng căn cứ H6 trong kháng chiến chống Mỹ) vẫn là xã nghèo khó nhất của TX.Buôn Ma Thuột (nay là TP. Buôn Ma Thuột). Để giúp xã Ea Kao tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo thị xã đã điều động nhiều cán bộ về  tăng cường cho xã.
 
Là một giáo viên được Bộ Giáo dục tăng cường cho Dak Lak từ năm 1975, làm Hiệu trưởng các trường học ở nhiều địa bàn khác nhau, rồi được điều động về phòng Giáo dục thị xã phụ trách Thanh tra-Thi đua-Tổng hợp và đang theo học tại chức tại Đại học Tổng hợp Huế, cuối tháng 8-1986, tôi nhận được Quyết định về làm Hiệu trưởng Trường PTCS Lê Lợi xã Ea Kao. Sợ việc học hành của mình bị gián đoạn, tôi có ý định gặp lãnh đạo thị xã trình bày lý do, xin được ở lại Phòng Giáo dục. Nhưng tôi lại nghĩ: bao nhiêu năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào vùng hậu cứ đói cơm nhạt muối, chấp nhận hy sinh để che giấu và nuôi dưỡng cán bộ mới có cuộc sống như ngày hôm nay, lẽ nào mình lại thoái thác? Phải đến với đồng bào vùng hậu cứ H6, đến với các em học sinh là cách tốt nhất trả ân nghĩa cho đồng bào hậu cứ đối với cách mạng. Thế là tôi lên đường làm nhiệm vụ mới.
Mặc dù còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nhưng nhiều vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học.  (Trong ảnh: Một lớp học tại xã căn cứ Cư Pui, huyện Krông Bông). Ảnh: H.G
Mặc dù còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nhưng nhiều vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. (Trong ảnh: Một lớp học tại xã căn cứ Cư Pui, huyện Krông Bông). Ảnh: H.G

Vừa về đến trường, tôi liền chủ động đến gặp Ban Giám đốc Nông trường Ea Kao và lãnh đạo xã bàn công tác chuẩn bị cho năm học mới. Đi đến đâu, tôi cũng nhận được lời phàn nàn về việc chấp hành kỷ luật lao động không nghiêm của cán bộ, giáo viên và tình trạng bữa dạy, bữa không, bữa học, bữa nghỉ ở 6 phân hiệu. Đi kiểm tra cơ sở vật chất ở các phân hiệu, tôi phát hiện cả trường có 36 lớp học mà chỉ có 9 phòng học! Ở nhiều phân hiệu, do phòng học được xây dựng sơ sài, tạm bợ, chỉ qua mùa mưa đã sụp đổ hoàn toàn, trở thành điểm trắng. Để có phòng học kịp thời cho học sinh học tập trong năm học mới, tôi đã tham mưu với lãnh đạo xã, Ban  Giám đốc Nông trường Ea Kao tổ chức cuộc họp khẩn cấp, bàn giải pháp xây dựng phòng học, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Nông trường Ea Kao chịu trách nhiệm lo đủ phòng học cho con em công nhân Nông trường bằng cách dỡ các nhà kho bỏ trống chuyển sang làm các phòng học. UBND xã Ea Kao lo đủ phòng học cho phân hiệu chính trước cửa Ủy ban. Ban Giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm lo đủ phòng học ở điểm trắng tại các buôn Tơng Jú, Cư Bông.

Tôi trực tiếp đến gặp già làng, trưởng buôn Tân Jú xin mượn một ngôi nhà sàn dài đang bỏ trống (vì các gia đình trong ngôi nhà sàn nhiều thế hệ này đã chuyển ra ở nơi định cư mới) và đề nghị ngăn thành 3 phòng học đủ cho 6 lớp học hai ca của các em học sinh các buôn Tân Jú, buôn Chư Bông, buôn Cao Thắng. Với các học sinh lớp 1, lớp 2 buôn Cao Thắng không đi học xa được, tôi đề nghị chính quyền buôn nhanh chóng hoàn thành phòng học đang làm dở dang, kịp cho các em đi học tại buôn.

Một buổi trưa hôm sau, vừa về đến nhà, tôi đã thấy anh Ama Hương, Trưởng buôn H’Rát đang đợi. Ama Hương cho biết: học sinh buôn H’Rát của anh đã hai năm nay không được đi học! Tôi thật ngỡ ngàng bởi vì theo báo cáo của đoàn kiểm tra xóa mù chữ, phổ cập cấp I của thị xã gửi cho Phòng Giáo dục, xã Ea Kao đã xóa mù chữ, phổ cập cấp I đạt 96%! Hôm sau, tôi trực tiếp đến điều tra phổ cập giáo dục của buôn H’ Rát. Đếm từ đầu đến cuối sổ phổ cập giáo dục của buôn, tôi thấy có 68 học sinh từ 6 tuổi đến 18 tuổi chưa được đi học. Nguyên nhân là khi buôn H’Rát đến định cư cạnh hồ Ea Kao cho tiện sinh hoạt đã chuyển ngôi trường trong buôn đi theo, những học sinh trên là con em các gia đình không di dời theo buôn. Sau khi đến kiểm tra nền, tường hai phòng học cũ, tôi đề nghị trưởng buôn Ama Hương vận động bà con trong buôn lợp lại mái, đóng bàn ghế tạm phục vụ được cho các em học tập, còn tôi sẽ điều giáo viên về dạy. Sau 2 tháng dạy - học, tôi vào lại buôn Tơng Jú tổ chức họp buôn, bàn việc làm trường học bán kiên cố lâu dài cho điểm trường. Với sự giúp đỡ tiền để mua đinh của trường và công sức của người dân hai buôn, một ngôi trường mới bán kiên cố được làm từ lõi cây rừng ngã đổ, mái tranh được dựng lên trên con đường liên buôn, liên xã, liên huyện, nơi trung tâm của ba buôn, tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong các buôn đi học. Nhìn các em đầu trần chân đất, áo còn vá vai hồn nhiên cắp sách đến trường, tôi vừa vui vừa chạnh lòng khôn xiết!

Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo xã, lãnh đạo Nông trường Ea Kao, sự góp công góp sức của người dân nơi đây, Trường PTCS Lê Lợi đã có đủ phòng học học hai ca cho năm học mới. Kỷ cương trường học được thiết lập lại đã giúp cho mọi hoạt động trong trường đi vào ổn định, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Từ thực tế trên, tôi đã rút ra được cho mình nhiều bài học: phải sâu sát với cơ sở mới hiểu rõ thực tế, mới có những giải pháp đúng, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn đề ra. Phải dựa vào dân bởi nếu biết làm dân vận khéo, khơi dậy sức mạnh của nhân dân, lấy sức dân mà lo cho dân thì dù có khó khăn đến mấy vẫn có thể giải quyết được.

Ea Kao bây giờ đã đổi thay nhiều. Toàn xã đã có 6 trường học phổ thông và các trường mầm non đều được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Xã Ea Kao trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của TP.Buôn Ma Thuột. Nhưng những kỷ niệm về những ngày làm công tác giáo dục tại Ea Kao năm xưa vẫn làm tôi nhớ mãi…

 Lê Anh Chới


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.