Multimedia Đọc Báo in

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Nghĩa tình cao cả của một nông dân nghèo

06:44, 08/12/2013

Dù cuộc sống có khó khăn, vất vả nhưng 20 năm qua, ông Sùng Vảng Lao (thôn Giang Đông, xã Ea Dah, huyện Krông Năng) vẫn nhận nuôi gần 20 đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, mồ côi cùng chung sống dưới một mái nhà..

Nối “nghiệp” cha... nuôi con nhà người

Ở thôn Giang Đông ai cũng biết gia đình ông Sùng Vảng Lao với những nghĩa cử, việc làm nhân ái trong nhiều năm qua. Theo như lời ông Lao, từ khi bố ông còn sống, cụ cũng đã nhận nuôi nhiều đứa trẻ mồ côi, bây giờ những anh chị em đó đều đã già. Kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đưa ông gắn với những đứa trẻ bất hạnh này, ông Sùng Vảng Lao cho biết, vào năm 1993 trong thôn Giang Đông có một cặp vợ chồng (vợ người Kinh, chồng người Mông) nghiện ma túy, họ bỏ mặc đứa con nhỏ vừa mới tròn 4 tuổi là Sùng Thị Hoa hằng ngày phải đi cắt cỏ, rửa chén bát thuê cho các gia đình để kiếm cơm. Thấy cháu bé quá đáng thương, ban đầu gia đình ông chỉ định đón về nuôi để chờ bố mẹ cai nghiện rồi giao lại. Với kinh nghiệm từ nghề thầy thuốc của cha, ông đã giúp mẹ cháu Hoa cai nghiện thành công. Những tưởng khi đã thoát khỏi “nàng tiên nâu”, bà sẽ đón con gái về, nào ngờ người phụ nữ này lại “xin” gia đình ông một ít tiền để đi tìm chồng, nếu không bà sẽ bán đứa con đi. Trước tình thế này, gia đình ông đành phải đưa cho bà 600 nghìn đồng để đứa trẻ bất hạnh được ở lại. Hoàn cảnh lúc đó dù chẳng mấy khá giả, lại đông con nhưng gia đình ông Lao vẫn cưu mang, nuôi nấng Hoa như con cái trong nhà, lúc nhỏ thì tạo điều kiện cho đi học, lớn lên thì tìm nơi gả chồng. Bây giờ, đứa trẻ ngày đó đã có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Từ đó đến năm 2000, gia đình ông tiếp tục nhận nuôi 7 đứa trẻ, bây giờ chúng cũng đã lập gia đình chỉ còn cháu Sùng Thị Phong Lan đang được gửi ở Dòng Nữ vương Hòa Bình (TP. Buôn Ma Thuột) để đi học. Ông Lao tâm sự: “cháu Phong Lan là con út trong một gia đình khó khăn lại đông con, mẹ mất nên người bố đã gửi tôi nhờ nuôi dưỡng từ lúc cháu 5 tuổi. Sau một thời gian học tập ở địa phương, tôi đã gửi cháu lên thành phố để có điều kiện học tốt hơn. Hiện giờ Lan đang học lớp 9 và có thành tích học tập khá tốt. Mỗi lần được nghỉ hè hay dịp Tết cháu lại về nhà ở với chúng tôi để kèm những đứa trẻ khác học tập”.

Cả con nuôi, con ruột đều được gia đình ông Lao quan tâm chăm sóc.
Cả con nuôi, con ruột đều được gia đình ông Lao quan tâm chăm sóc.

Có đứa trẻ được ông Lao nhận nuôi từ khi còn đỏ hỏn, với bao vất vả lo toan bởi ngoài việc ăn uống, chi phí học tập phải kể những lúc ốm đau, bệnh tật. Như trường hợp anh em Giàng A Gư. Năm 2011 ông nhận nuôi Giàng A Gư (sinh năm 2001) vì gia đình cháu quá khó khăn, bố mẹ bị bệnh mà không có tiền chữa trị. Đến đầu năm 2013, bố Gư mất khi đứa em trai của Gư chỉ mới được 1 tuần tuổi, người mẹ cũng bị sỏi mật nặng, cuộc sống gia đình càng lâm vào cảnh khó khăn nên bà đã có ý định cho đi đứa con nhỏ của mình. Thấy vậy, ông Lao đã nhận thêm đứa trẻ này về nuôi. Những tháng ngày sau đó là quãng thời gian đáng nhớ đối với gia đình ông bởi bé mới 12 ngày tuổi, thường xuyên phải nhập viện vì căn bệnh viêm phổi, nhiều đêm ông và vợ phải thức trắng để chăm sóc. Dù thế, ông vẫn không từ bỏ ý định và tiếp tục nhận nuôi những mảnh đời bất hạnh.

Nghèo tiền bạc, giàu nghĩa tình

Khi nói về việc làm của mình trong hơn 20 năm qua, ông Lao chia sẻ: “Mỗi đứa con nuôi đến với tôi như là một định mệnh, vì hoàn cảnh đưa đẩy nên bố mẹ chúng mới phải nhờ đến gia đình tôi bởi có ai muốn xa lìa đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Vì tình thương bọn trẻ tôi sẽ cố gắng nuôi dưỡng để chúng nên người. Dù tiền bạc không có, nhưng nghĩa tình thì gia đình tôi chẳng bao giờ thiếu”. Cuộc sống gia đình với 7 người con ruột và mẹ già trông chờ vào những sào đất rẫy bạc màu chỉ trồng được ngô, đậu, thế nhưng hơn 20 năm qua, gia đình ông đã nhận nuôi gần 20 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi đứa một hoàn cảnh khác nhau, đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa thì vẫn còn bố hoặc mẹ, lại có đứa bố mẹ vẫn còn sống nhưng do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi. Cuộc sống với hàng chục đứa con nên để trang trải, chi tiêu cho việc ăn uống và học hành, ông Lao phải vất vả sớm hôm cày cuốc trên những thửa ruộng khô cằn và đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền, những lúc túng thiếu quá lại phải đi vay mượn. Dẫu khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ ông có ý nghĩ để các con ở nhà lao động kiếm sống mà luôn tạo mọi điều kiện để tất cả đều được đi học.

 “Những lúc nhà có ít thức ăn ngon thì những đứa lớn phải nhường cho các em mà chẳng phân biệt đó là con đẻ hay con nuôi. Kể cả những vật dụng như áo quần, sách vở… nếu thấy các con cần là lập tức bố đều đi mua. Ban đầu, mấy chị em trong nhà thấy còn ghen tị, trách bố tại sao lại đi đón những đứa trẻ này về  để dành phần của mình. Nhưng bây giờ đã lớn khôn, hiểu biết nên chúng em cảm thấy thương và kính trọng bố mẹ nhiều hơn”, chị Sùng Thị Y (con gái thứ 3 của ông Lao) tâm sự. Không phụ công ơn dưỡng dục của bố mẹ nuôi, các con đều ngoan ngoãn, chăm học. Từ năm 2000 đến nay, ông đã cưu mang 10 đứa trẻ, trong đó 6 đứa hiện đã lớn và được gửi đến ở tại Dòng Nữ vương Hòa Bình, 1 đứa đang ôn thi Đại học tại thành phố Buôn Ma Thuột, 3 đứa còn lại ở nhà với vợ chồng ông đi học cấp 1 và mẫu giáo. Khi nào nhớ các con, ông lại bắt xe đò lên thành phố thăm và mỗi năm vào ngày nghỉ hè, lễ tết các con ông lại trở về sum vầy bên gia đình ở thôn Giang Đông.

Thiết nghĩ, những thân phận mồ côi, cảnh đời bất hạnh ấy nếu như không được tấm lòng nhân hậu, bao dung của gia đình ông Lao cưu mang, giúp đỡ không biết sẽ phiêu dạt về đâu, tương lai ra sao. Dù không mang nặng, đẻ đau, nhưng gia đình ông đã yêu thương, chăm sóc các cháu như chính con đẻ của mình và chắc hẳn những đứa trẻ này sẽ chẳng bao giờ quên công nuôi dưỡng của vợ chồng ông Sùng Vảng Lao.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc