Multimedia Đọc Báo in

Cho đi và nhận lại

14:57, 30/11/2013
Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều câu chuyện xúc động về những con người biết cho đi, thậm chí là hy sinh cả sinh mạng của mình để giúp người khác. Đó là em Nguyễn Sỹ Phúc (17 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT Nghi Lộc II, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) quên mình cứu người trong lũ; anh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi, thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đã quên thân khi cứu sống 5 người vụ chìm ca nô trên biển Cần Giờ…
 
Và còn biết bao người vẫn âm thầm, lặng lẽ dâng hiến cho đời tuổi thanh xuân. Đó là những cô giáo trẻ từ giã thành phố mang con chữ lên bản làng xa xôi; là anh bộ đội ngày đêm chắc tay súng nơi phên dậu của Tổ quốc; là những trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn... Hay hình ảnh đã trở nên thân quen với mọi người, là màu áo xanh bình dị của các sinh viên tình nguyện trong các chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” có mặt ở khắp các vùng quê để giúp người nông dân tiếp cận với kiến thức khoa học trong chăn nuôi, trồng trọt; giúp các em học sinh nghèo củng cố lại kiến thức. Đối với những bạn trẻ này, mùa hè ý nghĩa không phải là được đi picnic, nghỉ xả hơi… mà là mùa hè bận rộn vì mọi người, để rồi chính họ lại nợ những con người vùng quê nghèo ấy một củ khoai, một mớ tép đồng... gói trong chiếc túi bóng cũ kỹ nhét vội trước lúc chia tay. Củ khoai còn lấm lem bùn đất, con tép đậm hương vị sông nước quê hương… chứa đựng tất cả niềm thương mến của người nông dân chất phác. Và còn nhiều nữa - những tấm gương về những con người đã quên mình vì cuộc sống cộng đồng, để lại một lời giải đáp cho ai đó còn băn khoăn về lẽ sống, đắn đo về điều mình sẽ được nhận hơn là điều mình sẽ cho đi.

Tuổi thanh xuân là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Nhưng cũng có không ít người đã để tuổi thanh xuân trôi đi mà không để lại dấu ấn. Còn bạn, bạn đã và đang để tuổi thanh xuân của mình đi ngang qua cuộc đời theo cách nào? Cống hiến hết mình cho công việc, cho xã hội để nhận về sự thảnh thơi trong tâm hồn; hay sống mờ nhạt “nước chảy bèo trôi” để nhận về sự nuối tiếc vì đã lãng phí trí tuệ, sức khỏe? Cũng có bạn trẻ đã để tuổi thanh xuân chìm đắm trong những cuộc liên hoan nhậu nhẹt, trong quán bar, trong những lần đi “bão”… để lại nỗi đau cho gia đình và nhận về một tỳ vết trong quá khứ. Mỗi con người một hoàn cảnh, hoàn cảnh tạo nên con người, nhưng cũng chính con người có thể cải biến hoàn cảnh. Những ai còn mơ hồ về giá trị của cuộc sống, hay còn mơ hồ về cách sống, hãy thức tỉnh trước khi quá muộn màng. Hãy để nước mắt rơi vì hạnh phúc bởi những điều ta đã dâng hiến cho mọi người, chứ đừng để nước mắt rơi vì ân hận, vì những điều ta đã lấy đi của mọi người. Ai cũng chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho thật xứng đáng với điều ấy!

Xin mượn một câu nói nổi tiếng của nhân vật Paven Coossaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Oxtropxki để kết thúc bài viết này: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người ai cũng chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình...”

Xuân Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.