Sếp... quan tâm
Là thủ trưởng cơ quan, ông thường bày tỏ tình cảm với cấp dưới bằng cách hỏi thăm gia cảnh. Người mới về nhận nhiệm sở thì bảo sếp sâu sát, quan tâm anh em và lấy đó làm vui. Kẻ ở lâu lại cho rằng sự quan tâm ấy chỉ là “trò mị dân”’, “đầu môi chót lưỡi”; nói cách khác, nó không thật; tất nhiên chỉ nói lén sau lưng sếp.
Cơ quan có gần trăm cán bộ nhân viên, nhiều người nhà ở xa nên chỉ có thể về thăm nhà trong những ngày nghỉ phép. Khi anh em trả phép, lên báo cáo thủ trưởng, liền nhận được những lời hỏi thăm dồn dập, đại loại “Bố mẹ khỏe không?”; “Các cháu học hành sao?”; “Mùa màng năm nay thế nào?”…Tương tự, cán bộ mới về nhận nhiệm vụ, cũng được thủ trưởng quan tâm như thế: “Cậu năm nay bao nhiêu tuổi?”; “Đã vợ con chưa?”; “Quê đâu nhỉ?”. Ông hỏi tới tấp như một thói quen; có khi người đối thoại chưa trả lời hết, ông đã chuyển qua câu hỏi khác. Trong khi nghe cấp dưới đáp lại, ông cứ luôn miệng: “Tốt! Tốt!...” Biết hỏi thăm chỉ là cách xã giao đãi bôi của sếp nên nhiều người được hỏi thường trả lời qua loa, có khi nói ngược lại. Bởi nếu nói thật là mẹ ốm con đau, mùa màng thất bát, trong khi sếp cứ theo thói quen “tốt, tốt” thì lại dở.
Chỉ tỏ vẻ chứ không thật lòng quan tâm cấp dưới nên dù ông luôn tìm hiểu gia cảnh anh em nhưng chẳng nhớ được bao nhiêu. Có những nhân viên cùng làm việc nhiều năm nhưng ông cũng quên tên. Và nhầm lẫn nữa, thỉnh thoảng ông lặp lại câu hỏi cách đó không lâu: “Cậu quê đâu nhỉ?”; “ Cậu sinh năm nào?”. Có anh trêu lại sếp: “Năm sinh của em vẫn như cũ ạ!” Bi hài hơn, có người bố mẹ mất đã lâu nhưng ông vẫn hồn nhiên: “ Hai cụ vẫn khỏe chứ!?”
Mới đây, bố của nhân viên lái xe cho ông qua đời, ông đi viếng. Tất nhiên, tài xế đưa ông đi lần này là người khác. Lúc đã lên xe, ông mới hỏi địa chỉ cần đến: “ Nhà cậu ấy ở đâu nhỉ?”. Anh tài xế tròn mắt, ngạc nhiên: “ Anh ấy lái xe phục vụ thủ trưởng đã mấy năm mà thủ trưởng không biết nhà sao!?”.
Ông ừ à, lúng túng, có vẻ ngượng.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc