Chuyện những người "gói tết"
Bánh chưng, bánh tét là sản vật không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt từ bao đời nay. Bây giờ, chuyện gói bánh khác trước nhiều, nhưng tâm hồn Việt thì vẫn vẹn nguyên trong những chiếc bánh ngày Tết.
Bánh chưng, bánh tét bà Sáu
Ngày nay, ở thành phố, nhiều người bận rộn với công việc không có thời gian gói bánh, ngại gói hoặc không biết cách gói bánh. Để có bánh thờ Tết, họ tìm đến những người làm nghề gói bánh chưng, bánh tét. Bên cạnh nghề mưu sinh, những người này đang lặng lẽ giữ hồn cho những chiếc bánh mỗi độ Tết đến xuân về; họ là “Những người gói Tết”.
Nhiều năm nay, hình ảnh người phụ nữ với cái tên gần gũi “bà Sáu bánh tét” đã trở nên quen thuộc với những người hay qua lại trên đường Phan Chu Trinh - TP. Buôn Ma Thuột. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Minh, làm nghề gói bánh chưng, bánh tét hơn 20 năm nay. Hằng ngày, bà làm các loại bánh gói đem ra góc đường tại ngã tư Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu ngồi bán. Bánh của bà ngon, giá cả phải chăng nên ngày càng nhiều người tìm đến mua, bánh làm ra hầu như ngày nào cũng bán hết. Đặc biệt, vào dịp Tết, bà nhận làm bánh cho khách với số lượng lớn, từ các gia đình đến nhà hàng, khách sạn. Bình thường, trong nhà có 4 người làm bánh, nhưng vào mùa Tết, bà phải thuê thêm 10 nhân công, gói suốt ngày đêm mới kịp giao cho khách. Trung bình từ 25 tháng Chạp đến Tết, gia đình bà gói hàng ngàn chiếc bánh, dùng đến vài tấn gạo nếp. “Bà Sáu bánh tét” chia sẻ: bánh thờ Tết phải gói bằng lá dong, trọng lượng 1 kg, 1,3 kg hoặc 1,5 kg nếp, tùy yêu cầu của khách và phải luộc khoảng 15 giờ đồng hồ. Để có bánh ngon thì từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến gói và luộc bánh phải có kinh nghiệm riêng. Nếp để gói bánh bà dùng loại nếp sáp, vì loại nếp này dẻo, mềm và thơm, để được lâu mà bánh không bị “sống lại”. Bên cạnh đó, nhân đậu xanh phải làm sạch vỏ và ngâm kỹ, còn thịt ba chỉ phải được phi hành mỡ xào qua trước thì bánh mới thơm. Mỗi loại bánh cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng: bánh chưng thờ Tết phải gói vuông đều cả 8 góc và phải bảo đảm không bị “sệ” sau khi luộc; còn bánh tét phải biết cách giữ, nắn đều để bánh tròn, nếp không bị nén chặt. Cuối cùng, sau khi luộc thì rửa qua nước lạnh để lá bánh xanh, đẹp mắt. Đặc biệt, bánh chưng, bánh tét của bà khi bóc ra có màu xanh tự nhiên mà không có thuốc nhuộm, có thể để đến rằm vẫn không bị thiu. Cứ thế, mỗi dịp Tết, nhiều người lại đến đặt bà gói bánh dâng lên cúng ông bà tổ tiên, hoặc để gửi làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở xa. Có thể nói, những người như bà Nguyễn Thị Kim Minh đã góp thêm hương vị xuân và giữ lại cái hồn cho những chiếc bánh chưng, bánh tét ngày Tết.
Cha con cùng gói bánh tết. |
Nồi bánh – tình làng nghĩa xóm
Tại các vùng nông thôn, trước đây, vào dịp Tết, hầu như nhà nào cũng tự gói bánh chưng, bánh tét. Để có những chiếc bánh dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên trong đêm ba mươi, cả nhà cùng nhau quây quần gói bánh. Cha tỉ mẩn chẻ từng sợi lạt đều tăm tắp và cắt lá dong, mẹ chuẩn bị nhân làm bánh, còn mấy đứa trẻ thì ngồi xem và học cách gói, rồi cả nhà quây quần bên bếp lửa với nồi bánh đang luộc. Cuối cùng, mẹ cẩn thận vớt từng chiếc bánh, rửa qua nước lạnh, để nguội và bày lên bàn thờ. Bọn trẻ con, mặc dù ngủ gà ngủ gật bên nồi bánh nhưng vẫn cố chờ bánh chín để được ăn chiếc bánh “sót” (bánh nhỏ, không có nhân gói bằng nếp còn dư) nóng hổi, béo ngậy. Cũng từ đó, hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh đêm cuối năm đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong trái tim những người con nơi làng quê.
Bây giờ, nhiều gia đình không còn tự gói bánh mà góp lại, khoảng 3 -7 nhà nấu chung một nồi bánh. Các gia đình tập trung tại nhà nào có mặt bằng rộng rồi cùng ngâm nếp, chẻ lạt, cắt lá gói bánh. Mọi người vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ. Những câu chuyện tết, chuyện làng xóm, chuyện những người làm ăn xa trở về quê ăn Tết cứ thế dài theo thời gian luộc bánh. Để luộc bánh, cần một chiếc nồi lớn, bếp kê bằng mấy viên gạch chồng lên nhau, những gốc củi to đốt lửa đỏ hồng một khoảng sân… Mọi người cùng nhau canh nồi luộc bánh suốt đêm; nồi bánh trở thành minh chứng cho tình làng nghĩa xóm mỗi độ Tết đến xuân về.
Hằng năm, vào ngày gần Tết, gia đình bà Lê Thị Tám (thôn 4, xã Krông Buk, huyện Krông Pak) lại cùng gia đình người con trai và 2 nhà hàng xóm tổ chức gói bánh chưng. Trước đây, nhà bà đông con nên gói nhiều bánh để thờ cúng, làm quà biếu, vừa để ăn dần với số lượng khoảng 15 kg nếp. Nhưng mấy năm gần đây, con bà đi làm ăn rồi lập gia đình ở xa, không cần gói nhiều bánh nên 4 gia đình gói chung khoảng 20 - 25 kg nếp. Bà Tám khéo tay nên đảm nhiệm việc gói toàn bộ bánh cho các gia đình. Khi luộc, mọi người tập trung lại canh bếp và trò chuyện râm ran. Những câu chuyện về vụ cà phê vừa xong, chuyện con cái, chuyện về quê cũ ở miền Trung năm nay lại thêm một cái tết không sung túc vì ảnh hưởng của bão lụt… cứ thế nối dài. Khi nồi bánh chín, mọi người chia nhau phần bánh của gia đình đem về kịp bày lên bàn thờ trước lúc giao thừa. Bà Tám chia sẻ: “Trước đây, gói bánh chưng, bánh tét không những để thờ cúng mà còn để ăn; bây giờ, mỗi gia đình chỉ cần vài cái để thờ, có thể ra chợ mua nhưng vẫn thích tổ chức gói chung để cho có … không khí tết”.
Bánh chưng, bánh tét đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người qua mỗi mùa Tết. Đó không chỉ là sản vật truyền thống trong ngày Tết mà còn là sợi dây thắt chặt tình yêu thương gia đình, làng xóm để từ đó nuôi lớn tâm hồn những người con đất Việt.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc