Multimedia Đọc Báo in

Vươn tới ước mơ

22:36, 31/01/2014

Ý chí, nghị lực, niềm tin và tình yêu cuộc sống là nguồn sức mạnh để các “bóng hồng” vươn lên, đạt được thành công trên con đường mình đã chọn. Chính khát khao vươn tới những ước mơ đã tạo nên hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới: năng động, tự tin, quyết đoán. 

Khu du lịch sinh thái - văn hoá - cộng đồng KôTam thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng ngoạn
Khu du lịch sinh thái - văn hoá - cộng đồng KôTam thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

Làm “sống” lại nghề tranh thêu tay truyền thống

Cuộc đời xô đẩy và nỗi lo mưu sinh đã đưa người con gái  Nguyễn Thị Việt từ quê hương Quảng Nam vào tận TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp bằng nghề thợ may tại các khu công nghiệp từ năm 1993. Sau 7 năm sinh sống ở thành phố náo nhiệt, năng động này, chị tình cờ biết đến nghề làm khung hình và đã nảy ra ý định táo bạo mà sau này tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời chị: lên cao nguyên Dak Lak xây dựng xưởng sản xuất khung hình. Nghĩ là làm, năm 2000, chị khăn gói lên đường đến với vùng đất Tây Nguyên xa lạ với khát vọng làm giàu bằng toàn bộ số vốn chắt chiu, dành dụm được. Công việc kinh doanh vốn chứa đựng đầy khó khăn, thử thách và càng trở nên khắc nghiệt hơn đối với chị - một người trẻ tuổi, chồng mất sớm lại chưa có kinh nghiệm, ít vốn, không có kiến thức về thị trường khiến chị thất bại ngay từ lần đầu tiên. Không nản chí, chị quyết định quay về Sài Gòn, tiếp tục làm thuê, tích lũy vốn và nuôi dưỡng ước mơ vươn lên làm giàu. 

Các bức tranh thêu tay do chị Việt sản xuất với mẫu mã đa dạng ngày càng được thị trường ưa chuộng
Các bức tranh thêu tay do chị Việt sản xuất với mẫu mã đa dạng ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Năm 2004, chị Việt quay trở lại Dak Lak và lần này khởi nghiệp với quy mô nhỏ hơn, thận trọng hơn. Trải qua nhiều khó khăn, việc kinh doanh dần phát triển, các đơn đặt hàng ngày càng nhiều nhưng chị vấp phải một thử thách khác khi nguồn nguyên liệu là các loại gỗ tận dụng của địa phương để làm khung hình trở nên khan hiếm. Không chấp nhận thất bại lần thứ 2, chị Việt lại xuống TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu, mua nguyên liệu để sản xuất khung hình bằng nhựa. Những nỗ lực, quyết tâm đó đã đưa chị đến thành công khi dần tạo được chỗ đứng trên thị trường với một xưởng sản xuất khung hình ngay tại phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), mỗi năm cung cấp cho thị trường Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh khoảng 10.000 khung hình các loại. Mặc dù khá thành công với con đường mình đã chọn nhưng vốn là người biết và yêu thích nghề làm tranh thêu, chị Việt lại nuôi dưỡng một ước mơ khác: làm “sống” lại nghề tranh thêu tay truyền thống. Ban đầu, chị tự thêu một số tranh, đóng khung để trưng bày, nhiều khách hàng đã tìm mua và đặt hàng với các mẫu mã, kích cỡ khác nhau. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, chị đã sang Đà Lạt, đến các xưởng thêu mua một số mẫu tranh đẹp về làm theo, đồng thời liên kết với những người thợ lành nghề ở Dak Lak, Đà Lạt cùng làm. Cứ vậy, những bức tranh thêu tay về chủ đề thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa… có mức giá từ 500.000 đồng đến 12 triệu đồng/bức ngày càng được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Xưởng sản xuất khung hình và tranh thêu tay của chị đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương và 11 thợ thêu tranh lành nghề. Với những sản phẩm do chính mình sáng tạo đã đưa chị vinh dự trở thành 1 trong số 38 người xuất sắc nhất đoạt giải thưởng tại cuộc thi “Ngày Phụ nữ sáng tạo Việt Nam” năm 2013, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Việc kinh doanh phát triển, chị Việt không quên dành tấm lòng và sự quan tâm của mình cho những mảnh đời khốn khó. Chị đã tự nguyện đóng góp tiền, đồng thời vận động thêm một số tiểu thương, nhà hảo tâm khác cùng đóng góp để nấu gần 200 suất cơm/ngày tặng những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh và Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. 

Giữ gìn bản sắc văn hóa qua các tour du lịch cộng đồng

Gần cả đời gắn bó với hạt cà phê và đã đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa dừng lại ở đó. Sống ở vùng đất này hơn 40 năm, chứng kiến biết bao sự đổi thay, phát triển nhưng cũng có không ít tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước bị tàn phá, cạn kiệt và cả buôn Pak - một buôn cổ của người Êđê xưa ngay tại đầu nguồn suối Kô Tam cũng không còn khiến lòng chị luôn trĩu nặng. “Với mong muốn góp phần khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa, đồng thời quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đến bạn bè trong nước, quốc tế, nâng cao giá trị nông sản địa phương, tạo việc làm cho người lao động… tôi đã thuyết phục và kêu gọi các nữ doanh nhân trong Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh cùng hợp tác đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Kô Tam ngay tại địa điểm của buôn Pak cổ trước kia”, chị Ngọc Anh chia sẻ về ý tưởng liên kết phát triển du lịch. Sau một thời gian dài vật lộn với bao khó khăn trong việc huy động vốn, thẩm định, xin cấp phép, đền bù, giải tỏa mặt bằng… cuối cùng, dự án cũng đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Đầu năm 2012, bắt đầu triển khai xây dựng giai đoạn 1 với số vốn gần 30 tỷ đồng do 24 thành viên của Câu lạc bộ đóng góp, trong đó, chị Ngọc Anh là cổ đông lớn nhất và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kô Tam. Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Kô Tam đã chính thức khai trương vào đúng dịp Kỷ niệm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-2013) và cũng là khoảng thời gian diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV năm 2013. 

Nhà sàn của người Êđê được xây dựng ngay trong Khu du lịch sinh thái -  văn hóa - cộng đồng Kô Tam.
Nhà sàn của người Êđê được xây dựng ngay trong Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Kô Tam.

Để biến ý tưởng khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa thành hiện thực, chị Ngọc Anh đã cho xây dựng ngay trong khuôn viên của khu du lịch một căn nhà sàn theo kiến trúc của người Êđê, mày mò phục dựng lại bến nước, đầu tư trồng cà phê và các loại cây ăn quả, xây dựng khu vực rang - xay - chế biến cà phê, khu ăn uống, nghỉ dưỡng… Điều đặc biệt của dự án này là đã liên kết được một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 buôn: Kô Tam, Kmrơng A, Kmrơng B (xã Ea Tu) cùng làm du lịch. Khi du khách có nhu cầu sẽ được đưa đi tham quan các buôn kể trên để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của người dân tộc bản địa, trải nghiệm quy trình trồng - chăm sóc - thu hái - chế biến cà phê, thưởng thức các loại trái cây và các sản phẩm chăn nuôi truyền thống ngay tại các khu nhà mẫu, vườn mẫu, nghỉ dưỡng ở nhà sàn và được tìm hiểu cây Knia, khám phá lễ cúng bến nước của người Êđê. Cùng với việc tạo ra một địa chỉ “du lịch xanh”, công ty còn tạo việc làm ổn định cho 60 lao động địa phương, trong đó có 40 người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Y Sa La Môn, một người dân ở buôn Kô Tam đã làm tại khu du lịch gần 1 năm nay cho biết: Đa số người lao động được tuyển dụng vào làm tại đây đều là lao động phổ thông nên để họ yên tâm gắn bó, làm việc lâu dài, công ty đã tổ chức đào tạo các nghề tiếp viên, lễ tân, nấu ăn, làm vườn, hướng dẫn viên du lịch… Đồng thời, chính Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã hỗ trợ làm nhà cho một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất. Cũng nhờ khu du lịch này mà có thêm một bến nước của người Êđê được khôi phục, giữ gìn và cuộc sống của người dân ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn dần được cải thiện. Hiện tại khu du lịch này chỉ rộng 17 ha, nhưng chị Ngọc Anh đang dự định trong tương lai sẽ nâng tổng diện tích lên khoảng 600 ha bằng cách kêu gọi sự vào cuộc, hợp tác của các hộ dân trong vùng liên kết làm du lịch cà phê để cùng bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản địa phương.

Sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm vươn tới ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của chị Ngọc Anh, chị Việt cùng nhiều phụ nữ khác đã góp phần tô thắm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.  

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc