Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

05:40, 16/02/2014
Phát huy giá trị nhân đạo và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đối với người cao tuổi, nhiều năm nay, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được các cấp, các ngành ở thị xã Buôn Hồ chú trọng, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thị xã.

Thị xã Buôn Hồ hiện có 5.213 hội viên người cao tuổi tham gia sinh hoạt ở 184 chi hội, tổ hội và 9 câu lạc bộ văn thể. Trong đó, hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 20,7%. Hằng năm Ban đại diện Hội Người cao tuổi thị xã đều tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể bảo đảm các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước với người cao tuổi, nhất là Nghị định 67 của Chính phủ về nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi. Đồng thời hướng dẫn các chi hội xây dựng kế hoạch hoạt động của phong trào “Tuổi cao gương sáng”; Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi hội, tổ hội trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò của người cao tuổi”…

Hội viên Câu lạc bộ Văn thể phường An Bình, thị xã Buôn Hồ tập dưỡng sinh.
Hội viên Câu lạc bộ Văn thể phường An Bình, thị xã Buôn Hồ tập dưỡng sinh.

Ở các xã, phường, Hội Người cao tuổi tiến hành rà soát, lập danh sách những gia đình chính sách, gia đình nghèo có người cao tuổi, người cao tuổi neo đơn… tham mưu với UBND, UBMTTQ để thăm hỏi, giải quyết các chế độ chính sách phù hợp với đối tượng; tổ chức gặp mặt đầu xuân, gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam, Ngày Thương binh - Liệt sĩ… Một số chi hội, tổ hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thăm hỏi những người già đau ốm, qua đời. Đến nay, thị xã Buôn Hồ có 1.338 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 17 hộ gia đình nghèo có người cao tuổi được xóa nhà tạm bợ, xây nhà kiên cố. Đầu năm 2013, Hội Người cao tuổi cơ sở đã chúc thọ, mừng thọ cho 345 cụ từ 70 tuổi trở lên với số tiền gần 100 triệu đồng.

Nhằm duy trì và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, Ban đại diện Hội Người cao tuổi thị xã Buôn Hồ còn chỉ đạo thành lập 9 câu lạc bộ văn thể, thu hút 360 cụ tham gia luyện tập thường xuyên. Tiêu biểu và hiệu quả của phong trào văn thể phải kể đến Câu lạc bộ của các phường: An Lạc, Đạt Hiếu, An Bình… Hằng năm nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi, các xã, phường đều tổ chức cho Người cao tuổi tham gia đồng diễn thái cực trường sinh, giao lưu văn nghệ, tổ chức thi cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, sáng tác thơ ca... Bên cạnh đó, các hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi luôn được các cấp, các ngành ở thị xã Buôn Hồ nhiệt tình hưởng ứng. Hằng năm, các đơn vị như: Trung tâm Dân số-KHHGĐ, Trung tâm Y tế, Hội Đông y… đều tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi. Trong đó Hội Đông y của thị xã thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn sức khỏe, thăm khám tại nhà cho Người cao tuổi nhằm hạn chế các bệnh tật liên quan đến quá trình lão hóa như: tim mạch, khớp, hô hấp… Chỉ tính riêng trong năm 2013 đã có 1.338 cụ 80 tuổi trở lên được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 406 cụ được Hội Đông y, Trạm Y tế khám bệnh miễn phí… Ban đại diện Hội Người cao tuổi thị xã cũng đã tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân hưởng ứng phong trào “Mắt sáng người cao tuổi” và xây dựng quỹ chăm sóc phát huy người cao tuổi, quỹ phụng dưỡng cha mẹ, ông bà được 617 triệu đồng. Có thể nói, từ những hoạt động thiết thực đã góp phần giúp người cao tuổi nâng cao kiến thức, trân trọng sức khỏe và phát huy vai trò của bản thân trong gia đình và công tác xã hội.

 Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.