Multimedia Đọc Báo in

Chuyện… lì xì

14:23, 15/02/2014
Là một phong tục đẹp trong dịp Tết cổ truyền nhưng dường như phong tục lì xì đang dần biến tướng, đánh mất đi nét đẹp văn hóa vốn có của nó.

Trong một lần đi chúc Tết, khi tôi vừa lì xì cho mấy cậu nhóc, chúng chẳng thèm cảm ơn mà chỉ vội vàng mở bao lì xì xem bên trong bao nhiêu. Thấy tờ 10 nghìn đồng, đứa thì bảo “bèo thế”, đứa thì bảo “keo thế” rồi rút tờ tiền nhét vào túi áo, làm tôi cảm thấy ái ngại với những người xung quanh và bạn bè cùng đi với mình. Xem ra, thời nay tiền mừng tuổi không đơn  giản nằm ở tấm lòng, mà chủ yếu nằm ở giá trị của đồng tiền bên trong phong bao lì xì. Phải chăng chính thói thực dụng của người lớn đã làm hư các em (!)

Tưởng chừng chuyện lì xì chỉ dành riêng cho con trẻ, nhưng câu chuyện mà một người bạn tôi kể lại trong ngày làm việc đầu năm mới càng buồn thay. Đó là ngày đầu tiên làm việc của năm mới, anh được hẹn lịch đến giao dịch tại một cơ quan nọ. Tiếp anh là một nhân viên lịch sự, niềm nở và rất nhiệt tình. Sau khi hoàn tất công việc, anh bạn tôi được người nhân viên kia thông báo lệ phí phải đóng là 50 nghìn đồng nhưng lại thòng thêm một câu: “Năm mới anh lì xì cho em thêm 200 nghìn cũng được!”

Câu chuyện buồn về lì xì trong năm mới không chỉ ở thái độ ứng xử mà ta thỉnh thoảng bắt gặp đâu đó mà buồn hơn chính là phong tục này đang dần bị thương mại hóa. Người lớn đã biến chuyện lì xì thành văn hóa “phong bì” để mong dễ dàng đạt một mục đích nào đó, hay là để nhẹ nhàng trong quan hệ làm ăn. Chính bởi lẽ đó mà cuối năm, thay vì đổi tiền lẻ mệnh giá 5 nghìn, 10 nghìn đồng thì bạn tôi, đứa thì lo đi đổi đô la, đứa thì lo săn “hàng độc” để… “điếu đóm”!

Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại ý nghĩa thực sự, trả lại giá trị nhân văn của phong tục này.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.