Multimedia Đọc Báo in

Say mê sáng tạo vì thương hiệu Việt

09:48, 30/01/2014

Sinh năm 1963 tại Sơn La, năm 1977 Nguyễn Đăng Phong theo gia đình vào Dak Lak. Ngay từ thuở nhỏ cậu bé Đăng Phong luôn sẵn có trong mình lòng đam mê với máy móc cơ khí, do đó sau khi kết thúc phổ thông, Phong thi đỗ vào khoa cơ khí Trường Đại học Hải sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang).

Anh đã lao vào học tập, thực hành và làm thêm nhiều việc như tham gia sửa chữa thiết bị điện, động cơ… từ đó tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm về quy trình sản xuất động cơ. Tốt nghiệp ra trường về Dak Lak lập nghiệp, anh làm kỹ sư cơ khí và phụ trách một nhà máy nước đá, tới năm 1991 thì mở tiệm sửa chữa điện cơ - điện lạnh. Ngày đó người dân tại Dak Lak nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung thường đưa máy bơm xuống gần mặt nước của giếng đào để hút nước tưới. Anh thấy như thế là không an toàn và không tiện dụng vì nếu buộc không chặt thì máy bơm sẽ chìm xuống nước và cháy. Để trên thành giếng thì không có cái bơm nào có thể hút nước quá 10m, vì hạn chế về mặt kỹ thuật như: sủi bọt khí, dòng chảy rối trong đường ống; hoặc phải sử dụng bơm củ gừng để giải quyết nhưng áp lực nước không mạnh và chỉ dùng trong sinh hoạt nên không khả thi… Do đó, chỉ có bơm chìm với kỹ thuật cột áp âm nên không phải hút mà chỉ phụ thuộc vào công thức đẩy. Điều đó chỉ phụ thuộc vào kết cấu động cơ và kết cấu buồng bơm mới có thể giải quyết các vấn đề trên. Mày mò nghiên cứu, anh đã sản xuất thành công chiếc bơm chìm công suất nhỏ đầu tiên của mình, rồi dần dần hoàn thành sản phẩm: Bơm điện thả chìm DAPHOVINA. Tuy nhiên, sản phẩm này có nhược điểm là giá thành cao; nhôm lại dễ bị ăn mòn ở những vùng nước có nồng độ PH cao hoặc thấp. Sau nhiều năm trăn trở, mày mò nghiên cứu anh quyết định sử dụng công nghệ cán gân tăng cứng chế tạo vỏ động cơ điện cho sản phẩm bơm chìm của mình. Từ lúc có ý tưởng đến khi bắt đầu chuyển đổi từ vỏ nhôm sang inox thì khoảng 3 năm với công nghệ là cán gân tăng cứng cùng loại vật liệu bằng inox, anh đã khắc phục được những nhược điểm và có thêm các ưu điểm như: gia công vỏ nhôm không cân đúc nên tiết kiệm thời gian; vỏ bơm không bị ăn mòn trong vùng nước mặn và có độ PH không bình thường; giá thành rẻ, chất lượng tăng và mẫu mã đẹp hơn. 

Anh Nguyễn Đăng Phong giới thiệu những sản phẩm bơm chìm sử dụng công nghệ cán gân tăng cứng của mình với người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Đăng Phong giới thiệu những sản phẩm bơm chìm sử dụng công nghệ cán gân tăng cứng của mình với người tiêu dùng.

Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ trong chế tạo bơm chìm, anh Phong và Trường Đại học Hải sản Nha Trang đang có kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ cán gân tăng cứng để sản xuất vỏ tàu hai lớp sử dụng công nghệ cán gân tăng cứng và bơm phôm. Đây là một trong những kỹ thuật khó, thế nhưng theo anh Phong, nếu thành công thì ứng dụng của nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho ngư dân đi biển, khi họ vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất tàu cá, lại vừa có thể bảo quản được hải sản tươi lâu hơn trên những tàu đánh bắt xa bờ. 

Từ những sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật vào trong việc sản xuất, năm 1994 anh đăng ký bản quyền về nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm bơm chìm DAPHOVINA; đến năm 1998 thì được cấp bằng bảo hộ độc quyền về nhãn hiệu hàng hóa, năm 2004 được cấp bằng bảo hộ độc quyền về kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm bơm chìm DAPHOVINA. Hiện nay sản phẩm bơm chìm DAPHOVINA của Công ty Đăng Phong do anh làm giám đốc đã được bán trên khắp cả nước rồi xuất khẩu sang Lào và Campuchia. Từ đó công ty của anh đã nhận được nhiều giải thưởng trong đó nổi bật nhất là Giải Bạc chất lượng Quốc gia tại Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2012. Riêng với việc sử dụng công nghệ cán gân tăng cứng đã giúp anh đoạt Giải đặc biệt tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Dak Lak lần IV (2012 - 2013).

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc