Đêm ở lò mổ gia súc
Chúng tôi tìm đến lò mổ trên đường Y Moal Enuôl, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột vào một đêm cuối tháng 1-2014. Khoảng 2 giờ 30 phút sáng, những cơn gió thổi ràn rạt, trời lạnh căm, nhưng lò mổ đã sôi động như một công trường sản xuất, các thợ mổ tất bật làm thịt heo; nhiều bước chân chủ heo và thương lái ra vào chở thịt đi tiêu thụ. Lò mổ có diện tích 1.500 m2, công suất thiết kế 250 con heo/ngày, được bố trí theo ba khu vực: nuôi nhốt gia súc, giết mổ và khu xử lý chất thải. Phía bên trái lò mổ là chuồng nhốt heo, với số lượng hàng trăm con các loại đang chờ lên bàn mổ. Khu giết mổ gồm ba dãy bàn mổ thuận lợi cho dây chuyền mổ heo từ chọc tiết đến ra thịt thành phẩm. Các thợ mổ dùng dây điện đầu nối với thanh thép nhọn đâm vào đầu làm heo chết xong đưa lên bàn mổ chọc tiết. Bàn mổ được thiết kế cao hơn nền khoảng 20 cm để bảo đảm vệ sinh; bên cạnh đó, các nồi nước lớn đang sôi sùng sục để trụng heo, cạo lông xong, heo được đưa sang khu vực khác dội nước sạch sẽ và ra thịt. Chỉ mất khoảng 10 phút, các thợ mổ đã “hóa kiếp” xong con heo, rồi móc hàm treo lên giá để cán bộ thú y kiểm tra và đóng dấu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; các thương lái đến chọn mua heo và chở đến các chợ bán lẻ. Chị Trần Thị Phượng cho biết, mỗi ngày chị đến lò chọn mua 2 con heo với giá 65.000 – 70.000 đồng/kg, con nào thịt chắc, nhiều nạc thì mua giá cao hơn 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy giá thị trường, sau đó đem ra chợ Tân An bán lẻ theo từng loại thịt ba chỉ, nạc, xương hay chân giờ… Lòng, thủ heo tách riêng, và cũng nhanh chóng được mua hết. Những người mua là các chủ quán nhậu và tiểu thương mang ra chợ bán lẻ hoặc làm món nhậu.
Hàng đêm khi mọi người đã ngon giấc thì lò mổ hoạt động sôi nổi. |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, chủ lò mổ cho biết: thông thường, heo được các thương lái chở đến lò vào buổi chiều và được giết mổ sáng sớm hôm sau. Tuy nhiên, vào dịp gần Tết, lò mổ hoạt động nhộn nhịp hơn nhiều, heo được chở đến lò từ sáng đến chiều, mỗi đêm, các thợ mổ cho ra lò hàng trăm con mới đủ cung cấp cho thị trường.
Tại lò mổ có hàng chục lao động là thanh niên và trung niên chuyên làm công cho các chủ heo. Mỗi chủ heo thường đưa vào lò ít thì 3-5 con, nhiều 10-20 con và thuê 2 – 5 thợ mổ. Anh Sơn, một chủ heo, cho biết: mỗi đêm đưa vào lò khoảng 20 con heo, sau khi giết mổ, heo được bán tại chỗ cho các thương lái, lời khoảng vài trăm ngàn mỗi con. Theo những người làm ở lò mổ, trung bình, một lao động làm việc từ 11 giờ đến 5 giờ sáng, thu nhập khoảng 5-8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi đêm, một lao động phải làm thịt 5 - 10 con heo, vào dịp Tết thì nhiều hơn. Làm nghề này rất vất vả, đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe tốt để làm việc ban đêm, ngày còn phải phụ bắt heo. Anh T. một thợ mổ có thâm niên 5 năm tâm sự, lúc đầu mới vào nghề cũng hơi “ghê tay”, nhưng làm dần rồi quen. Vẫn biết, không mấy ai có thiện cảm với những người làm nghề “đồ tể” nhưng anh vẫn bám nghề vì đây là công việc chính đáng, lại có thu nhập nuôi sống cả gia đình.
Cũng nhọc nhằn mưu sinh tại lò mổ đêm, bên cạnh các thợ mổ, còn có các anh xe thồ chuyên chở heo thuê cho các thương lái. Tại lò, có khoảng 10 người làm nghề xe thồ, họ có mặt tại đây khi gần sáng, mặc chiếc áo mưa dã chiến và chờ heo cân xong thì chở đi. Thông thường, giá chở mỗi con heo từ lò đến chợ là 20.000 đồng/con, mỗi người có thể nhận chở heo của nhiều chủ; mỗi đêm 5 – 10 con. Tranh thủ uống ly cà phê cho tỉnh ngủ, anh xe thồ tên Sinh cho biết, mỗi sáng anh chở 10 con heo từ lò ra chợ Tân An và Phan Chu Trinh, kiếm được 200.000 đồng, rồi đến bến xe phía Bắc tiếp tục chờ khách.
Trời rạng sáng, lò mổ ngừng hoạt động, mọi người chuẩn bị cho ngày làm việc mới thì các thợ mổ lặng lẽ ra về nghỉ ngơi sau một đêm vất vả.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc