TP.Buôn Ma Thuột: Những bất cập trong công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình
Bên cạnh việc in ấn, cấp phát tài liệu, Trung tâm đã đầu tư mua sắm cho mỗi xã, phường một bộ tuyên truyền lưu động với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng; xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số gần 600 người... Không chỉ dựa vào đội ngũ cộng tác viên, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố còn thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp tại các nhà cộng đồng và hội trường tổ dân phố với hình thức tuyên truyền được cải tiến đa dạng, phong phú hơn như: thay vì chỉ nghe tuyên truyền miệng, bà con còn được xem hình ảnh thông qua đèn chiếu; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt là chương trình ca nhạc hay những bộ phim có nội dung về dân số, kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, Trung tâm còn chú trọng tổ chức các lớp tuyên truyền cho phụ nữ và tầng lớp thanh thiếu niên về sự cần thiết nên thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, khám thai định kỳ và khám sàng lọc trước sinh, sau sinh. Nhờ những hoạt động trên, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng đã giảm dần so với các năm trước.
Mới 23 tuổi nhưng chị H’Thưa đã là mẹ của 3 đứa con. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở TP.Buôn Ma Thuột vẫn còn những bất cập. Số trẻ em được sinh ra là con thứ 3 trở lên dù đã giảm nhưng vẫn còn nhiều, kéo theo đó là tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng, chậm phát triển... Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các xã, phường vùng ven, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố nơi công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả cao. Hầu hết cán bộ dân số ở đây là những người mới vào làm, còn trẻ, ít kinh nghiệm trong việc tiếp cận và thuyết phục người dân.
Chị H’Thưa ở buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) năm nay mới 23 tuổi nhưng đã có tới 3 đứa con. Lấy chồng năm 17 tuổi, từ đó đến nay H’Thưa sinh liền 3 đứa con, đứa lớn nhất hiện nay 5 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi. Cả hai vợ chồng không có việc làm ổn định, đất sản xuất chỉ có khoảng 2 sào trồng cà phê, lại chưa có nhà ở nên hiện nay gia đình H’Thưa vẫn là một trong những hộ thuộc diện nghèo của xã. Nhận thức được sinh nhiều con là khổ nhưng do ý thức về việc kế hoạch hóa gia đình chưa cao nên H’Thưa vẫn để vỡ kế hoạch. Trường hợp của chị H’ Thưa là một trong nhiều chị em gia cảnh còn rất khó khăn nhưng lại sinh nhiều con trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, trong năm 2013 trên địa bàn thành phố có gần 400 trẻ em được sinh ra là con thứ 3 trở lên, tập trung nhiều ở các xã, phường như: Hòa Xuân, Hòa Phú, Ea Kao, Cư Êbur, Ea Tam... Đây phần lớn là con em trong những gia đình lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về sinh đẻ kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ở những phường, xã nói trên cũng còn thấp, tình trạng kết hôn sớm, kết hôn khi chưa đến tuổi còn xảy ra. Tại xã Ea Kao, trong những năm gần đây vẫn còn 12 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đến tuổi, xã Cư Êbur 17 cặp, xã Hòa Khánh 8 cặp. Đây cũng là những đơn vị có số người tảo hôn nhiều và có tỷ lệ trẻ em được sinh ra là con thứ 3 trở lên nhiều nhất trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột... Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở những đơn vị này cũng tương đối nhiều. Năm 2013, toàn TP.Buôn Ma Thuột có 2.452 em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, chiếm tỷ lệ 8,92%; trong đó phường Khánh Xuân 226 em, chiếm 10,55%, xã Ea Kao 169 em, chiếm 11,37%, phường Thành Nhất 134 em, chiếm 11, 52%...
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc