Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ huyện Cư M'gar tham gia xây dựng nông thôn mới

05:28, 16/02/2014
Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M’gar đã lựa chọn những tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội để đăng ký với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp. Toàn huyện đã có 100% chi hội và tổ hội phụ nữ đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

 Để hội viên, phụ nữ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như nội dung, phương pháp, cách làm và nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, trong thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và 11 nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Qua đó, có 25.283/25.779 hộ hội viên đã đăng ký, cam kết thực hiện các nội dung hoạt động thiết thực xây dựng gia đình với 3 tiêu chí cụ thể “Không đói nghèo”, “ Không bạo lực”, “Không vi phạm phạm pháp luật” và thực hiện tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới” của Hội LHPN huyện Cư M’gar phát động được đông đảo hội viên, phụ nữ hưởng ứng. Nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ đã gương mẫu, đi đầu trong việc hiến đất xây dựng công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng giao thông, bê tông hóa giao thông nông thôn. Đặc biệt, có những hội viên thuộc diện hộ nghèo vẫn sẵn sàng hiến đất của gia đình để xây dựng công trình phúc lợi ở địa phương. Trên địa bàn huyện có 43 gia đình hội viên phụ nữ hiến đất làm đường, xây dựng hội trường thôn; hàng trăm chị em tích cực đóng góp tiền của, công sức làm đường trị giá trên 2 tỷ đồng. Điển hình như Chi hội phụ nữ thôn An Bình, thị trấn Ea Pôk có 15 gia đình hội viên hiến đất làm đường, mỗi hộ hiến 100 – 300 m2 đất và đóng góp 540 triệu đồng và 400 ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn; Chi hội phụ nữ thôn 3 và thôn 8, xã Ea Kpal đã đóng góp trên 290 triệu đồng và trên 100 ngày công làm đường giao thông; Chi hội thôn 3, xã Ea M’nang có 13 gia đình hiến đất làm đường...

Đặc biệt, thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường nông thôn, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar đã xây dựng được nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia; như: xây dựng 2 tổ phụ nữ thu gom rác thải ở thôn 5, xã Ea Kiết và thôn Tân Lập, xã Ea Kpal; vận động được 12.739 hộ đào hố xử lý rác sau vườn; duy trì thực hiện có hiệu quả 13 đoạn đường “Phụ nữ tự quản” và nhân rộng mới 12 đoạn đường, hằng tuần tổ chức dọn vệ sinh và chăm sóc cây xanh hai bên đường. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động chị em hằng tuần tổ chức thu gom rác thải, làm cỏ, khơi thông cống rảnh ở các con đường thôn, buôn, tổ dân phố với trên 80% hộ tham gia thực hiện. Để góp phần thực hiện tiêu chí văn hóa, Hội Phụ nữ các xã/thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, qua đó đã xây dựng 64 đội bóng chuyền nữ với 735 thành viên, 32 đội bóng đá nữ có 346 thành viên. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào đọc, tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ sách báo, Hội LHPN huyện đã đầu tư xây dựng tủ sách báo, hiện nay có 15/17 cơ sở Hội có tủ sách, báo với số lượng mỗi tủ từ 50 - 150 đầu sách các loại; 105/190 Chi hội phát động phong trào đọc, tìm hiểu kiến thức từ sách, báo. Nhờ vậy, nhiều hội viên phụ nữ đã áp dụng tốt những kiến thức học được từ sách báo về cách nuôi dạy con tốt, kiến thức làm kinh tế giỏi, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội từ gia đình… Bên cạnh đó, nhằm thực hiện tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội Phụ nữ cơ sở, tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở, chi, tổ hội; tập trung vào các lĩnh vực hoạt động như: tập huấn trao đổi kinh nghiệm kỹ năng nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn xây dựng các mô hình hoạt động có hiệu quả, tổ chức các hội thảo bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện không có tổ chức cơ sở hội yếu kém.

Có thể nói, những mô hình, cách làm của các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên, phụ nữ, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thị Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.