Multimedia Đọc Báo in

Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự: Mô hình hiệu quả ở thôn Tân Sơn, xã Ea Knuếc (huyện Krông Pak)

08:43, 17/11/2013
Thôn Tân Sơn, xã Ea Knuếc (huyện Krông Pak) có diện tích tự nhiên 217 ha với 117 hộ dân, 468 nhân khẩu, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nghề làm vườn, làm rẫy với cây trồng chính là cà phê. Trên địa bàn thôn có nhiều tuyến đường nối với các thôn, buôn khác và giáp ranh với các xã  của huyện Cư Kuin. Lợi dụng địa hình rộng, nhiều năm qua, cứ vào mùa vụ thu hoạch nông sản, các đối tượng trộm cắp, phá hoại cây trồng lại đổ về đây “hoạt động”. Rất nhiều vụ trộm cắp nông sản xảy ra khiến người dân trong thôn bức xúc, lo lắng. Nhiều gia đình đã dựng lều trại tại rẫy và thay nhau canh gác tuần tra cả ngày lẫn đêm nhưng cứ sơ hở một chút là bị mất cắp.

Từ thực tế đáng buồn này, năm 2012, Chi bộ và  Ban tự quản thôn Tân Sơn đã thành lập Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự với 9 thành viên do người dân bầu chọn. Thành viên trong tổ là chủ yếu là cựu quân nhân có sức khỏe, uy tín cùng với sự tham gia của cả công an viên. Tổ đề ra quy định 3 tháng họp một lần báo cáo kết quả tình hình an ninh trật tự trong thôn; rút kinh nghiệm về hoạt động trong thời gian qua đồng thời triển khai công việc mới. Tại các buổi họp tổ, các thành viên còn được quán triệt về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Chi bộ thôn. Mỗi lần sinh hoạt tổ, các thành viên đều lắng nghe ý kiến góp ý, đề xuất của người dân trong thôn để xây dựng kế hoạch  bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ vậy, từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự thôn Tân Sơn đã bắt được nhiều vụ trộm cắp vặt như trộm chó, gà, xe máy, điện thoại… Đặc biệt, vào năm 2012, trong lúc đi tuần tra, tổ đã phát hiện, theo dõi và vây bắt được một đối tượng có lệnh truy nã liên tỉnh về trộm cắp xe máy giao cho Công an tỉnh xử lý. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn bắt được một đối tượng trộm điện thoại di động và máy tính; thủ phạm của nhiều vụ trộm cắp cà phê xanh non và trộm vặt tài sản của dân giao cho Công an xã Ea Knuếc xử lý.

Bên cạnh đó, Tổ nhân dân tự quản cũng đã tổ chức ký cam kết với các hộ dân trong khu vực mình quản lý thực hiện tốt “4 không” (không gia đình nào vi phạm pháp luật, không chứa chấp tiêu thụ tài sản trộm cắp, không che giấu tội phạm, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ). Các thành viên của tổ cũng tuân thủ phương châm khi giải quyết các vấn đề xích mích trong nội bộ nhân dân là: “To làm thành nhỏ, nhỏ làm cho mất, nóng làm cho lạnh, phức tạp làm cho đơn giản” để được người, được việc, được tình làng nghĩa xóm và sự đoàn kết trong nhân dân. Vào lúc cao điểm mùa thu hoạch cà phê, các thành viên trong tổ chia nhau đi tuần và trực 24/24 giờ cả ngày lẫn đêm. Khi phát hiện đối tượng trộm cắp, các thành viên trong tổ cùng nhau vây bắt; nếu người vi phạm là người trong thôn thì càng phạt nặng và đưa ra kiểm điểm giáo dục tại các cuộc họp trong thôn để răn đe, ký cam kết… Nhờ những hoạt động hiệu quả, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn Tân Sơn có nhiều chuyển biến tích cực: các vụ mâu thuẫn trong nội bộ dân cư giảm rõ rệt, các vụ phạm pháp hình sự cũng giảm. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư, phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình, thôn văn hóa…; góp phần tích cực để hoàn thành tiêu chí thứ 19 về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Từ ngày thành lập Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự, bà con trong thôn Tân Sơn rất yên tâm, không còn lo lắng về nạn trộm cắp mỗi khi lên nương, lên rẫy… Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự của thôn Tân Sơn đã được UBND xã Ea Knuếc ghi nhận về nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh nông thôn.

Thùy Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.