Hội Phụ nữ huyện M'Drak: Nỗ lực thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động Hội
Để vận động, tập hợp phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt Hội, Hội Phụ nữ xã Cư Mta đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó điểm nhấn là xây dựng các mô hình hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Các cơ sở hội thường xuyên tổ chức và duy trì các buổi sinh hoạt định kỳ, đưa những hội viên làm kinh tế giỏi và nhiệt tình với công tác xã hội làm nòng cốt tuyên truyền; đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động như: tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn, mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, cung cấp con, cây giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Những biện pháp này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Chỉ sau một thời gian ngắn, các hoạt động của Hội Phụ nữ xã đã thu hút đông đảo hội viên tham gia; qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Kim, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Mta cho biết: Những hoạt động của Hội gắn chặt với đời sống của chị em nên họ thấy được sự hữu ích khi tham gia sinh hoạt hội. Nhờ vậy, tỷ lệ thu hút hội viên dân tộc thiểu số của xã Cư Mta ngày càng tăng qua các năm, đến nay đã đạt 56,8%.
Xã Cư San cũng là một xã nghèo của huyện M’Drak với 12 thôn vùng sâu, vùng xa, 95% dân số là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng), trình độ dân trí thấp và còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo chiếm khá cao. Để tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, Hội Phụ nữ xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội và lợi ích của hội viên bằng nhiều hình thức như truyền thông, giao lưu văn nghệ giữa các thôn bản, xây dựng mạng lưới nhóm nòng cốt cung cấp thông tin cho hội, cử người thường xuyên tiếp cận vận động phụ nữ tham gia tổ chức hội, kết hợp vận động chị em trong xã thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tham gia các phong trào của hội. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, các thôn, bản, hội cơ sở ở cách xa nhau từ 5-12 km nhưng các cán bộ phụ nữ vẫn thường xuyên tổ chức sinh hoạt cho hội viên. Hội Phụ nữ xã cũng đã xây dựng mô hình điểm tập hợp chị em thông qua đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tổ chức diễn đàn, các hội thi; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hội viên phụ nữ dân tộc xây dựng các mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ. Những hoạt động đó đã giúp chị em gắn bó với nhau và gắn bó hơn với tổ chức hội.
Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ huyện M’Drak đã tích cực chủ động đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt; củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở Hội theo phương châm “hướng về cơ sở”, chú trọng xây dựng các mô hình phù hợp với các nhóm đối tượng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà “Mái ấm tình thương”, xây dựng một số mô hình như: “5 không 3 sạch”, “Nuôi dạy con tốt”, “Chuẩn mực phụ nữ”; tổ chức kết nghĩa… Toàn huyện hiện có 44 chi hội người Kinh kết nghĩa với 44 chi hội người dân tộc thiểu số, 212 hộ hội viên người Kinh kết nghĩa với 212 hộ hội viên người dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đến nay, Hội Phụ nữ huyện M’Drak có 10.634 hội viên trong tổng số 15.792 phụ nữ trên địa bàn, chiếm 67,3%, trong đó có 6.374 hội viên dân tộc thiểu số, chiếm gần 60% tổng số hội viên; có 168 chị đóng vai trò là hội viên cốt cán.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc