Multimedia Đọc Báo in

Điện về buôn xa

07:58, 11/02/2014
Nằm cách trung tâm xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) hơn 10 km, có đường điện 35 KV ngang qua nhưng chưa được hạ thế nên suốt bao năm qua, người dân ở buôn Tơng Rang B và thôn 2 của xã Cư Drăm vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, lưới điện quốc gia đã đến với 48 hộ dân nơi đây.
 
Khi có điện nhiều gia đình đã mua sắm những thiết bị, đồ dùng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt máy… Amí Duyên ở buôn Tơng Rang B không giấu được niềm vui khi cùng gia đình quây quần bên chiếc ti vi mới mua: “Gia đình tôi định cư ở đây từ năm 1993. Đến nay tôi đã hơn 70 tuổi rồi. Đã từ lâu mong ước có điện cho nhà cửa sáng sủa, con cháu học hành thuận lợi hơn và được xem ti vi để biết tin tức hằng ngày. Bao năm mong mỏi giờ mới được toại nguyện…”. Anh Trần Văn Ba ở thôn 2 cũng vui mừng tâm sự: “Năm nay gia đình tôi rất vui vì thu được 5 tấn cà phê và có hơn 400 cây hồ tiêu chuẩn bị cho thu hoạch. Đặc biệt tết này còn có thêm niềm vui vì đã được dùng điện lưới quốc gia, các cháu được xem ti vi; thức ăn tết này cũng không bị hỏng nữa vì gia đình đã có tủ lạnh. Sắp tới gia đình tôi sẽ mua máy bơm nước chạy điện tưới cà phê và hồ tiêu để giảm bớt chi phí do giá dầu tăng cao; mua máy tính cho các con học, nối mạng Internet để tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cà phê và hồ tiêu nhằm đạt năng suất cao hơn…”.
Niềm vui khi có điện của  gia đình Amí Duyên  ở buôn Tơng Rang B.
Niềm vui khi có điện của gia đình Amí Duyên ở buôn Tơng Rang B.

Được biết, để có niềm vui này, 48 hộ gia đình ở đây đã tự nguyện đóng góp gần 400 triệu đồng để Công ty Điện lực Krông Bông hạ thế trạm biến áp 75 kVA. Anh Đỗ Xuân Hoạt - người đứng ra tổ chức kêu gọi các hộ dân đóng góp kéo điện về - cho biết: “Đã nhiều năm nay, các hộ dân ở đây ai cũng nóng lòng, mong muốn được sử dụng điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất; nhưng vì các hộ dân ở thưa thớt nên Nhà nước chưa hạ thế. Vừa qua bà con đã họp, bàn bạc và thống nhất cùng nhau đóng góp tiền để kéo điện về. Để hạ thế, số tiền người dân phải đóng cho Công ty Điện lực là 380 triệu đồng. Trong đó mỗi hộ người Kinh đóng góp hơn 8 triệu đồng, 7 hộ người dân tộc thiểu số mỗi hộ đóng góp 5 triệu đồng. Ngoài ra mỗi hộ còn bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua phụ kiện, bóng điện và dây để kéo điện từ công-tơ về nhà. Sau 5 tháng kể từ ngày có ý tưởng, đến nay đã có điện. Ai cũng thấy vui vì đã được dùng điện lưới quốc gia…”.

Hiện vẫn còn hàng chục hộ ở buôn Tơng Rang B do không có điều kiện đóng góp nên vẫn chưa có điện. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Drăm cho biết: “Lưới điện 35 KV đi ngang qua nhưng do các gia đình này đều là những hộ giãn dân ngoài kế hoạch, lại ở thưa thớt nên chưa hạ thế. Cấp trên cũng đã khảo sát và có kế hoạch trong thời gian tới sẽ hạ thế để đưa điện phục vụ những hộ dân ở đây, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất, phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu của xã”.

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.