Multimedia Đọc Báo in

Bếp ăn tình thương ấm lòng người bệnh

07:56, 01/01/2014
Bếp ăn tình thương của Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar đã được tổ chức từ năm 2009, nhưng sau hơn một năm hoạt động thì giải tán do gặp nhiều khó khăn như: không có nơi nấu nướng, phải nấu ở nhà của các chị thành viên rồi mới vận chuyển đến Bệnh viện, kinh phí lại hạn hẹp… Thấu hiểu nỗi khó khăn của những bệnh nhân nghèo và người nhà, Hội Chữ thập đỏ huyện đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xin kinh phí xây dựng bếp tại Bệnh viện Đa khoa huyện và vận động các nhà hảo tâm đóng góp, cung cấp kinh phí để bếp ăn tiếp tục hoạt động từ tháng 1-2013.
Cấp phát cháo cho bệnh nhân nghèo.
Cấp phát cháo cho bệnh nhân nghèo.

Thời gian đầu, bếp tổ chức  nấu mỗi tuần một nồi cháo dinh dưỡng, sau đó nâng lên hai nồi cháo mỗi tuần, cung cấp bình quân 100 - 130 suất ăn/lần, trị giá từ 8.000 - 10.000 đồng/suất (tùy theo giá của nguyên liệu ngoài thị trường). Qua gần 1 năm hoạt động đến nay, bếp ăn tình thương của Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar đã hỗ trợ suất ăn cho hơn 7.580 lượt bệnh nhân, nấu nước sôi phục vụ miễn phí cho 100% bệnh nhân có nhu cầu, trị giá trên 68 triệu đồng. Các nhà tài trợ luôn thường xuyên ủng hộ củi nấu bếp, rau, củ, quả… phục vụ cho việc nấu cháo hằng tuần. Những tô cháo ngon luôn nóng hổi, bảo đảm vệ sinh đã đến tận tay người bệnh hoặc người thân của bệnh nhân. Đó là niềm vui và cũng là trách nhiệm của các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện, là sự nỗ lực chung tay của các nhà hảo tâm, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar. Bếp ăn tình thương với 15 thành viên Ban Chỉ đạo, 9 thành viên Ban Điều hành, 31 thành viên phục vụ bếp nấu ban đầu, nay đã tăng lên 38 thành viên và đã vận động được 238 nhà hảo tâm tài trợ. Các tình nguyện viên của bếp mỗi người mỗi nghề, có chị làm nông, chị buôn bán, người thì làm công nhân… nhưng tất cả nhiệt tình, tâm huyết với công việc tình nguyện. Buổi sáng các chị tất bật dậy từ 3 giờ để vào bếp chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo cho kịp phục vụ bệnh nhân. Dù không gian của bếp nấu hẹp, chưa được tiện nghi, nhiều lúc khói mù cay xè mắt nhưng cứ nghĩ đến những bệnh nhân nghèo đang cần giúp đỡ, các chị lại động viên nhau làm việc sao cho chu đáo để giúp cho người bệnh được nhiều hơn. Những tô cháo được các chị trân trọng trao tận tay người bệnh. Giữa người trao, người nhận dường như không có khoảng cách, mà cảm giác thân thương như chính những người ruột thịt. Chị H’Yen Êban ở buôn Kna A, xã Cư M’gar đang chăm con nhỏ nằm viện, cho biết: “Nhà mình thuộc hộ nghèo được chữa bệnh, được cho cháo để ăn, gia đình mình cảm ơn các chị làm bếp từ thiện nhiều lắm”.

“Việc làm này rất bình thường, xuất phát từ cái tâm, cái phúc mà thôi, thấy người nghèo khi đau ốm họ lại càng khó khăn nên giúp được gì cho họ trong lòng mình cũng cảm thấy thảnh thơi” là tâm niệm của chị Phan Thị Hoa, tổ trưởng Bếp ăn tình thương và đây cũng là suy nghĩ chung của các chị trong tổ. Nhờ vậy, mà trong gần một năm qua, bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar vẫn luôn đỏ lửa, để người nghèo nằm viện được hỗ trợ phần nào và an tâm chữa bệnh.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.