Multimedia Đọc Báo in

Nữ bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi nhiệt tình với công tác xã hội

09:15, 06/12/2013
Năm 1987, gia đình chị Nguyễn Thị Khuyến từ quê Thanh Hà (Hải Dương) vào xây dựng kinh tế mới tại thôn 3, xã Cư Króa (huyện M’Drak). Những ngày đầu trên vùng đất mới, cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn, các con còn nhỏ, vốn liếng không có, cả nhà lại thường xuyên bị căn bệnh sốt rét hành hạ.
Không cam chịu đói nghèo, chị động viên chồng con tích cực khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác và làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Với bản tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm trong chi tiêu, đến nay gia đình chị Khuyến đã có một cơ ngơi khá khang trang với 7 ha đất trồng rừng nguyên liệu giấy, 2 ha đất trồng sắn, nuôi 8 con trâu, bò và hàng chục con heo, gà với ao thả cá rộng hơn 1000m2; bình quân mỗi năm cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Khuyến (bìa trái).
Chị Nguyễn Thị Khuyến (bìa trái).

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Khuyến còn tích cực tham gia công tác xã hội. Từ năm 1997 đến nay, chị đã trải qua các chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, thôn trưởng, Phó Bí thư và hiện giờ là Bí thư Chi bộ thôn 3, Đảng bộ xã Cư Króa. Ở cương vị nào, chị Khuyến cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay trên cương vị là Bí thư Chi bộ thôn 3, chị đã cùng với tập thể đảng viên trong chi bộ chủ động xây dựng chương trình, Nghị quyết của chi bộ hằng năm phù hợp với tình hình thực tế tại thôn, đồng thời tập trung lãnh đạo các tổ chức chính trị trực thuộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an ninh, xây dựng thôn ngày một phát triển.

Thôn 3, xã Cư Króa hiện có 50 hộ với 200 nhân khẩu, đa số là người dân từ tỉnh Hải Dương vào xây dựng kinh tế mới. Từ những năm 2005 trở về trước, cuộc sống của nhiều người dân trong thôn còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và dựa hoàn toàn vào tự nhiên, thu nhập bình quân đầu người trong thôn chỉ đạt vài triệu đồng/hộ/năm, số hộ nghèo chiếm trên 70% số hộ trong thôn. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, nhân dân trong thôn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học vào chăn nuôi, sản xuất nâng cao đời sống và xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Đến nay, 100% số hộ đã chuyển đổi cơ cấu cấy trồng vật nuôi thành công, 1/3 số hộ trong thôn có từ 6-10 ha đất trồng rừng nguyên liệu, trồng mía, trồng sắn...; 47/50 hộ có nhà xây trị giá từ 150 triệu đồng trở lên; 30% số hộ có thu nhập từ 200- 400 triệu đồng/năm; 50% số hộ có thu nhập 100 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm từ 70% xuống dưới 20% vào năm 2012, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 15 triệu đồng. Người dân trong thôn còn  tích cực góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, nhân dân thôn 3 đã tự nguyện đóng góp được gần 100 triệu đồng và hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông trong thôn đi lại được thuận tiện hơn, đặc biệt là các hộ trong thôn sau khi khai thác rừng trồng đã tự nguyện đóng góp 1% tổng thu nhập vào quỹ phúc lợi của thôn. Đời sống người dân ổn định, bộ mặt thôn 3 ngày càng khởi sắc, thành quả ấy có sự góp sức không nhỏ của Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Khuyến.

Tiến Ninh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.